Vì sao một đồng minh của Mỹ muốn gia nhập BRICS?

Kenya, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Phi, đang thể hiện mong muốn gia nhập BRICS, một khối các nền kinh tế mới nổi được dẫn dắt bởi Nga và Trung Quốc.

Toàn cảnh Hội nghị cấp cao BRICS ở Kazan, Nga, ngày 23/10/2024. Ảnh: ANI/TTXVN

Toàn cảnh Hội nghị cấp cao BRICS ở Kazan, Nga, ngày 23/10/2024. Ảnh: ANI/TTXVN

Động thái này làm dấy lên nhiều câu hỏi về động cơ của Kenya và tác động của nó đối với trật tự thế giới hiện tại.

Tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Kenya William Ruto đã công khai ý định gia nhập BRICS trong chuyến thăm của ông Lý Hy, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cụ thể, ông Ruto đã kêu gọi Trung Quốc ủng hộ nỗ lực gia nhập nhóm của Kenya.

Yêu cầu của ông Ruto phản ánh mong muốn của một quốc gia muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao ảnh hưởng khu vực và toàn cầu trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng. Các chuyên gia ngoại giao ở Nairobi lập luận rằng, giống như nhiều quốc gia ở Nam Bán Cầu, bằng cách gia nhập BRICS, Kenya tìm cách hưởng lợi từ một mô hình kinh tế toàn cầu phù hợp với nhu cầu của các quốc gia đang phát triển.

Thoát khỏi ảnh hưởng của phương Tây

John Mbiti, một nhà nghiên cứu và nhà phân tích chính sách tại Viện nghiên cứu và Phân tích chính sách công Kenya (KIPPRA), cho rằng BRICS là một khối mạnh mẽ và có ảnh hưởng cả về kinh tế và địa chính trị, và vì vậy, "Kenya có mọi quyền liên kết với một khối như vậy".

"Không còn nghi ngờ gì nữa, địa chính trị thế giới đang thay đổi và bất kỳ quốc gia nào, kể cả Kenya, sẽ có xu hướng liên kết với một bên đảm bảo, bảo vệ và tôn trọng lợi ích chính trị, kinh tế, khu vực và toàn cầu của mình", ông Mbiti nói với RT.

Mbiti lập luận rằng một trong những động lực cốt lõi của Kenya khi gia nhập BRICS là thoát khỏi sự ảnh hưởng của phương Tây. "Đa số các quốc gia châu Phi là đồng minh của phương Tây có nền kinh tế nằm dưới ảnh hưởng và kiểm soát của các tổ chức tài chính do phương Tây hậu thuẫn và nhiều quốc gia châu Phi muốn thoát khỏi tình trạng đó", ông nói.

Ông Mbiti lưu ý rằng các quốc gia hùng mạnh trong BRICS, như Nga và Trung Quốc, có tiếng là cung cấp các cơ sở tín dụng cho các quốc gia đang phát triển với các điều khoản ưu đãi hơn so với các tổ chức cho vay truyền thống như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). BRICS đã thành lập Ngân hàng phát triển mới (NDB) với mục tiêu cung cấp các giải pháp tài chính cho các thành viên với các điều kiện linh hoạt và ưu đãi.

“Là thành viên của BRICS, Kenya chắc chắn sẽ có quyền truy cập vào một mạng lưới kinh tế rộng lớn với các thỏa thuận thương mại ít bị ràng buộc bởi sự thống trị kinh tế truyền thống của các cường quốc phương Tây”, chuyên gia này nói với RT.

Kenya sẽ được hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư và chuyên môn công nghệ to lớn mà các quốc gia như Trung Quốc và Nga mang lại cho khối, mà ông cho là rất quan trọng và then chốt cho mục tiêu thúc đẩy nhanh chóng hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Kenya.

Gánh nặng nợ nần

Tổng thống Kenya William Ruto đến dự lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Châu Phi (FOCAC) năm 2024 tại Bắc Kinh, ngày 5/9/2024. Ảnh: THX

Tổng thống Kenya William Ruto đến dự lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Châu Phi (FOCAC) năm 2024 tại Bắc Kinh, ngày 5/9/2024. Ảnh: THX

Tiến sĩ Christopher Otieno, một chuyên gia về quản trị toàn cầu, lập luận rằng với khoản nợ phình to, hiện ở mức 81,5 tỷ USD, Kenya cần một kế hoạch trả nợ sẽ không gây tổn hại cho nền kinh tế của mình.

Ông Otieno cho rằng Kenya cần các mô hình tài chính linh hoạt, không gây quá nhiều gánh nặng cho nền kinh tế của mình. BRICS có khả năng cung cấp các mô hình tài chính thay thế đi kèm với ít hạn chế hơn.

Ông nói thêm rằng việc gia nhập BRICS sẽ mang lại cho Kenya khoảng thời gian cần thiết và cho phép nước này không chỉ bù đắp khoản nợ khổng lồ mà còn hỗ trợ các sáng kiến kinh tế và các dự án phát triển xã hội mà không ảnh hưởng đến quyền tự chủ tài khóa của mình.

Ông lập luận rằng với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là các thành viên hàng đầu của BRICS, Kenya sẽ có cơ hội làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại song phương với ba nước này, đồng thời giảm các rào cản đối với hàng xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

"BRICS là một thị trường khổng lồ và việc Kenya là thành viên của một khối như vậy sẽ cho phép nước này tiếp cận ưu đãi đối với xuất khẩu các sản phẩm như trà, cà phê và thực phẩm", ông nói với RT.

Chuyên gia nhận thấy rằng việc tiếp cận thị trường lớn hơn, không hạn chế có thể thúc đẩy cán cân thương mại của Kenya, tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho hàng triệu người Kenya tham gia vào nông nghiệp.

Nâng cao vị thế ngoại giao

Trong khi đó, tiến sĩ Faith Gichuhi, giảng viên về ngoại giao tại Đại học Nairobi, nhận thấy rằng ngoài những lợi ích kinh tế to lớn đi kèm với việc gia nhập BRICS, Kenya còn có cơ hội nâng cao vị thế ngoại giao trên trường quốc tế.

Bà lưu ý rằng với việc BRICS trở thành một người bảo vệ quyền lực của Nam Bán Cầu, Kenya có thể có được lợi thế để thúc đẩy các lời kêu gọi cải cách các thể chế quốc tế, điều mà Tổng thống Ruto đã ủng hộ.

"Là một thành viên của BRICS, Kenya sẽ có một nền tảng tự do và hỗ trợ để thúc đẩy các nhu cầu của châu Phi như hành động vì khí hậu, giải quyết xung đột và các hoạt động thương mại công bằng và điều này sẽ nâng cao vị thế của nước này", bà Gichuhi nói.

Trong quá khứ, ông Ruto đã thừa nhận quan điểm chung của Kenya và Trung Quốc về một số vấn đề toàn cầu quan trọng. Chúng bao gồm sự cần thiết phải cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để phản ánh động lực toàn cầu hiện tại và phản đối việc lạm dụng các công cụ, chính sách và hành động dường như nhằm tăng cường tự do, dân chủ và nhân quyền, theo đuổi tình trạng vô chính phủ, lật đổ và thay đổi chế độ bất dân chủ.

Tuy nhiên, bà Gichuhi cảnh báo rằng việc Kenya gia nhập BRICS có thể gây ra những phản ứng thù địch từ các đối tác phương Tây và có thể thu hút sự giám sát từ các đồng minh phương Tây, những người có thể lo sợ mất ảnh hưởng đối với Kenya vào tay Nga và Trung Quốc.

Ban đầu, BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ai Cập và Ethiopia đã trở thành hai thành viên châu Phi khác vào năm ngoái. Algeria, Nigeria, Uganda đã nhận được tư cách quốc gia đối tác BRICS. Các quốc gia thành viên mới khác, sau khi mở rộng năm ngoái, bao gồm UAE, Iran và mới đây là Indonesia.

Theo ước tính của US Global Investors Group, các quốc gia thành viên BRICS hiện tại chiếm hơn 36% GDP toàn cầu. Mặc dù là một đồng minh quan trọng của Mỹ, Kenya đã tìm cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga, sự hiện diện ngày càng tăng của họ ở châu Phi đã làm dấy lên những lo ngại ở phương Tây.

Vào tháng 5/2023, Tổng thống Ruto cho biết chính phủ của ông sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ với Moskva để tăng khối lượng thương mại. Ông đã đưa ra cam kết khi tiếp đón Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tại thủ đô Nairobi.

“Không có nghi ngờ gì nữa, với địa chính trị đang thay đổi, các nền kinh tế hàng đầu châu Phi sẽ tìm cách chuyển từ phương Tây sang phương Đông và nhiều nước sẽ muốn liên kết với BRICS”, ông Otieno kết luận.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo RT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/vi-sao-mot-dong-minh-cua-my-muon-gia-nhap-brics-20250110152656947.htm