Toàn cầu thiếu gạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc 'đừng để mất cơ hội'

Lượng gạo tồn kho giảm 8,9 triệu tấn, trong khi các quốc gia đua nhau mua gạo ăn và dự trữ đẩy giá mặt hàng này tăng vọt. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời cơ không chờ chúng ta, đừng để mất cơ hội.

Vét "sạch kho" để xuất khẩu

Tại cuộc họp về xuất khẩu gạo sáng 6/7, ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), dẫn số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, tồn kho gạo toàn cầu ước giảm 8,9 triệu tấn, xuống còn 173,5 triệu tấn niên vụ 2022-2023; dự kiến năm 2023-2024 còn 170,2 triệu tấn.

Nhiều quốc gia đang đẩy mạnh nhập khẩu để bổ sung vào kho gạo của mình. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Úc và một số thị trường mới mở ở khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao cho Việt Nam khi được người tiêu dùng ưa chuộng.

Triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế, ông Hòa nhìn nhận.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, thừa nhận, giá gạo hiện rất cao. Các doanh nghiệp không phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm. Nước ta đang có cơ hội lớn trong xuất khẩu gạo. Trong ngắn hạn, giá mặt hàng này vẫn tăng và neo ở mức cao.

Nhu cầu gạo trên toàn cầu rất lớn, có lợi cho xuất khẩu. Tuy nhiên, bà Tâm cũng đặt vấn đề làm sao để bảo đảm tồn kho. Bởi vấn đề tồn kho không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn liên quan đến xuất khẩu những tháng đầu năm sau.

"Như hiện nay, doanh nghiệp có bao nhiêu gạo trong kho xuất hết bấy nhiêu. Còn việc thu mua thì có gạo nào mua gạo đó do đơn hàng xuất khẩu nhiều", bà Tâm chia sẻ.

Báo cáo tổng quan tình hình xuất khẩu gạo cho thấy, 6 tháng đầu năm nay nước ta xuất khẩu 4,27 triệu tấn gạo, thu về 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng từ 2-3 con số. Ngoài ra, một số thị trường mới như Indonesia, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Senegal,... đều ghi nhận mức tăng đột biến từ 1.147-15.972% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,2 triệu tấn gạo, đạt hơn 4 tỷ USD, mức kỷ lục lịch sử.

Doanh nghiệp "đói" vốn, thiếu thông tin thị trường

Nhìn nhận về thị trường gạo thế giới, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng, cơ hội lớn đến nhưng chúng ta chưa tận dụng được. Doanh nghiệp thiếu thông tin hoặc tiếp cận thông tin chậm nên gặp khó trong việc chuẩn bị nguồn cung xuất khẩu.

Ông dẫn chứng, ở Ý và Pháp lâu lâu mới nhận được thông tin họ thiếu nước không sản xuất được, phải tăng nhập khẩu. Nhưng, chúng ta bị chậm thông tin dẫn đến việc khó gia tăng xuất khẩu gạo vào những thị trường này.

Doanh nghiệp đang thiếu vốn đề thu mua lúa gạo (Ảnh: Hoàng Hà)

Doanh nghiệp đang thiếu vốn đề thu mua lúa gạo (Ảnh: Hoàng Hà)

Ông cũng chỉ ra rằng, quy trình sản xuất ở nước ta đã tốt nhưng yếu về truy xuất nguồn gốc nên giá gạo xuất khẩu chưa cao. Cũng may, do năng suất cao nên giá thành thấp, bà con nông dân trồng lúa "1 vốn, 1 lời", gạo Việt cạnh tranh được tại thị trường quốc tế.

Về vấn đề vốn, ông Thuận cho biết, vụ Đông Xuân doanh nghiệp đã đầu tư 10.000 tỷ đồng, nay chỉ mua được 6.000 tỷ đồng do "đói" vốn. Theo tính toán, Lộc Trời cần 1 tỷ USD để mua lúa cho nông dân, song ngân hàng nói không có tài sản thế chấp nên không thể vay vốn.

"Đặc biệt, lãi suất ngân hàng tới 17%/năm như hiện nay, nếu vay để làm thì doanh nghiệp cũng không có lợi nhuận", ông chia sẻ.

Ngoài vấn đề thiếu vốn để thu mua lúa, theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, doanh nghiệp cũng gặp khó do hợp đồng ký từ sớm, trong khi giá lúa gạo gần đây tăng cao dẫn đến hoạt động mua vào gặp khó, không đảm bảo lợi nhuận.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan lưu ý, thời cơ không chờ đợi chúng ta, các thị trường đang tăng cường nhập khẩu gạo để ăn và dự trữ. Do vậy, chấp hành ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp tính toán ngay một chiến lược, kế hoạch trong ngắn hạn về những khó khăn, thuận lợi gửi Bộ NN-PTNT để cùng tháo gỡ. Đừng để mất cơ hội.

Theo Bộ trưởng, không phải tới mùa vụ mới đi vay. Doanh nghiệp phải có chiến lược ngắn và dài hạn của mình, làm việc với ngân hàng từ trước, đừng đợi tới mùa thu hoạch mới đi vay. Ngân hàng cũng là một đối tác nên cần bàn bạc với họ.

Từ nay đến 15/7, ông đề nghị các doanh nghiệp gửi kế hoạch cho Bộ NN-PTNT. Sau đó, Bộ sẽ tổ chức hội nghị về chủ đề này tại ĐBSCL, mời phó thủ tướng tham gia, chủ trì. Ông mong Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành, hiệp hội ngành hàng liên quan cùng phối hợp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xuất khẩu gạo.

Bộ trưởng Hoan cũng lưu ý, trước mắt là xuất khẩu gạo, nhưng về lâu dài các doanh nghiệp phải nhìn xa hơn. Không nên khóa chặt ở từ khóa "gạo" mà phải tính tới các sản phẩm giá trị gia tăng, phải đa giá trị trên cánh đồng lúa; như vậy, người nông dân và doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/toan-cau-thieu-gao-bo-truong-le-minh-hoan-nhac-dung-de-mat-co-hoi-2162446.html