Toàn ngành gặp khó, Sơn Á Đông kinh doanh bấp bênh trước khi sang HoSE

Chuyển 'nhà' sang HoSE sau hơn chục năm gắn bó với sàn UPCoM, Sơn Á Đông ghi nhận xu hướng cải thiện ở doanh thu nhưng lợi nhuận liên tục giảm những năm gần đây.

Theo thông tin mới được công bố, hơn 23 triệu cổ phiếu ADP của Công ty Cổ phần Sơn Á Đông sẽ chính thức giao dịch trên sàn HoSE vào ngày 27/7. Mức giá tham chiếu trong phiên đầu tiên giao dịch trên HoSE của ADP là 19.550 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 5% so với mức giá kết phiên cuối cùng trên UPCoM.

Cổ phiếu ADP của Sơn Á Đông được giao dịch trên sàn UPCoM từ năm 2010. Ngày 14/7/2023, doanh nghiệp mới tiến hành hủy đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, để chuẩn bị cho kế hoạch chào sàn HOSE tới.

Kết quả kinh doanh trồi sụt

Thông tin chi tiết về tình hình kinh doanh của Sơn Á Đông, trong giai đoạn từ 2013-1016, công ty ghi nhận tình hình tăng trưởng doanh thu đều qua các năm với đỉnh doanh thu và lợi nhuận vào năm 2016. Cụ thể, năm 2016, doanh thu của Sơn Á Đông ghi nhận đạt 638 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 83 tỷ đồng; tăng lần lượt 21% và 59% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2016 cũng là năm doanh thu và lợi nhuận của Sơn Á Đông đều lập kỷ lục.

Tuy nhiên, 2 năm sau đó, tình hình sản xuất kinh doanh của Sơn Á Đông có phần chậm lại với những chỉ số kinh doanh đi lùi, đến năm 2018, lợi nhuận của công ty chỉ còn 30,8 tỷ đồng.

Những năm sau đó, tình hình kinh doanh của công ty diễn ra khá bấp bênh ở cả doanh thu và lợi nhuận. Từ năm 2020 đến nay, mặc dù doanh thu của của công ty đã ghi nhận chiều hướng tăng trưởng trở lại nhưng lợi nhuận vẫn tiếp tục giảm sâu, giảm từ 78 tỷ đồng vào năm 2020 xuống chỉ còn 40 tỷ đồng vào năm 2022.

Theo báo cáo tài chính mới công bố, quý II năm 2023, doanh thu thuần của công ty ghi nhận đạ 87 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, công ty báo lãi 8,2 tỷ đồng, giảm 18% so với quý II/2022.

Giải trình chênh lệch kết quả sản xuất kinh doanh, Sơn Á Đông cho biết, nguyên nhân suy giảm doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023 là do hậu đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới chưa trở lại bình thường

Công ty cũng cho biết thêm, giá nguyên liệu đầu vào tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng. “Hơn nữa sản phẩm sơn lại phụ thuộc nhiều vào ngành bất động sản nhưng hiện nay bất động sản bị đóng băng nên doanh thu bán hàng của công ty giảm sâu", công ty cho biết trong văn bản giải trình.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 196 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 17 tỷ đồng; giảm lần lượt 33% và 10% so với nửa đầu 2022. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, Sơn Á Đông đã hoàn thành 39% kế hoạch doanh thu và 49% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Mạnh tay chi cổ tức

Tại một diễn biến khác, Sơn Á Đông cũng được biết đến là doanh nghiệp rất chịu chi cổ tức bằng tiền cho cổ đông với trung bình 1 năm từ 3 - 4 đợt với tỉ lệ trả cổ tức trung bình là 15 - 30%.

Trong năm 2022, công ty cũng đã 2 lần thực hiện trả cổ tức bằng tiền vào các tháng 3 và 6 với tổng tỉ lệ 13%.

Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của công ty đạt 310 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu kỳ. Trong đó ghi nhận mức sụt giảm lớn nhất đến từ tài sản ngắn hạn. Chỉ số hàng tồn kho của công ty tại cuối tháng 6/2023 đạt 94,7 tỷ đồng, tăng 27%.

Ngoài ra, nợ phải trả của công ty giảm từ 84 tỷ đồng đầu kỳ xuống còn 60,7 tỷ đồng vào cuối quý II/2023. Trong đó, đáng chú ý, công ty không ghi nhận khoản vay và nợ thuê tài chính nào.

Kể từ khi cổ phần hóa, công ty đã liên tiếp tăng vốn từ vỏn vẹn 8 tỷ đồng vào năm 2000 lên 64 tỷ đồng vào năm 2010 - tức thời điểm niêm yết trên UPCoM. Theo đó, các lần tăng vốn chủ yếu từ nguồn vốn công ty tự tích lũy, vốn góp bổ sung của cổ đông hiện hữu và người lao động.

Những năm sau niêm yết, quy mô vốn điều lệ của Sơn Á Đông có sự cải thiện đáng kể dù không còn tăng đều như thời gian trước đó. Đến năm 2021, vốn điều của công ty tăng lên hơn 230 tỷ đồng, gấp 28 lần so với khi bắt đầu cổ phần hóa.

Diễn biến thị giá cổ phiếu ADP (Nguồn: TradingView).

Diễn biến thị giá cổ phiếu ADP (Nguồn: TradingView).

Thông tin về sở hữu của cổ đông, tại thời điểm cuối năm 2022, Chủ tịch HĐQT Sơn Á Đông là bà Nguyễn Thị Nhung đang sở hữu 3,7 triệu cổ phiếu ADP tương ứng với 16,06% vốn. Cổ đông lớn thứ 2 sau bà Nhung là ông Trần Bửu Trí - Thành viên HĐQT với 11,36% vốn, tương đương 2,6 triệu cổ phiếu.

Ngành sơn vẫn trong thế khó

Trước đó tại một hội thảo diễn ra vào tháng 6/2023, chia sẻ với truyền thông về cơ hội và thách thức của ngành sơn, Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam cho biết tình hình bất ổn của mọi nền kinh tế trên thế giới do ảnh hưởng bởi lạm phát, xung đột địa chính trị, đồng USD tăng giá, tăng lãi suất, các dự báo nguy cơ cao của suy thoái kinh tế toàn cầu…. dẫn đến nhiều tác động tiêu cực cho ngành công nghiệp sơn, mực in Việt Nam năm 2022.

Theo đó, hầu hết sản lượng trong các lĩnh vực của ngành sơn, mực in Việt Nam đều được ghi nhận có sự sụt giảm đáng kể. Đặc biệt là các sản phẩm có liên quan đến xuất khẩu và sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của tầng lớp người lao động. Đây cũng là giai đoạn mà nhiều công ty nhỏ trong ngành bị đào thải. Một số doanh nghiệp đang đối diện với tình trạng hoạt động chịu lỗ hoặc tạm dừng hoạt động.

Dự báo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2023, Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp sơn sẽ tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn do lạm phát, đồng USD tăng giá, lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế ở mức độ toàn cầu vẫn còn hiện hữu.

Nguồn cung nguyên liệu có xu hướng giảm nhưng chủ yếu chỉ là nguồn từ Trung Quốc và xu hướng này không bền vững. Trong khi giá cả nguyên liệu có nguồn gốc từ châu Âu vẫn cao. Hiệp hội cho biết, thị trường sơn trang trí đến nay vẫn chưa có tín hiệu nào khởi sắc. Dự báo sản lượng sơn trang trí 6 tháng đầu năm 2023 sẽ thấp hơn sản lượng so với 6 tháng cuối năm 2022.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/toan-nganh-gap-kho-son-a-dong-kinh-doanh-bap-benh-truoc-khi-sang-hose-a618778.html