Toàn thành phố thu hoạch được 921,6ha lúa xuân

Ngày 22-5, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) cho biết, lúa xuân đang trong giai đoạn đòng già - chín sáp; với diện tích cấy sớm trước ngày 4-2, khoảng 16.406,7ha đang trong giai đoạn chín sáp - thu hoạch.

Lúa xuân đang bắt đầu chín và thu hoạch ở một số địa phương. Ảnh: Thu Phượng

Lúa xuân đang bắt đầu chín và thu hoạch ở một số địa phương. Ảnh: Thu Phượng

Hiện diện tích lúa trỗ 77.875ha, đạt 97,7% tổng diện tích gieo trồng; trong đó, diện tích lúa thu hoạch 921,6ha, bằng 1,2% tổng diện tích gieo trồng; rau, màu vụ xuân, tổng diện tích gieo trồng 22.085,2ha, đạt 101,9% kế hoạch.

Thời điểm này, xuất hiện sâu bệnh gây hại lúa và rau màu vụ xuân, như: Bệnh đạo ôn lá, tỷ lệ gây hại phổ biến 3-5% lá, cao 7-10% lá, cục bộ >20% lá, cấp 3-5; mức độ, diện tích gây hại giảm so với tuần trước, tập trung tại các huyện: Ứng Hòa, Thạch Thất, Thanh Oai… Bệnh đạo ôn cổ bông, tỷ lệ gây hại phổ biến 0,1-0,3% bông, 2-3% bông, cục bộ >5% bông; mức độ gây hại nhẹ, tập trung tại các huyện: Thạch Thất, Ba Vì, Ứng Hòa… Chuột gây hại phổ biến 3-5% số dảnh, cao 7-10%, cục bộ 15-20%; mức độ gây hại, diện tích gây hại giảm so với tuần kỳ trước, tập trung tại các huyện: Ứng Hòa, Thạch Thất, Sóc Sơn...

Đối với cây ngô, chuột gây hại ở mức độ nhẹ, tỷ lệ phổ biến 3-5% cây, cao 7-10% cây; diện tích nhiễm giảm so với tuần trước tại các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì… Bệnh khô vằn, mức độ gây hại nhẹ, tỷ lệ phổ biến 5-7% cây, cao 20-25% cây, cấp 1-3; diện tích nhiễm tăng so với tuần trước, tập trung tại các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì…

Trên cây rau, xuất hiện bọ nhảy, sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, sâu khoang, mức độ gây hại phổ biến từ nhẹ đến trung bình; bệnh sương mai, thối nhũn tiếp tục gây hại, mức độ gây hại ở ngưỡng nhẹ…

Để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn người dân đối với diện tích lúa bước sang giai đoạn chín sáp, cần rút cạn nước để lúa chín nhanh, tập trung, thuận lợi cho thu hoạch. Khi lúa chín, cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thu hoạch nhanh, gọn với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tránh thiệt hại do thời tiết và triển khai vụ mùa theo kế hoạch…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn người dân chăm sóc tốt rau màu và cây trồng khác: Bón thúc, vun xới, tưới tiêu phù hợp để cây trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi; phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, sinh thái; tuyên truyền, hướng dẫn khung thời vụ, cơ cấu giống cây trồng chính vụ mùa 2025.

Theo dự báo, thời gian tới, một số đối tượng sinh vật gây hại sẽ phát sinh gây hại mạnh, như: Bệnh đạo ôn cổ bông, bọ rầy, khô vằn, đốm sọc vi khuẩn - bạc lá trên cây lúa; sâu đục bắp, đốm lá trên cây ngô; bọ nhảy, sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, rệp trên cây rau. Do đó, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo chính xác mức độ, phạm vi gây hại từng đối tượng sâu bệnh; phân loại trà lúa, giống lúa để có biện pháp quản lý sâu bệnh hại phù hợp. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã, chính quyền địa phương tổ chức đánh giá năng suất cây trồng vụ xuân, triển khai tốt kế hoạch sản xuất vụ mùa; kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn…

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/toan-thanh-pho-thu-hoach-duoc-921-6ha-lua-xuan-703099.html