Toàn thế giới đã ghi nhận trên 148,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 27/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 148.797.483 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.138.200 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 126.517.039 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 586.647 ca tử vong trong tổng số 32.876.948 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 198.899 ca tử vong trong số 17.796.372 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 392.204 ca tử vong trong số 14.370.456 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 277 người tử vong. Tiếp đến là CH Séc với 272 người và Bosnia-Herzegovina với 255 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với trên 49,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với trên 899.200 ca tử vong trong trên 28,2 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có trên 596.600 ca tử vong trong trên 33,3 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận trên 322.300 ca tử vong trong trên 24,3 triệu ca nhiễm. Trung Đông có trên 127.700 ca tử vong, châu Phi ghi nhận trên 120.400 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 1.000 người.
Ấn Độ thông báo ghi nhận 323.144 ca bệnh trong 24 giờ qua, trở thành ngày thứ 6 liên tiếp có số ca nhiễm vượt mốc 300.000 ca/ngày, trong khi có thêm 2.771 ca tử vong mới. Các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã cam kết hỗ trợ y tế khẩn cấp trong bối cảnh các bệnh viện quá tải tiếp tục không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân do thiếu giường bệnh và nguồn cung cấp oxy. Ấn Độ cũng đã nhập khẩu 20 xe đông lạnh và chuyển số xe này tới các bang trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu xe chứa oxy. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Anh, Đức và Mỹ, cũng đã cam kết viện trợ y tế khẩn cấp cho Ấn Độ trong bối cảnh hệ thống y tế của nước này đang "oằn mình" chống chọi với số ca mắc COVID-19 gia tăng đột biến.
Chính phủ Australia tuyên bố tạm dừng tất cả các chuyến bay chở khách trực tiếp từ Ấn Độ cho đến ngày 15/5 tới, do lo ngại về làn sóng dịch bệnh đang leo thang ở quốc gia Nam Á này. Sau đó, nếu các chuyến bay được nối lại, tất cả hành khách sẽ phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 và phải xét nghiệm kháng nguyên nhanh trước khi lên máy bay.
Ngày 27/4, Thái Lan ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay - 15 người, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch ở nước này lên 163 trường hợp. Trong khi đó, số bệnh nhân mới ghi nhận theo ngày ở nước này là 2.179 ca nhiễm mới, nâng tổng số các ca bệnh từ trước tới nay lên 59.687 ca. Trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, Chính phủ Thái Lan sẽ áp dụng một hệ thống chỉ huy duy nhất để nâng cao hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 quốc gia, với mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 30 triệu người trong 3 tháng tới và 50 triệu người vào cuối năm nay trên tổng dân số gần 70 triệu người.
Chiều 27/4, Lào ghi nhận thêm 75 ca mắc mới COVID-19, giảm 38 ca so với một ngày trước đó. Tuy nhiên, số tỉnh/thành của Lào có ca mắc COVID-19 vẫn tiếp tục tăng, cho thấy dịch vẫn tiếp tục lan rộng tại nước này. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là khu vực có số người mắc COVID-19 thống kê theo ngày cao nhất cả nước trong 24 giờ qua, với 59 ca. Tiếp đó là tỉnh Champasak, tỉnh Viêng Chăn, tỉnh Savannakhet, tỉnh Bokeo, tỉnh Luang Prabang và Xiengkhuang.
Đáng chú ý, với việc tỉnh Xiengkhuang lần đầu có ca mắc COVID-19, số tỉnh/thành có người nhiễm bệnh đã lên tới 15/18, trong đó có tới 8 tỉnh tiếp giáp 9 tỉnh của Việt Nam gồm Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum. Hiện chỉ còn hai tỉnh của Lào có chung đường biên giới với các tỉnh của Việt Nam là tỉnh Houaphanh và tỉnh Attapue là chưa có ca mắc COVID-19.
Sáng 27/4, tỉnh Xiengkhuang (Bắc Lào) đã áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn tỉnh. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 18 tỉnh/thành của Lào thực hiện phong tỏa và giới nghiêm.
Tính đến thời điểm hiện tại, Lào ghi nhận tổng cộng 511 ca mắc COVID-19, tất cả bệnh nhân của Lào đều trong trạng thái sức khỏe ổn định, chưa có trường hợp diễn biến nghiêm trọng hoặc tử vong.
Trong 24 giờ qua, Campuchia đã có thêm 508 ca mắc COVID-19. Các ca nhiễm mới ở các tỉnh/thành gồm Kampong Speu, Prey Veng, Takeo, Banteay Meanchey, Kandal, Sihanoukville và Phnom Penh.
Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này đã lên tới 11.063 người, trong đó 3.704 trường hợp đã bình phục và 82 người không qua khỏi.
Làn sóng lây nhiễm cộng đồng đã lan tới tỉnh vùng biên xa xôi của Campuchia giáp Thái Lan là Banteay Meanchey - nơi chính quyền địa phương vừa ra lệnh tạm thời đóng cửa toàn bộ các khu sòng bạc tại tỉnh này từ ngày 27/4 để ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Chính quyền cũng cho phong tỏa một số khu vực ở thành phố Poipet gần biên giới với Thái Lan đề phòng khả năng dịch lan vào các khu dân cư xung quanh.
Trong khi đó, tại Kampong Chhnang - một trong những tỉnh có đông cộng đồng người gốc Việt sinh sống, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 90 km, chính quyền địa phương đã ban hành lệnh phong tỏa 2 thôn Kampong Preah và Chhnuk Trou Village. thuộc huyện Boribo sau khi phát hiện 4 người gốc Việt nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo cơ quan chức năng tỉnh Kampong Chhnang, có 32 người đã tiếp xúc với 4 bệnh nhân người gốc Việt nói trên. Xét nghiệm sơ bộ cho thấy 32 người này cho kết quả âm tính, nhưng họ vẫn được cách ly để chờ thêm các xét nghiệm.
Bộ Y tếIndonesia cũng xác nhận nước này có thêm 4.656 bệnh nhân mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại đây lên 1.651.794 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng thêm 168 người, lên 44.939 người. Tính đến thời điểm hiện tại, virus SARS-CoV-2 đã lan tới 34 tỉnh thành ở đảo quốc này.
Cũng trong ngày 27/4, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận thêm 7.204 ca mắc mới và 63 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 1.013.618 và 16.916. Bộ trên đã đề nghị gia hạn các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở vùng thủ đô Manila và 4 tỉnh lân cận, nhấn mạnh sự cần thiết của việc hạn chế lây nhiễm và cải thiện hệ thống y tế. Kể từ ngày 29/3, Philippines đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong vòng 1 tháng đối với vùng thủ đô Manila và 4 tỉnh lân cận.
Thủ tướng Nhật BảnSuga Yoshihide đã chỉ thị Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi thành lập một trung tâm tiêm chủng quy mô lớn ở thủ đô Tokyo để đẩy nhanh công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi. Nhật Bản đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vào giữa tháng 2 nhưng lại tụt hậu so với các nước tiên tiến khác như Israel, Anh và Mỹ. Chỉ hơn 1% trong tổng dân số 126 triệu người mới được tiêm ít nhất một mũi vaccine, hầu hết là nhân viên y tế. Thủ tướng Suga cho biết chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành việc tiêm chủng cho người cao tuổi vào cuối tháng 7 tới.
Ngày 27/4, Chính phủ Bỉ đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với các trường hợp đến từ Ấn Độ, Brazil và Nam Phi - vốn là những nước đang hứng chịu những chuỗi lây nhiễm nghiêm trọng từ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Alexander de Croo nêu rõ: "Các hành khách thông qua đường hàng không, đường biển, tàu và xe buýt - kể cả những người quá cảnh - từ Ấn Độ, Brazil và Nam Phi sẽ bị cấm nhập cảnh Bỉ".
Tại Mexico, nhà chức trách đã cho phép những công ty tư nhân tại thủ đô Mexico City mở cửa trở lại từ ngày 26/4 - lần đầu tiên sau hơn một năm đóng cửa vì dịch COVID-19. Thị trưởng Mexico City - bà Claudia Sheinbaum cho biết theo quyết định trên, 500.000 người sẽ có thể trở lại văn phòng làm việc tại thủ đô. Tuy nhiên, các công ty vẫn phải tuân thủ những biện pháp an toàn sức khỏe như đảm bảo giãn cách xã hội, sử dụng khẩu trang, xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 hàng tuần. Trong khi đó, các nhân viên làm việc trong lĩnh vực công sẽ tiếp tục làm việc từ xa.
Nhà chức trách Mexico nới lỏng biện pháp phòng dịch trong bối cảnh số ca mắc mới và số người nhập viện vì COVID-19 tại thủ đô đã giảm kể từ tháng 1 vừa qua. Theo thống kê chính thức, số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 khi Mexico City hứng chịu làn sóng đầu tiên của dịch bệnh.