Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang rất nhanh
Tỷ trọng dân số từ 15-64 vẫn chiếm đa số, khoảng 68% tổng dân số, nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh nhất, chiếm 7,7%...
Tỷ trọng dân số từ 15-64 vẫn chiếm đa số, khoảng 68% tổng dân số, nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh nhất, chiếm 7,7%.
Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 19/12, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương chủ trì hội nghị tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019,
Theo kết quả chính thức được công bố, tổng số dân của Việt Nam là 96,2 triệu người, trong đó nam là 47,88 triệu người, chiếm 49,8% và nữ là 48,3 triệu người, chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người.
Tỷ trọng dân số từ 15-64 vẫn chiếm đa số, khoảng 68% tổng dân số, nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh nhất, chiếm 7,7%. Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999-2009 (1,18%/năm). Mật độ dân số là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009 và là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Philippines và Singapore).
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, việc ứng dụng thành công công nghệ thông tin trong một cuộc tổng điều tra quy mô lớn đã tạo được tiếng vang trên phạm vi quốc tế. Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện nay sử dụng thiết bị di động của điều tra viên thống kê cho công tác thu thập thông tin với nhiều chủng loại thiết bị khác nhau mà vẫn đem lại thành công với chi phí rẻ. Thành công này đã được các nước trên thế giới thừa nhận, đã có những nước đến Việt Nam để học tập kinh nghiệm (Sri Lanka, Nepal).
Phó thủ tướng cũng lưu ý rằng tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã hoàn thành nhưng cái đích cuối cùng chưa kết thúc, còn phải biên soạn các báo cáo chuyên đề, phân tích đánh giá làm cho số thống kê "biết nói", có giá trị gia tăng không chỉ cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp mà chính cho người dân. Vì thế các cơ quan liên quan cần bảo quản, gìn giữ an toàn cơ sở dữ liệu này.
"Rủi ro của hệ thống thông tin là rủi ro có tính hệ thống, phải quản lý thật chặt, bảo vệ an toàn dữ liệu, để trên cơ sở dữ liệu đó, có phân tích, đánh giá các báo cáo chuyên đề, báo cáo với Đảng, Chính phủ, các cơ quan nhà nước, phục vụ các địa phương trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng còn yêu cầu, trên cơ sở dữ liệu thống kê có được, Ban chỉ đạo cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh nhằm đảm bảo phát triển bền vững, tạo công bằng cho người dân. Để cung cấp chi tiết hơn thông tin phục vụ hoạch định chính sách, Bộ Kế hoạch và đầu tư (Tổng cục Thống kê) cần tiếp tục khai thác số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở để biên soạn các báo cáo chuyên đề chuyên sâu của từng lĩnh vực như già hóa dân số, di cư và đô thị hóa, lao động việc làm, giáo dục và đào tạo, tận dụng thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" để phát triển bứt phá, vượt bẫy thu nhập trung bình.
Dẫn các con số về số người ở độ tuổi từ 15-64 tuổi chiếm 68%, cứ có 1 người phụ thuộc thì có 2 người đi làm, nhưng tốc độ già hóa dân số rất nhanh, chỉ số già hóa 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với 10 năm trước và tăng 2 lần so với 20 năm trước, là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trong khu vực, Phó thủ tướng nhấn mạnh, yếu tố dân số là rất quan trọng để phát triển đất nước, do đó, cần phân tích các vấn đề trên để vượt được ngưỡng thu nhập trung bình lên mức trung bình cao và thu nhập cao, khắc phục cho được tình trạng chưa giàu đã già.