Toan tính chiến lược đằng sau các gói viện trợ vũ khí Mỹ dành cho Ukraine

Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ đã nắm bắt cơ hội chiến lược hiếm có để làm suy yếu Nga và tập hợp các đồng minh trong khu vực khi xây dựng liên minh ủng hộ Ukraine.

Chỉ vài tuần sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, quân đội Ukraine đã nhanh chóng cạn kiệt kho đạn pháo có từ thời Liên Xô. Ngay sau đó, Mỹ đã sớm rà soát các kho vũ khí nước ngoài trên toàn thế giới để tìm loại đạn pháo phù hợp như một phần của cam kết hỗ trợ Ukraine chống lại Nga. Nhưng Lầu Năm Góc biết rằng Ukraine sẽ không bao giờ có đủ loại vũ khí này, vì ngày càng có ít quốc gia sản xuất đạn pháo hạng nặng của Nga và nhiều kho dự trữ đạn pháo thời Chiến tranh Lạnh đã bị hư hỏng theo thời gian.

Quân đội Ukraine tiếp nhận tên lửa chống tăng Javelin thuộc gói hỗ trợ quân sự của Mỹ, tại sân bay quốc tế Boryspil hồi năm 2022. Ảnh: Reuters

Quân đội Ukraine tiếp nhận tên lửa chống tăng Javelin thuộc gói hỗ trợ quân sự của Mỹ, tại sân bay quốc tế Boryspil hồi năm 2022. Ảnh: Reuters

Vì vậy, vào mùa xuân năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin đã gọi cho Tướng Mark A. Milley khi đó là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, để hoạch định số lượng lựu pháo Mỹ có thể nhanh chóng được chuyển đến Ukraine cùng với đạn pháo nổ mạnh mới chế tạo.

Cuộc gọi đó đã khởi động một chuỗi sự kiện dẫn đến việc duy trì đường dây cung cấp vũ khí cho Ukraine và định hình lại cách Mỹ xây dựng các liên minh nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Nga.

Đầu tiên, các quan chức trong chính quyền Biden đã nhờ đến sự giúp đỡ của các đồng minh tại châu Âu. Sau đó, họ cũng dựa vào các mối quan hệ được xây dựng trong nhiều năm với quân đội của các quốc gia không thuộc NATO để tạo thành một mạng lưới hỗ trợ Ukraine. Mỹ đã coi đây là ví dụ điển hình về tập hợp và củng cố các liên minh nhằm thúc đẩy lợi ích của Washington trên toàn thế giới.

Ngày 9/1, Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, đã tập trung tại Căn cứ không quân Ramstein ở Đức để tổ chức cuộc họp lần thứ 25 – cuộc họp cuối cùng dưới thời chính quyền Biden. Vẫn chưa rõ, liệu nhóm này có tiếp tục hoạt động dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới hay không. Tổng thống đắc cử Donald J. Trump luôn tỏ ra hoài nghi và nhiều lần phản đối việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Austin cho biết: "Cuộc chiến Nga-Ukraine là thách thức đối với người dân ở khắp mọi nơi. Ukraine đang tiến hành một cuộc chiến tranh tự vệ chính nghĩa. Đó là một trong những mục tiêu lớn của thời đại chúng ta".

Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine lần đầu nhóm họp vào ngày 26/4/2022, chỉ 61 ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự. Tại cuộc họp, đại diện của hàng chục quốc gia đã lắng nghe trực tiếp thông tin về chiến trường từ các đối tác Ukraine. Trước đó, Mỹ Anh, Pháp và một số ít quốc gia khác đã hỗ trợ Kiev một cách riêng lẻ.

Kể từ đó, số lượng thành viên tham gia cuộc họp đã gia tăng nhanh chóng. Ước tính có đại diện của ít nhất 53 quốc gia. Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine cũng họp đều đặn gẫn như mỗi tháng.

Toan tính chiến lược

Việc Ukraine - một cựu thành viên của Liên Xô - chuyển sang sử dụng máy bay chiến đấu NATO như F-16 và hệ thống tên lửa di động HIMARS đã kéo nhiều quốc gia ra khỏi quỹ đạo của Nga. Sự thay đổi đó thể hiện rõ trong thành phần của chính nhóm liên lạc. Nhóm này có khoảng 20 quốc gia trước đây nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Moscow thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Một số nước trong số này vẫn tiếp tục mua vũ khí của Nga cho đến khi xung đột xảy ra.

Thành phần của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine cho thấy một cách tiếp cận mới đối với việc tăng cường sức ảnh hưởng của Mỹ — một cách mà các quan chức Mỹ cho rằng các chính quyền tương lai có thể áp dụng trong trường hợp xảy ra xung đột lớn. Theo Lầu Năm Góc, các quốc gia trong nhóm quốc phòng Ukraine đã cung cấp cho Ukraine hơn 126 tỷ USD viện trợ quân sự và thiết bị.

Mặc dù NATO là một liên minh vững chắc gồm các quốc gia cam kết hỗ trợ lẫn nhau nếu một nước thành viên bị tấn công, nhưng ảnh hưởng của liên minh đã vượt xa tư cách thành viên chính thức gồm 32 quốc gia, thông qua quan hệ đối tác với hàng chục quốc gia khác kể từ giữa những năm 1990. Mỹ đã tận dụng mạng lưới đó để thành lập nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine.

Ngoài các nước thành viên NATO, nhiều nước tham gia nhóm liên lạc là những quốc gia mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là "đồng minh lớn không thuộc NATO". Những nước này bao gồm Argentina, Australia, Colombia, Israel, Nhật Bản, Kenya, Morocco, New Zealand, Qatar, Hàn Quốc và Tunisia. Sau nhiều thập kỷ mua bán vũ khí, các quốc gia này đều có một kho vũ khí tiêu chuẩn NATO, sẵn sàng cung cấp cho Ukraine.

Những quốc gia khác nằm ở ngoại vi của NATO, như, Georgia, Ireland, Kosovo và Moldova cũng tham gia nhóm. Còn Ecuador và Peru - hai cựu khách hàng quân sự của Nga đã thiết lập quan hệ đối tác với liên minh.

Hiện số lượng các quốc gia sản xuất vũ khí do Nga thiết kế đã giảm đi, đặc biệt là khi nhiều nước thuộc Liên Xô cũ từng chế tạo loại vũ khí này đã gia nhập NATO. Nguồn cung cấp vũ khí trên toàn cầu cũng giảm hơn nữa khi Nga tạm dừng phần lớn hoạt động xuất khẩu vũ khí để duy trì nguồn cung đạn dược nhằm đáp ứng nhu cầu của quân đội nước này tại Ukraine.

Sự thay đổi này khiến nhiều khách hàng truyền thống của Nga phải tìm kiếm vũ khí ở nơi khác trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu sản xuất vũ khí theo tiêu chuẩn NATO — ngay cả khi họ không phải là thành viên chính thức của liên minh.

Trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ nỗ lực phát triển và tổ chức liên minh mới, Bộ Ngoại giao nước này đã tìm cách thuyết phục nhiều quốc gia từng là khách hàng quân sự của Nga quyên góp vũ khí thời Liên Xô cho Kiev để đổi lấy các khoản tài trợ và tiếp cận nhanh chóng với vũ khí mới nhất của Mỹ.

Hai năm rưỡi sau cuộc chiến, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn cập nhật thông tin về các quốc gia được cho là sở hữu vũ khí của Nga, đồng thời đưa ra danh sách các ưu đãi mà Washington có thể cung cấp để đổi lấy những loại vũ khí này. Chưa rõ liệu những nỗ lực như vậy có tiếp tục dưới thời chính quyền Tổng thống Trump hay không, nhưng các quan chức Mỹ đã cân nhắc đến khả năng Ukraine có thể phải tiếp tục chiến đấu mà không có sự hỗ trợ của Mỹ.

Một số quan chức Lầu Năm Góc cho rằng, nếu chính quyền ông Trump quyết định rời khỏi Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, một quốc gia khác có thể đảm nhận vai trò của Mỹ, dẫn đầu nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraine mà không có sự ảnh hưởng của Washington.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo New York Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/toan-tinh-chien-luoc-dang-sau-cac-goi-vien-tro-vu-khi-my-danh-cho-ukraine-post1147842.vov