Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội tiếp tục 'lỡ hẹn'
9 tháng đầu năm, năng suất lao động mới chỉ tăng 4,8%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra. Tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc thảo luận về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội sáng 16/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, mức tăng năng suất lao động cả năm sẽ thấp hơn mục tiêu đề ra từ 5 đến 6%.
Nguyên nhân khó đạt mục tiêu tăng năng suất lao động do Quốc hội đề ra là do tình trạng mất cân đối cung cầu lao động. Theo đó, lao động trẻ tập trung về thành phố lớn để tìm việc, còn các tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa không có lao động để phát triển kinh tế. Làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, không phù hợp ngành nghề đào tạo với nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt thấp, sản xuất công nghiệp, xây dựng, bất động sản và công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận người lao động chuyển sang bộ phận dịch vụ mà lại là phi chính thức, năng suất thấp hơn. Lao động chuyển việc mới cần có thời gian đào tạo lại cũng ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất lao động.
Có thể thấy, việc chậm tăng năng suất lao động sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế. Thực tế nếu tăng được 1% năng suất lao động GDP sẽ tăng đến 0,94%. Do vậy, các ủy viên Ủy ban thường vụ cho rằng nhận diện được thực trạng, chỉ ra được nguyên nhân, để từ đó đề xuất được giải pháp đúng, trúng, hữu hiệu để khắc phục tình trạng chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội nhiều năm không đạt là điều rất cần thiết. Đừng để chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội lại một lần “lỡ hẹn”.