Toàn ngành triển vọng khá, vì sao Cao su Phước Hòa đặt mục tiêu doanh thu quý II giảm?

Khả năng tăng thị phần xuất khẩu khi các thị trường khác phải đối mặt với sự thiếu hụt cung trong giai đoạn 2024-2025 được cho là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp cao su trong nước. Thế nhưng trong nghị quyết mới đây, CTCP Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) lại cho thấy sự thận trọng khi lên kế hoạch doanh thu quý II giảm nhẹ so với quý I.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), năm 2024, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ đạt 14,5 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm 2023. Tuy nhiên, thị trường cao su thế giới trong giai đoạn 2024 – 2025 sẽ còn tiếp tục thâm hụt thêm khoảng 0,6 – 0,8 triệu tấn/năm khi sản lượng không theo kịp nhu cầu sử dụng.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 3, các chuyên gia từ CTCP Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, ngành cao su thiên nhiên Việt Nam bước vào thời điểm chín muồi, cùng đó là câu chuyện chuyển đổi đất giai đoạn 2024 – 2030. Doanh nghiệp cao su thiên nhiên sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng tăng giá bán và khả năng tăng thị phần xuất khẩu khi các thị trường khác phải đối mặt với sự thiếu hụt cung trong giai đoạn 2024 - 2025.

Nhiều tín hiệu tốt trong ngắn hạn cho ngành cao su. Ảnh: Thời báo Tài chính

Nhiều tín hiệu tốt trong ngắn hạn cho ngành cao su. Ảnh: Thời báo Tài chính

Trong ngắn hạn, nhiều công ty chứng khoán cũng cho rằng ngành cao su sẽ có triển vọng sáng. Thế nhưng trong nghị quyết HĐQT sau khi kết thúc phiên họp lần 2 mới đây, CTCP Cao su Phước Hòa (mã: PHR) lại cho thấy triển vọng doanh nghiệp có phần thận trọng khi các chỉ tiêu kinh doanh công ty mẹ trong quý II có phần đi lùi so với quý I trước đó.

Cụ thể, HĐQT PHR thông qua một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh quý II với sản lượng cao su khai thác 1.660 tấn, thu mua1.600 tấn, chế biến3.260 tấn và tiêu thụ hơn 5.400 tấn mủ quy khô. Giá bán bình quân 40 triệu đồng/tấn.

Trong quý II, dù lên kế hoạch giá bánbình quân tốt hơn khoảng 3,6% so với quý I (38,6 triệu đồng/tấn), nhưng sản lượng lại giảm tới gần 12%, dẫn đến kỳ vọng doanh thu và lãi trước thuế quý II thấp hơn quý I.

Qua đó, PHR đặt kế hoạch tổng doanh thu Công ty mẹ trong quý II đạt gần 221 tỷ đồng, trong đó doanh thu kinh doanh cao su gần 217 tỷ. Dự kiến sau khi trừ các chi phí, PHR thu về hơn 6 tỷ đồng lãi trước thuế. Mức nộp ngân sách Nhà nước gần 11 tỷ đồng.

Tại buổi họp, HĐQT cũng thống nhất trình nhiều nội dung quan trọng đến ĐHĐCĐ thường niên 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 28/6 tới.

Trong năm nay, doanh nghiệp ước sản lượng khai thác 23,9 nghìn tấn, trong đó 12,4 nghìn tấn từ vườn cây công ty với giá bán bình quân 36,4 triệu đồng/tấn và 11,5 nghìn tấn từ Phước Hòa - Kamphong Thom với giá 34,2 triệu đồng/tấn.

PHR đặt mục tiêu Công ty mẹ với tổng doanh thu hơn 1.455 tỷ đồng, giảm 10% so với thực hiện năm 2023; lãi trước và sau thuế lần lượt hơn 277 tỷ đồng và hơn 245 tỷ đồng, giảm 49% và 47%.

Với kỳ vọng không mấy khả quan, PHR dự chia cổ tức năm 2024 bằng tiền tối thiểu 12,35%, tương đương hơn 167 tỷ đồng. Còn với năm 2023, PHR dự trình đại hội thông qua tỷ lệ 30%, tương đương hơn 406 tỷ đồng.

Trái ngược với quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo Cao su Phước Hòa, hiện một số tổ chức tài chính dự báo kết quả kinh doanh năm nay của doanh nghiệp sẽ hồi phục tích cực khi cả giá cao su tự nhiên lẫn nhu cầu tiêu thụ đang có tín hiệu khởi sắc trở lại. Trong năm 2023, doanh thu mảng cao su đã giảm 23% so với năm 2022 khi giá bán trung bình giảm tới 13%.

Động lực cho kịch bản giá cao su tự nhiên tăng lên trong những tháng tới đây chủ yếu đến từ việc nhu cầu tiêu thụ cao su tại Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực săm lốp ô tô, đang tăng trở lại.

Trong báo cáo doanh nghiệp hồi tháng 7/2023, chứng khoán SSI Research dự báo năm 2024, giá cao su thiên nhiên dự báo sẽ phục hồi lên mức 37 triệu đồng/tấn, tăng 6% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn so với giá bán trung bình giai đoạn 2021-2022 là 41,6 triệu đồng/tấn và 38,8 triệu đồng/tấn. Đơn vị dự báo sản lượng tiêu thụ năm 2023-2024 lần lượt là 34,3 nghìn tấn (tăng 4%, tương đương kế hoạch của PHR) và 36 nghìn tấn (tăng 5%). Sản lượng tiêu thụ tăng dần nhờ tăng khai thác cao su tại công ty con Kampong Thom có trụ sở tại Campuchia, bắt đầu hoạt động thương mại từ năm 2021.

Còn về tiền đền bù và cho thuê đất, do thiếu hợp đồng thuê mới, doanh thu 2024 từ mảng khu công nghiệp của PHR có thể giảm xuống 100 tỷ đồng, đồng thời không có thêm khoản thu nhập từ đền bù trong năm 2024. Tuy nhiên, doanh nghiệp cao su sẽ có thêm tiền từ cho thuê hạ tầng khu công nghiệp Tân Bình, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/toan-nganh-trien-vong-kha-vi-sao-cao-su-phuoc-hoa-dat-muc-tieu-doanh-thu-quy-ii-giam.html