Toàn thế giới ghi nhận hơn 175,6 triệu người mắc COVID-19

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Florencio Varela, Argentina. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 11/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 175.600.866 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.788.152 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là gần 160 triệu người.

Tình hình dịch bệnh tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, đang tiến triển tích cực nhờ kế hoạch tiêm chủng vắcxin được triển khai nhanh. Với số ca nhiễm mới hằng ngày giảm mạnh, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội dần được nối lại.

Ngày 10/6, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã công bố một hướng dẫn đối với các nhân viên chính phủ, theo đó họ không cần phải được tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 hoặc khai báo tình trạng tiêm chủng trước khi trở lại công sở. Trong 24 giờ qua Mỹ ghi nhận 13.375 ca nhiễm mới và 406 ca tử vong, nâng tổng số lên 34.274.298 ca mắc và 613.898 ca tử vong.

Quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới là Ấn Độ cũng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức dưới 100.000 trong ngày thứ 3 liên tiếp. Với 91.266 ca mắc mới và 3.401 ca tử vong, đến nay quốc gia Nam Á này ghi nhận tổng cộng 29.273.338 ca mắc COVID-19 và 363.097 ca tử vong.

Brazil đứng thứ 3 với 17.215.159 ca mắc và 482.135 ca tử vong. Số ca nhiễm mới và tử vong trong ngày tại nước này vẫn ở mức cao, lần lượt là 89.802 và 2.344.

Theo số liệu thống kê của Đại học John Hopkins, thế giới đã ghi nhận hơn 1,88 triệu ca tử vong do COVID-19 trong chưa đầy 6 tháng đầu năm nay. Con số này đã vượt tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu trong cả năm 2020, cho thấy đại dịch chưa thể kết thúc cho dù việc tiêm chủng vắcxin rộng rãi ở các quốc gia giàu hơn đã kiểm soát được phần nào tình hình.

Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là số ca tử vong trung bình trong 7 ngày trên toàn cầu trong những tuần vừa qua có xu hướng giảm xuống dưới 10.000 ca mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với mức trên 14.000 ca/ngày hồi cuối tháng 1/2021.

Ngoài ra, thống kê cho thấy khoảng cách ngày càng xa giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trong công tác kiểm soát đại dịch.

Trong lúc Mỹ, Anh, Canada đều ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ngày càng giảm thì đại dịch lại bùng lên tại một số khu vực ở châu Á và Mỹ Latin. Trong đó, Argentina hiện đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 hết sức nghiêm trọng, mỗi ngày ghi nhận hơn 500 ca tử vong, khiến chính phủ nước này lại phải đóng cửa nhiều hoạt động kinh tế.

Tại thời điểm cuối năm 2020, châu Âu và Bắc Mỹ chiếm tới 73% số ca nhiễm mới mỗi ngày và 72% số ca tử vong trên toàn thế giới. Nhưng hiện nay, hơn 80% số ca nhiễm và ca tử vong ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi.

Tỉ lệ tiêm chủng vắcxin không đồng đều ở các nước đang khiến tình hình kiểm soát đại dịch trên toàn cầu ngày càng khác biệt. Chỉ khoảng 2% người dân châu Phi và 6% người dân châu Á đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vắcxin COVID-19, theo số liệu của Our World in Data, trong khi Nam Mỹ đã hoàn thành tiêm chủng cho khoảng 22% dân số, Liên minh châu Âu (EU) hoàn thành tiêm chủng hơn 40% dân số và Mỹ đã hoàn thành tiêm chủng hơn một nửa dân số.

Ngày 10/6, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 bắt đầu diễn ra ngày 11/6, Anh, nước đăng cai hội nghị, cho biết các nhà lãnh đạo của nhóm này sẽ nhất trí mở rộng sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 trên toàn cầu để cung cấp ít nhất 1 tỉ liều vắcxin cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ và tài trợ.

Ngoài ra, Anh tuyên bố sẽ tặng ít nhất 100 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 trong vòng năm tới, ưu tiên những nước nghèo nhất, trong đó 5 triệu liều bắt đầu triển khai ngay trong những tuần tới, 25 triệu liều vào cuối năm nay. Theo văn phòng Thủ tướng Anh, khoảng 80% trong số vắcxin trên sẽ chuyển đến chương trình COVAX - cơ chế chia sẻ vắcxin cho các nước nghèo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.

Trước đó cùng ngày, Mỹ tuyên bố sẽ tặng 500 triệu liều vắcxin cho 92 quốc gia có mức thu nhập từ nghèo đến trung bình thấp. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vắcxin vào cuối năm 2021, trong đó riêng Pháp và Đức mỗi nước tặng 30 triệu liều.

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều ý kiến kêu gọi các nước giàu tăng cường chia sẻ vắcxin ngừa COVID-19 với các nước kém phát triển hơn và các tổ chức từ thiện cảnh báo tình trạng "phân biệt chủng tộc về vắcxin”.

Anh đến nay đã đặt hàng hơn 400 triệu liều vắcxin. Hiện nước này đang đối mặt với nhiều chỉ trích vì không quyên góp vắcxin cho các nước nghèo hơn. Thủ tướng Boris Johnson nêu rõ: "Nhờ thành công của chương trình vắcxin, hiện Anh có thể chia sẻ lượng vắcxin còn dư cho những nước cần”.

Theo Thủ tướng Anh, dự kiến tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, các nhà lãnh đạo các nước trong nhóm sẽ đưa ra những cam kết tương tự để "cùng nhau, chúng ta có thể tiêm chủng cho toàn thế giới vào cuối năm 2022 và đưa mọi hoạt động xã hội trở lại sau đại dịch COVID-19".

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo gần 90% các nước châu Phi sẽ bỏ lỡ mục tiêu đến tháng 9 tới tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho ít nhất 10% dân số của châu lục trong bối cảnh làn sóng thứ ba của đại dịch có nguy cơ ập đến châu Phi.

Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết chỉ có 7 trong số 54 nước châu Phi có khả năng đạt được mục tiêu nói trên. Theo WHO, đến nay người dân châu Phi chỉ được tiêm khoảng 1% trong tổng số 2,1 tỉ liều vắcxin ngừa COVID-19 được tiêm trên thế giới. Chỉ có 0,02% trong tổng số gần 1,3 tỉ dân của châu lục này được tiêm ít nhất 1 mũi vắcxin.

Bà Moeti cho rằng để đạt được mục tiêu tiêm chủng trước tháng 9 tới, đa số các quốc gia tại Lục địa Đen cần nhận được ngay ít nhất 225 triệu liều vắcxin. Hiện nay, nguồn cung vắcxin cho châu Phi gần như chững lại, một phần do thiếu nguồn cung từ Ấn Độ - quốc gia vẫn đang chật vật đối phó với đợt bùng phát mạnh của dịch COVID-19.

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cảnh báo 14 nước tại châu lục này có nguy cơ sắp xảy ra đợt bùng phát thứ ba của đại dịch COVID-19. Trước bối cảnh này, WHO kêu gọi các nước giàu khẩn trương chia sẻ vắcxin với những nước khác.

Bà Moeti nhấn mạnh: “Vắcxin đã chứng tỏ ngăn ngừa các ca mắc và tử vong, do đó những nước có khả năng cần khẩn trương chia sẻ vắcxin phòng COVID-19”. Quan chức của WHO cũng đánh giá việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch mua và tặng 500 triệu liều vắcxin của hãng Pfizer cho những nước nghèo là bước đi quan trọng hỗ trợ nguồn cung vắcxin tại châu Phi.

Tại Hàn Quốc, trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn dao động từ 400-700 ca/ngày, chính phủ nước này đã quyết định gia hạn quy định giãn cách xã hội hiện tại thêm 3 tuần, đến ngày 4/7 tới. Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 11/6 Hàn Quốc ghi nhận thêm 556 ca nhiễm mới, trong đó có 541 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh ở Hàn Quốc lên 146.859 ca. Số người tử vong do COVID-19 tại nước này tăng lên 1.981 người, sau khi có thêm 2 ca.

Theo đó, khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận vẫn áp dụng giãn cách xã hội mức 2, các địa phương còn lại ở mức 1,5, cùng với lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên trên toàn quốc. Quyết định trên được đưa ra vào thời điểm các cơ quan y tế Hàn Quốc đang chuẩn bị cho một loạt các điều chỉnh liên quan đến giãn cách xã hội dự kiến sẽ được chính phủ thông qua vào tháng tới và việc tiêm vắcxin ngừa COVID-19 đang được người dân nước này hưởng ứng.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/256732/toan-the-gioi-ghi-nhan-hon-175-6-trieu-nguoi-mac-covid-19.html