Toàn văn tuyên bố của quân đội Myanmar về tình trạng khẩn cấp

Quân đội Myanmar viện dẫn 'gian lận khủng khiếp' trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm ngoái để giải thích cho việc giành lấy chính quyền vào ngày 1/2, đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm tại quốc gia này.

Binh lính quân đội tiếp quản Tòa thị chính ở Yangon, Myanmar ngày 1/2 - Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Lãnh đạo Myanmar, Tổng thống, thành viên cao cấp Đảng cầm quyền bị bắt sáng nay

Quân đội Myanmar cố gắng xoa dịu lo ngại đảo chính

Myanmar: Rạn nứt gia tăng giữa chính phủ dân sự và quân đội trong bối cảnh lo ngại đảo chính

Liên hợp quốc lo ngại đảo chính ở Myanmar

Vào ngày thứ Hai (1/2), quân đội Myanmar đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi tiến hành bắt giữ các lãnh đạo cấp cao của chính phủ, quan chức cao cấp của đảng cầm quyền của nước này, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, để đối phó với cáo buộc gian lận trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020.

Kênh truyền hình thuộc sở hữu của quân đội cho biết, quyền lực được giao cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, Thượng tướng Min Aung Hlaing.

Toàn văn tuyên bố về tình trạng khẩn cấp của quân đội Myanmar được đọc trên đài Myawaddy Television (MWD) vào sáng ngày 1/2 như sau:

“Các danh sách cử tri được sử dụng trong cuộc tổng tuyển cử đa đảng được tổ chức vào ngày 8 tháng 11 đã được phát hiện có sự khác biệt lớn và Ủy ban Bầu cử Liên minh (UEC) đã không giải quyết được vấn đề này.

Mặc dù chủ quyền của quốc gia phải xuất phát từ nhân dân, nhưng đã có sự gian lận khủng khiếp trong danh sách cử tri trong cuộc tổng tuyển cử dân chủ trái với việc đảm bảo một nền dân chủ ổn định.

Việc từ chối giải quyết vấn đề gian lận danh sách cử tri và không thực hiện hành động và làm theo yêu cầu hoãn các phiên họp quốc hội hạ viện và thượng viện là không phù hợp với Điều 417 của hiến pháp năm 2018, đề cập đến “các hành vi hoặc nỗ lực nhằm chiếm lấy chủ quyền của Liên minh bằng những biện pháp cưỡng bức sai trái” và có thể dẫn đến sự tan rã của khối đoàn kết dân tộc.

Do những hành động như vậy, đã có rất nhiều cuộc biểu tình diễn ra tại các thị trấn và thành phố ở Myanmar để thể hiện sự không tin tưởng của họ đối với UEC.

Các bên và người khác cũng bị phát hiện tiến hành các loại khiêu khích khác nhau bao gồm cả việc treo cờ gây tổn hại đến an ninh quốc gia.

Trừ khi vấn đề này được giải quyết, nó sẽ cản trở con đường dẫn đến dân chủ và do đó nó phải được giải quyết theo pháp luật.

Do đó, tình trạng khẩn cấp được tuyên bố theo Điều 417 của hiến pháp năm 2008.

Để thực hiện việc giám sát danh sách cử tri và thực hiện hành động, quyền lập pháp, quản trị và quyền tài phán của quốc gia được giao cho tổng tư lệnh theo quy định của hiến pháp năm 2008, Điều 418, tiểu điều (a).

Tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trên toàn quốc và thời hạn của tình trạng khẩn cấp được ấn định trong một năm, kể từ ngày lệnh này được công bố theo Điều 417 của hiến pháp năm 2008”.

Sau khi quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Mỹ, Australia và Liên Hợp Quốc phát thông điệp cảnh báo mạnh mẽ, đề nghị quân đội Myanmar thả bà Suu Kyi và các quan chức chính phủ cũng như tôn trọng ý chí của người dân, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại hòa bình.

Các quốc gia Đông Nam Á cũng bày tỏ sự quan ngại về tình hình tại Myanmar, kêu gọi các bên kiềm chế, hướng tới hòa bình.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/toan-van-tuyen-bo-cua-quan-doi-myanmar-ve-tinh-trang-khan-cap-post117012.html