Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng tăng 4,74%
Trong sáu tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng tăng 4,74% so cùng kỳ, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP chung của cả nước. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng qua và đánh giá giữa nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2023 của Bộ Xây dựng diễn ra chiều 6/7.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng Ngành xây dựng tăng 4,74% so cùng kỳ. Trong đó, tốc độ tăng trưởng hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 0,8% so cùng kỳ; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 42%; tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; diện tích bình quân nhà ở cả nước đạt khoảng 25,6m2 sàn/người; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 95,1%...
So cùng kỳ, sản xuất xi-măng ước đạt 46 triệu tấn, giảm 5%, tiêu thụ đạt 45 triệu tấn, giảm 7%; sản xuất gạch ốp lát đạt khoảng 191 triệu m2, giảm 10%, tiêu thụ khoảng 145 triệu m2, giảm 17%; vật liệu xây dựng: sản xuất đạt gần 9,5 triệu viên QTC...
Bộ Xây dựng nhận định, trong sáu tháng qua, thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại. Thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả các phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Nguồn cung bất động sản tiếp tục hạn chế tại tất cả các phân khúc. Nhà ở xã hội hoàn thành 25 dự án với khoảng 10.000 căn, đạt 50% so với sáu tháng cuối năm 2022. Có bốn dự án nhà ở xã hội hoàn thành với quy mô 934 căn hộ. Dự án du lịch, nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành tám dự án với 3.385 căn, tăng 33,3% so với quý 4/2022...
Về giá giao dịch, Bộ Xây dựng nhận xét vẫn tiếp tục có xu hướng giảm so với 6 tháng cuối năm 2022; trong đó, thời điểm giá giảm nhiều nhất là quý 1/2023. Giá chung cư tại nhiều địa phương giảm từ 2-6%, nhà ở riêng lẻ giảm từ 6-10%, đất nền các dự án giảm khoảng 8-10% so cùng kỳ.
Tổng lượng giao dịch bất động sản trong sáu tháng qua đạt khoảng 187.000 giao dịch thành công, chỉ bằng 36,13% so với sáu tháng cuối năm 2022.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, những tháng cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án bất động sản tại các địa phương, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phản ánh khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, buộc phải dừng triển khai nhiều dự án bất động sản dẫn đến việc phải cắt giảm lao động... gây ảnh hưởng đến an sinh, trật tự xã hội.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, những tháng cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án bất động sản tại các địa phương, doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, cân đối lại cung cầu, cơ cấu sản phẩm cho thị trường bất động sản; tăng nguồn cung, nhất là nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Cùng đó, Bộ Xây dựng sẽ thường xuyên theo sát diễn biến tình hình.
Theo đánh giá của các địa phương, hiện nay lĩnh vực xây dựng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về các vấn đề như: rà soát sửa đổi quyền sử dụng đất, hoàn thiện chính sách phù hợp về thuế bất động sản, phương thức bán nhà hình thành trong tương lai, tăng cường huy động vốn cho bất động sản, Chương trình xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, công tác quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, vật liệu xây dựng... Do đó, trong thời gian tới, các địa phương rất cần sự phối hợp, hướng dẫn của Bộ Xây dựng nhằm sớm giải quyết những vấn đề phát sinh khi triển khai đầu tư xây dựng các dự án, công trình.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận định, trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, ngành Xây dựng đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện và tích cực, nhưng cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại. Do đó, thời gian tới, các cục, vụ trong Bộ và các địa phương cần tập trung giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng, hợp lý và hiệu quả.
Trong đó, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm chắc, dự báo chính xác để kịp thời chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp phù hợp thực tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường sử dụng, áp dụng công nghệ thông tin, phân công nhiệm vụ rõ ràng; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường phối hợp trong nội bộ và bên ngoài.
Bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Bộ Xây dựng và Chính phủ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, giải quyết được các vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp song song với việc bảo đảm chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc cùng các địa phương trong công tác quy hoạch, bảo đảm thống nhất với pháp luật cũng như các cấp độ quy hoạch. Tập trung hoàn thành công tác quy hoạch đô thị, nông thôn trong tháng 8/2023 và các quy hoạch mới về biến đổi khí hậu, xanh...
Thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ cũng như tăng cường vai trò của Tổ công tác của Chính phủ trong việc giải quyết những vướng mắc của thị trường bất động sản. Tăng cường làm việc với các địa phương và ngân hàng để thúc đẩy, hoàn thành Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội... Riêng thị trường bất động sản thương mại, các địa phương cần phân loại các khó khăn để có các giải pháp tháo gỡ cụ thể...
Từ đầu năm đến nay, Bộ Xây dựng tiếp tục ưu tiên công tác hoàn thiện thể chế pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Theo đó, Bộ đã trình và được Chính phủ, Thủ tướng ban hành sáu nghị định, chỉ thị, quyết định; ban hành theo thẩm quyền ba Thông tư. Hoàn thiện, trình Chính phủ, Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trình và được Chính phủ thống nhất đưa vào đề nghị của Chính phủ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Bộ cũng đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Điều chỉnh về quản lý, phát triển đô thị, dự án Luật Điều chỉnh về cấp, thoát nước để trình Chính phủ thông qua chính sách.
Đối với một số vấn đề phát sinh như phòng cháy chữa cháy, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ đã trình Chính phủ Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ cho các công trình, cơ sở hiện hữu không có khả năng khắc phục đầy đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy tại thời điểm đưa vào hoạt động.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/toc-do-tang-truong-nganh-xay-dung-tang-474-post761149.html