Toàn thế giới ghi nhận tổng cộng gần 27,72 triệu ca mắc COVID-19
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ ngày 30/8 - Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 9/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng gần 27,72 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 900.000 ca tử vong.
Ba quốc gia bị đại dịch COVID-19 tác động mạnh nhất lần lượt là Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Tính tới ngày 9/9, tổng số ca bệnh ở ba quốc gia này là trên 15 triệu ca, chiếm hơn một nửa tổng số ca toàn thế giới. Tổng cộng hơn 19,80 triệu ca hồi phục và hơn 7 triệu ca đang được điều trị.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và số ca tử vong cao nhất thế giới với 89.852 ca nhiễm mới và 1.107 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới hơn 4,36 triệu, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ (hơn 6,51 triệu ca nhiễm và hơn 194.000 ca tử vong).
Ấn Độ đến nay đã tiến hành hơn 50.000 xét nghiệm. Riêng trong 24 giờ qua nước này đã xét nghiệm gần 1,1 triệu ca. Bất chấp dịch lây lan mạnh, đền Taj Mahal, địa điểm du lịch hút khách nhất Ấn Độ, sẽ mở cửa trở lại vào cuối tháng 9 sau hơn 6 tháng tạm ngừng hoạt động vì COVID-19.
Hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời Phó Giám đốc Cơ quan Du lịch bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, Amit Srivastava cho biết đền Taj Mahal sẽ mở cửa trở lại vào ngày 21/9 tới. Khách tham quan sẽ được yêu cầu tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19 như giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang. Số lượng khách viếng thăm đền cũng được giới hạn ở mức 5.000, giảm mạnh so với mức trung bình 20.000 người/ngày khi dịch bệnh chưa xuất hiện.
Ấn Độ thời gian qua vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại để khắc phục những hậu quả kinh tế do tác động của dịch bệnh ngay cả khi số ca mắc mới mỗi ngày vẫn tăng đều. Từ tháng 8 tới nay, quốc gia này nhiều lần ghi nhận những ngày có số ca mắc mới cao nhất thế giới.
Cũng tại châu Á, Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc sáng 9/9 thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận 2 ca nhiễm mới, đều là người nhập cảnh. Đây là ngày thứ 24 liên tiếp Trung Quốc ghi nhận không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng.
Trong số các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Philippines và Indonesia là hai nước chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19.
Ngày 8/9, Bộ Y tế hai nước công bố số liệu báo cáo tình hình dịch bệnh cho biết hai nước này đều ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm trong ngày, cụ thể 3.046 ca tại Indonesia và 3.260 ca tại Philippines.
Trong 24 giờ qua, Indonesia thông báo có thêm 100 ca tử vong, trong khi Philippines ghi nhận thêm 26 ca tử vong. Đến nay, Philippines ghi nhận tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 lần lượt là 241.987 ca và 3.916 ca, trong khi con số này của Indonesia là 200.035 ca mắc và 8.230 ca tử vong - cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Ngày 8/9, Malaysia ghi nhận 100 ca mới mắc COVID-19, mức tăng cao nhất kể từ khi nước này áp dụng Lệnh kiểm soát di chuyển giai đoạn hồi phục (RMCO) từ ngày 10/6.
Phát biểu với báo giới, Tổng giám đốc Cơ quan Y tế trực thuộc Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cho biết, trong số 100 ca mới mắc nói trên, 85 ca là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu liên quan đến ổ dịch tại Benteng LD, bang Sabah trên đảo Borneo và ổ dịch Sungai ở bang Kedah tiếp giáp với Thái Lan. 15 ca còn lại là các ca ngoại nhập.
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) ngày 8/9 cho biết chỉ tính riêng trong hai tuần qua, nước này đã ghi nhận 52 vụ lây nhiễm tập thể bệnh COVID-19, tăng gấp 5 lần so với đầu tháng 8.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, vấn đề ở đây là địa điểm phát sinh các ổ dịch này không chỉ là các cơ sở tôn giáo như trước đây mà còn xuất hiện thêm ở những nơi tập trung đông người như các cơ sở y tế, nơi tập luyện thể thao... với nhiều hình thức tụ tập khác nhau như họp câu lạc bộ, gặp gỡ giao lưu.
Đặc biệt, KCDA lo ngại khi liên tiếp phát sinh các hình thức lây nhiễm tập thể thông qua dịch vụ bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nhà dành cho người cao tuổi bởi nếu các ca mắc COVID-19 là người cao tuổi thì nguy cơ bệnh diễn biến nguy kịch là rất cao.
Theo KCDA, thời gian gần đây ở Hàn Quốc lại phát sinh ca lây nhiễm COVID-19 mới ở các trung tâm chăm sóc khách hàng, trung tâm phân phối hàng hóa. Các cơ quan chức năng đã đề nghị các cơ sở này phải tuân thủ chặt chẽ quy tắc phòng dịch như đeo khẩu trang, thông gió định kỳ, giữ khoảng cách thích hợp giữa các nhân viên.
Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, các cơ quan trên đã tiến hành rà soát hơn 210.000 quán ăn và quán cà phê đang thực hiện giãn cách xã hội mức 2 tăng cường tại khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggy và TP Incheon). Trong thời gian tới, KCDA cho biết sẽ duy trì hệ thống quản lý phòng dịch hiện tại, đồng thời tiếp tục rà soát, kiểm tra việc thực hiện để có đối sách tiếp theo.
Ngày 8/9, một quan chức Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết 42 người, gồm các nhân viên LHQ và thân nhân của họ tại Syria, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, đồng thời cảnh báo dịch COVID-19 đang lây lan tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Người phát ngôn Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân quyền LHQ, ông Jens Laerke, nêu rõ trên 200 người, gồm các nhân viên làm việc tại nhiều cơ quan khác nhau của LHQ trên khắp Syria, phu nhân/phu quân, cha mẹ và các con của họ, có nhiều triệu chứng mắc COVID-19. Trong số này có 42 nhân viên và thân nhân đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, song ông Laerke không tiết lộ quốc tịch của các trường hợp mắc bệnh.
Người phát ngôn Laerke cho biết thêm 3 trường hợp đã được cách ly y tế, dù chỉ có các triệu chứng nhẹ. Bên cạnh đó, các ca nghi ngờ mắc bệnh đang tự cách ly trong 14 ngày. Ông Laerke cho rằng các nhân viên LHQ ở Syria và thân nhân của họ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang lây lan rộng trong cộng đồng và rằng con số mắc bệnh thực tế cao hơn so với số liệu mà giới chức trách công bố chính thức.
Theo thống kê của Bộ Y tế Syria, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay, quốc gia Trung Đông này ghi nhận tổng cộng 3.229 ca mắc bệnh, trong đó có 137 ca tử vong. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, các y bác sĩ và giới chuyên môn bày tỏ nhiều lo ngại về nguy cơ số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh.
Khu vực Bắc Mỹ bị ảnh hưởng thứ hai thế giới sau châu Á, với 7,7 triệu ca nhiễm và 281.716 ca tử vong, trong đó có tới trên 6,5 triệu ca nhiễm và gần 194.000 ca tử vong riêng tại nước Mỹ. Mexico đứng thứ hai khu vực này với 637.509 ca nhiễm và 67.781 ca tử vong. Canada đứng thứ 3 với 132.142 ca nhiễm và hơn 9.000 ca tử vong.
Tại khu vực Mỹ Latin, Brazil hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất. Brazil cũng đứng thứ 3 thế giới về số bệnh nhân COVID-19. Trong 24 giờ qua Brazil ghi nhận hơn 17.000 ca nhiễm mới. Tại Sao Paulo, tâm dịch ở Brazil, ngày 8/9 có 20% học sinh trở lại trường học sau 6 tháng các trường học đóng cửa để phòng chống dịch bệnh.
Tình hình dịch bệnh có chiều hướng xấu đi tại Argentina, khi nước này trong 24 giờ qua ghi nhận hơn 12.000 ca nhiễm mới. Trong khi đó, Chile ngày 8/9 ghi nhận có số ca nhiễm mới thấp nhất trong 20 ngày qua với 1.233 ca.
Không kể Brazil, các nước Peru và Colombia đều ghi nhận trên 670.000 ca nhiễm và trên 20.000 ca tử vong, trong khi Argentina và Chile đều ghi nhận trên 420.000 ca nhiễm và trên 10.000 ca tử vong.
Tại châu Âu, số ca nhiễm mới trong ngày tại các nước Tây Ban Nha, Pháp, Anh tiếp tục tăng lần lượt 8.964 ca, 6.544 ca và 2.460 ca.
Tại Trung Đông, tổng số ca mắc COVID-19 tại Israel đã lên tới 137.656 ca trong ngày 8/9 sau khi ghi nhận thêm 3.590 ca nhiễm mới - mức trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại đây vào tháng 2 năm nay.
Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan tại các nước trong khu vực như Iran, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE)...
Ethiopia đang trở thành điểm nóng dịch bệnh tại châu Phi khi số ca nhiễm mới tại nước này trong 24 giờ qua tăng thêm 1.136 ca, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 60.784 ca. Ethiopia, quốc gia đông dân thứ 2 châu Phi (107 triệu dân), hiện là nước có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất tại khu vực Đông Phi. Thủ đô Addis Ababa đang là tâm dịch ở nước này, tập trung hơn 60% ca mắc của cả nước.
Cũng tại châu Phi, giới chức Y tế Nam Phi cảnh báo nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ 2 vẫn hiện hữu tại nước này mặc dù số ca nhiễm mới trong những ngày gần đây đã giảm xuống mức dưới 1.000 ca. Nam Phi hiện là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại châu lục này với gần 640.000 ca bệnh, đứng thứ 7 thế giới và chiếm gần 50% tổng số ca mắc COVID-19 toàn châu Phi.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)