Tốc độ tiêm vaccine COVID-19 đang tăng nhanh những ngày gần đây

Những ngày gần đây, tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 đang được đẩy mạnh, kỷ lục ngày 10/8, cả nước đã tiêm được hơn 1,4 triệu mũi/ngày. Các chuyên gia cho rằng, nếu với tốc độ này và có đủ vaccine, từ giờ đến hết năm, Việt Nam có thể tiêm được cho 70- 80 triệu người dân.

Tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân đảm bảo nhanh, an toàn. Ảnh: TTXVN

Tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân đảm bảo nhanh, an toàn. Ảnh: TTXVN

Tăng tốc để nhanh về đích

Trong ngày 10/8, Việt Nam đạt kỷ lục khi tiêm được 1.408.453 liều vaccine phòng COVID-19; là ngày cao nhất kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng được triển khai.

Những ngày gần đây, tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 đang tăng nhanh tại các địa phương. Đơn cử như ngày 9/8, cả nước tiêm được 599.941 liều; ngày 8/8 tiêm được 514.503 liều… tăng nhanh so với tốc độ chỉ vài chục nghìn liều/ngày trong thời gian trước.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 10/8, Việt Nam đã tiêm được tổng số 11.341.864 liều vaccine COVID-19, trong đó tiêm 1 mũi là 10.305.762 liều, tiêm mũi 2 là 1.036.102 liều.

Tính đến hiện tại, một số tỉnh, thành được phân bổ lượng vaccine nhiều như: TP Hồ Chí Minh được phân bổ nhiều nhất với hơn 5 triệu liều; Hà Nội được phân bổ thực tế hơn 2,9 triệu liều; Bình Dương (568,060 liều); Đồng Nai (539,040 liều)…

Đánh giá tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Những ngày gần đây, công tác tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 của Việt Nam đã tốt hơn; mới đây Bộ Y tế đã có Hướng dẫn tổ chức tiêm vaccine tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ tiêm. Với tốc độ như hiện nay, chỉ trừ trường hợp không có vaccine, còn nếu có vaccine, các địa phương thậm chí có thể tiêm được nhanh hơn nữa”.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng, với tốc độ tiêm hơn 1 triệu mũi/ngày như hiện tại; nếu có đủ vaccine và duy trì tốc độ này, chỉ cần khoảng 3 tháng sau hoặc đến đầu năm 2022, Việt Nam có thể tiêm được cho khoảng 70- 80 triệu người (tương đương 70- 80%) dân số được tiêm chủng, để hướng tới miễn dịch cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong khoảng 1 tuần trở lại đây, tốc độ tiêm chủng vaccine của các địa phương đã nhanh hơn so với trước đó, tuy nhiên nếu tính tỷ lệ phần trăm so với số vaccine đã được phân bổ thì vẫn thấp. Hiện có một số địa phương có tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 chậm như: Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương, Hậu Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Thanh Hóa.

Bộ Y tế đã yêu cầu địa phương nào hiện chưa xây dựng kế hoạch tiêm chủng tổng thể đến tháng 4/2022 thì cần xây dựng ngay và trình UBND tỉnh phê duyệt để trên cơ sở đó, từng đợt vaccine nhận về triển khai tiêm chủng ngay, nhanh nhất, hiệu quả nhất và an toàn nhất. Tất cả các địa phương, đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine để chúng ta từng bước đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Tập trung vào những nơi trọng điểm

Vừa qua, Bộ Y tế đã tiến hành phân bổ cho các Viện và địa phương khoảng trên 18 triệu liều vaccine COVID-19 để triển khai tiêm chủng.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, để đẩy mạnh tiêm chủng, các địa phương bố trí cả điểm tiêm cố định và lưu động, càng nhiều điểm tiêm càng tốt. Đối với từng đợt vaccine về, các địa phương cần tiêm chủng theo hình thức cuốn chiếu vaccine về đến đâu tiêm ngay đến đó, tránh thực trạng có nơi nhận vài chục nghìn liều vaccine nhưng tiêm cả tuần không xong.

Đặc biệt, các điểm tiêm không giới hạn số người tiêm; cần tổ chức tiêm được nhiều nhất có thể. Đơn cử như tại một điểm tiêm không cố định chỉ tiêm 100 liều/1 ngày mà có thể lên đến 200- 300 hoặc nhiều hơn, nhưng phải đảm bảo tuân thủ chống dịch và an toàn tiêm chủng và chống tiêu cực trong tiêm chủng.

Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các địa phương phải xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong tiêm chủng. Lãnh đạo UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm về công tác tiêm chủng; nhất là khi để xảy ra chậm, tiêu cực trong tiêm chủng. Đồng thời mỗi ngày 2 lần các địa phương phải cập nhật ngay, triệt để số liệu tiêm lên cổng thông tin điện tử tiêm chủng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, các địa phương, đơn vị cần nêu cao trách nhiệm trước người dân, từng đợt vaccine được phân bổ phải tiêm nhanh nhất, vì sức khỏe của người dân. Đối với các tỉnh, thành phố triển khai tiêm chậm, sau ngày 15/8, nếu tiêm không hết lượng vaccine đã được phân bổ thì Bộ Y tế chủ động điều chuyển cho các đơn vị khác.

Theo đó, quan điểm hiện nay là ưu tiên vaccine cho các tỉnh đang là điểm nóng dịch COVID-19 như: TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phía Nam...

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, thời gian tới công tác tiêm chủng cần tập trung cho những nơi đông dân, các khu đô thị có số lượng dân lớn trước; vì các địa phương dân số ít, người dân ở thưa có thể kiểm soát dịch, khoanh vùng, dập dịch dễ hơn.

“Thời điểm này, các địa phương cũng nên ưu tiên tiêm sớm cho người cao tuổi, người có bệnh nền; nhân viên y tế ai chưa tiêm cần được tiêm đủ 2 mũi; người tham gia chống dịch; nhóm những người phải di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều như các nhân viên cung cấp thực phẩm, nhu yếu phầm thiết yếu… cũng cần được ưu tiên tiêm chủng”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga đề xuất.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/toc-do-tiem-vaccine-covid19-dang-tang-nhanh-nhung-ngay-gan-day-20210811181034442.htm