Toan tính của EU trong bài toán củng cố an ninh, quốc phòng
Viện trợ quân sự cho Ukraine vẫn chưa qua được 'ải' Quốc hội Mỹ, trong khi không ít viễn cảnh tăm tối cho an ninh châu Âu được vẽ nên trước đà tiến nhanh của ứng cử viên có lẽ đã chắc suất đại diện cho đảng Cộng hòa trên đường đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới: Ông Donald Trump.
Tất nhiên, bài toán an ninh châu Âu không chỉ xoay quanh những thấp thỏm ấy. Nhưng, câu hỏi được đặt ra là, với nhận thức về nhu cầu cấp bách phải đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực an ninh, chiến lược mới cho ngành công nghiệp quốc phòng được Ủy ban châu Âu đề ra hồi đầu tháng 3/2024, nhằm trang bị tốt hơn trước những mối đe dọa đã xác định và giảm sự lệ thuộc vào chiếc ô an ninh từ Mỹ có là đủ trong bối cảnh bấp bênh này?
Thêm vài gáo nước lạnh
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với phần lớn là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), dù đã trải nghiệm 4 năm khó quên trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, có lẽ vẫn choáng váng trước những "gáo nước lạnh" từ các phát biểu mà ông đưa ra gần đây. Trong một cuộc vận động bầu cử sơ bộ tại South Carolina, cựu Tổng thống Mỹ tuyên bố, nếu tái đắc cử, ông có thể sẽ không bảo vệ những đồng minh của khối NATO không đóng góp tài chính đầy đủ trong trường hợp họ bị Nga tấn công.
Những đe dọa kiểu này của ông Donald Trump, bóng gió nguy cơ Washington rút khỏi liên minh quân sự mà họ là trụ cột, cũng không phải quá mới, nhưng vẫn luôn là nỗi ám ảnh. Chi tiêu quân sự của các nước thành viên EU, cùng với Anh và Canada chỉ chiếm khoảng 30% nguồn tài chính, phần còn lại là do Mỹ gánh vác. Nghiêm túc mà nói, chỉ trích của ông Trump không hẳn là không có căn cứ. Số liệu chính thức từ Cơ quan Quốc phòng châu Âu chỉ ra rằng, trong NATO, mới chỉ có 5 nước thành viên là Hy Lạp, Ba Lan, Estonia, Litva và Latvia đạt mức quy định đóng góp đặt ra là tương đương 2% GDP.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump thường xuyên đe dọa cắt giảm ngân sách của Mỹ dành cho NATO, trong khi không tiếc lời ca ngợi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.
Không thể phủ nhận cuộc chiến tại Ukraine đã làm lộ rõ những yếu kém về nguồn dự trữ vũ khí của quân đội các nước châu Âu sau nhiều thập niên giải trừ vũ khí. Không có nguồn dự trữ phù hợp, 75% trang thiết bị quân sự mới được mua sắm thực tế chỉ đổ lợi nhuận cho các nhà công nghiệp ngoài châu Âu, trong đó khoảng 68% là cho ngành sản xuất vũ khí của Mỹ. Với bối cảnh ấy, kịch bản ông Trump tái đắc cử càng nhấn mạnh mối đe dọa với an ninh châu Âu. Mỹ thoái lui, đồng nghĩa với thiếu hụt đạn dược, lỗ hổng trong các hoạt động thu thập tin tình báo cho liên minh, và cũng sẽ để lại lỗ hổng trong vị trí điều phối tổ chức lực lượng. Cùng với đó sẽ là những thiếu hụt khó có thể đong đếm khi xét đến khả năng vận chuyển quân sự, năng lực vệ tinh, giám sát hải quân, không quân và thậm chí là cả hậu cần.
Viễn cảnh tái diễn một nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump đã khiến châu Âu phải nghiêm túc xem xét lại tình hình và cần chuẩn bị cho kịch bản không còn sự trợ giúp của Mỹ như trước đây.
Tự chủ chiến lược từ tự chủ công nghiệp quốc phòng
Nhiều năm dựa dẫm đã khiến các nước châu Âu phụ thuộc vào Mỹ trên nhiều phương diện an ninh, quốc phòng, từ phát triển năng lực quân sự thông thường, triển khai hoạt động tác chiến hay quyết định vai trò của vũ khí hạt nhân châu Âu trong việc ngăn chặn các nguy cơ từ bên ngoài. Châu Âu không thể đương đầu với những thách thức này một cách đơn lẻ
Có tới 27 nước thành viên, trong đó là những nền công nghiệp lớn và phát triển. Tiền có lẽ không phải vấn đề đầu tiên của EU. Trong năm 2022, chi tiêu quân sự của cả khối là 240 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với Mỹ (khoảng 794 tỷ USD) và thấp hơn cả Trung Quốc (273 tỷ USD). Vấn đề nằm ở chỗ, liên minh thiếu một chính sách phòng thủ đồng bộ, chặt chẽ và phối hợp. Thay vì một nền tảng nhất quán, hợp tác an ninh - quốc phòng chủ yếu được tiến hành theo định dạng song phương và rời rạc.
Ủy ban châu Âu (EC) có thể đã "thức tỉnh" khi đề xuất một kế hoạch mới nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng, giúp châu Âu tự chủ hơn trên phương diện quân sự, giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ. EC vạch ra một chiến lược chi tiết cho ngành quốc phòng châu Âu nhằm thúc đẩy việc mua sắm chung giữa các nước EU, trong đó Brussels trợ cấp hoạt động mua sắm các loại vũ khí sau khi xác định là có tầm quan trọng về mặt chiến lược, đồng thời đóng vai trò là cơ quan đảm bảo việc sản xuất vũ khí ở quy mô nhất định.
Theo các ước tính, khối cần khoảng 100 tỷ euro trong 5 năm tới với mục tiêu đạt 40% các khoản mua sắm vũ khí chung và đảm bảo các đơn hàng cho ngành công nghiệp chế tạo vũ khí trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, các dự án mua sắm chung có nguy cơ vấp phải sự do dự của nhiều nước, tùy theo lợi ích chiến lược của từng quốc gia, bởi tính nhạy cảm của vấn đề và mang nặng dấu ấn tự quyết của các quốc gia này. Đây cũng là những yếu tố dẫn đến hiện tượng phân mảnh thị trường vũ khí tại châu Âu, gây khó khăn cho việc thiết lập một nguồn dự trữ quy mô và cụ thể.
Có thể thấy rằng, các cuộc đàm phán và thương lượng sẽ khó suôn sẻ. Ai sẽ là người "cầm trịch", EC hay là một cơ chế liên chính phủ? Nguồn tài trợ sẽ lấy từ đâu và liệu đề xuất việc lập một quỹ trị giá 100 tỷ euro (theo tính toán cần thiết) theo mô hình quỹ phòng ngừa COVID-19 có khả thi?
Lời giải cho bài toán tự chủ
Nếu những khó khăn trên là chưa đủ, trong chiến lược mới, EU còn đối mặt với những mâu thuẫn nội bộ giữa 2 luồng quan điểm đối lập về phòng thủ. Một bên là quan điểm chủ trương tự chủ chiến lược châu Âu, bảo vệ ý tưởng mua sắm trang thiết bị quân sự do chính châu Âu sản xuất - với đại diện mạnh mẽ nhất là Pháp; phía bên kia, thân Mỹ hơn khi cho rằng cơ hội không nên chỉ khép mình trong châu Âu.
Theo quan điểm thứ nhất, tự chủ về chiến lược và tác chiến chỉ có thể có khi châu Âu tự chủ về chiến lược, về công nghiệp và năng lực phòng thủ. Sự phụ thuộc vào bên ngoài về nguồn cung vũ khí, hệ thống hỗ trợ vũ khí, tất yếu đặt ra ít nhiều rủi ro. Các quyết định mới của EC được thúc đẩy phần nào bởi mong muốn khôi phục sự cân bằng trong các đơn đặt hàng thiết bị quốc phòng vốn nhiều năm nay lệ thuộc ở bên ngoài. Năm 2023, có đến 75% số trang thiết bị này được mua ngoài, chỉ có 25% là ở châu Âu. Tất nhiên, để đưa cán cân về mức đỡ chênh lệch hơn, có thể là 50-50 như đề xuất của EC, khối phải thông qua một loạt quy định nhằm cải thiện sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp lục địa.
Thêm vào đó, tự chủ chiến lược và năng lực cạnh tranh của châu Âu còn cần đến sự đồng bộ, nói cách khác là "chung sức đồng lòng", thay vì hành động đơn lẻ. Đáng tiếc, nhiều khác biệt về chiến lược trong cặp đôi quan trọng nhất của EU là Pháp - Đức, với ví dụ tiêu biểu thể hiện trong phản ứng và viện trợ cho Ukraine. Một nhà ngoại giao châu Âu gần đây thậm chí còn bình luận rằng: "Đức sợ leo thang, trong khi Pháp muốn chứng tỏ rằng họ không sợ hãi". Hội nghị An ninh Munich vào tháng trước, nhằm tìm kiếm sự thống nhất giữa các nước phương Tây đối với Ukraine, vô hình trung lại trở thành nơi chứng kiến mâu thuẫn giữa Pháp và Đức, điều mà người ta cho là ở vào thời điểm khó có thể tệ hơn.
Trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng gia tăng và nguồn lực hạn chế, một "người cũ" với năng lực quân sự, sẵn sàng triển khai lực lượng và khả năng răn đe hạt nhân như Anh đã biến quốc gia này thành một đối tác không thể thiếu. Tuy nhiên, Brexit đã tạo ra động lực cạnh tranh trong quan hệ giữa Anh và EU khi cả hai có sự ganh đua, so kè, thậm chí là theo kiểu "bên được, bên mất". Song, Anh vẫn luôn là một phần của châu Âu và lối tư duy này không có chỗ đứng trong chính sách an ninh, đặc biệt khi rủi ro đang ở mức cao như hiện nay.
Những nhu cầu và tình huống này cho thấy một hướng đi rộng mở và cần thiết. Với những lợi ích của riêng mình, Anh ở vào tình huống cần thúc đẩy hợp tác, xây dựng mối quan hệ và phát triển lòng tin với EU ở tư cách toàn khối, nhất là khi liên minh thể hiện rõ tham vọng đặc biệt trong hợp tác công nghiệp quốc phòng, để tránh "lạc quẻ" và bị bỏ lại phía sau. Anh được đánh giá là một đối tác an ninh quan trọng đặc biệt của EU, nhưng mặt khác cũng chỉ được đối xử như một nước thứ ba giống bất kỳ quốc gia nào khác. Tất nhiên, trách nhiệm không chỉ thuộc về Anh mà EU cũng cần trở nên linh hoạt hơn. Cách tiếp cận theo kiểu chỉ trích và "đổ lỗi" thường thấy sau Brexit, cực đoan cho rằng "tất cả là tại Anh", rằng mọi sáng kiến đều phải đến từ phía Anh rõ ràng không phù hợp với mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa hiện nay.
Xét cho cùng, "tự chủ chiến lược", hay "chủ quyền châu Âu" cũng chỉ là những lời hoa mỹ của một thực tế bức thiết là châu Âu phải gánh vác trách nhiệm đảm bảo an ninh của chính mình!