'Tôi bất ngờ khi đội tuyển Olympic Toán Thái Lan vượt Việt Nam'
PGS Vũ Đình Hòa cho biết ông chưa lý giải được vì sao thành tích của đội tuyển Olympic Toán Việt Nam không đều. Đội tuyển cũng bị Thái Lan vượt trong một vài năm gần đây.
PGS Vũ Đình Hòa, người đầu tiên đoạt huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 1974, cho biết nhiều năm dẫn đoàn Olympic Toán Việt Nam tham dự các kỳ thi, ông tỏ ra tiếc nuối với thành tích của đội tuyển IMO năm nay.
Năm nay, không dẫn đoàn dự thi, nhưng PGS Vũ Đình Hòa vẫn tham gia công tác bồi dưỡng đội tuyển. Đồng ý với nhiều nhận xét khác, ông công nhận thực lực của đội tuyển năm nay mạnh.
"Có những bài toán mà cùng tuổi với các em, các giáo sư toán học nổi tiếng trên thế giới không giải được nhưng các em lại giải được. Nhưng rất tiếc, thành tích năm nay của chúng ta không được tốt. Có thể, các em rơi vào thời điểm mệt mỏi về thể lực và tâm lý", người tham gia IMO năm 1974 nói.
Nhiều năm dẫn đoàn dự thi, PGS Vũ Đình Hòa nhận thấy áp lực và tâm lý là điểm yếu của học sinh Việt Nam. Ông quan sát thấy học sinh các nước khác dù không được huy chương nhưng vẫn tươi cười, vui đùa, kể cả học sinh Mỹ, Trung Quốc, Nga. Trong khi đó, học sinh Việt Nam chỉ được huy chương đồng hoặc bạc là đã mếu máo, khóc lóc.
"Năm 2012, tôi dẫn đoàn đi thi ở Argentina, có 2 em chỉ thiếu 1 điểm là được huy chương vàng nên các em buồn. Tôi nghĩ như thế là tâm lý không tốt. Bước vào phòng thi với yếu tố tâm lý như thế thì khó được kết quả cao. Có lẽ, chúng ta phải giúp các em giải tỏa áp lực", PGS Hòa kể.
Quan sát kết quả của các kỳ thi IMO gần đây, PGS Hòa cho biết ông cũng bất ngờ khi đội tuyển Toán của Thái Lan đã vượt qua Việt Nam. Trong khi, trước đây, người Thái phải sang Việt Nam học cách dạy, bồi dưỡng học sinh chuyên. Tuy nhiên, ông không đủ dữ kiện để nhận xét Thái Lan đã thay đổi như thế nào và đất nước họ có quan tâm tới kỳ thi Olympic Toán học hay không.
Theo ông, chỉ số thành tích IMO là số đo cho sự say mê Toán học của học sinh, không thể coi là tiêu chuẩn đánh giá trình độ Toán học của quốc gia. Nhưng các nước tham gia IMO đều “cay cú” và đầu tư cho đội tuyển của mình, chứ không phải bàng quan bỏ mặc như một số người nói.
"Trồng cây, nó lớn lên, cho hoa, ra quả thì tốt. Chẳng may gặp thời vụ không thuận lợi, cây ra quả không tốt thì người nông dân cũng phải chấp nhận. Chúng ta đừng nên phải thế này, thế khác", ông nêu quan điểm.
Từng dự thi Olympic Toán khu vực châu Á - Thái Bình Dương và bồi dưỡng nhiều học sinh đi thi Olympic Toán quốc tế, ông Đoàn Thái Sơn, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng), cho rằng ở các kỳ thi trí tuệ ở cấp độ olympic đỉnh cao, thành tích mỗi cá nhân và đội tuyển phụ thuộc rất nhiều vào phong độ, tâm lý và đề thi.
"Trong kỳ thi như olympic, các em áp lực phải có huy chương để đáp lại sự kỳ vọng của thầy cô, gia đình, nhà trường. Đôi khi đó là những áp lực do chính các em tự đặt ra. Ở tuổi 16, 17, đây là những áp lực lớn. Nếu vượt qua được, người ta gọi là bản lĩnh phòng thi", ông Sơn nói.
Theo thầy giáo này, áp lực khiến các em khát khao thể hiện mình. Kỳ thi Olympic Toán có 2 ngày thi. Nhưng nếu ngày đầu các em làm không tốt thì dễ ảnh hưởng đến ngày hai. Ai làm tốt ngày đầu thì dễ thăng hoa ở ngày sau.
Phong độ của mỗi thí sinh là điều rất khó đoán và tính toán. Như thi đấu thể thao đỉnh cao, điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm huấn luyện của người thầy. Nhưng đôi khi, người thầy cũng không thể tính toán hết các yếu tố ảnh hưởng đến phong độ của thí sinh.
"Một điều nữa phải thừa nhận là cấu trúc đề thi năm nay không thuận lợi cho chúng ta. Đề của Nga chọn thiên về tổ hợp, đây không phải mảng mạnh của chúng ta", hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Phú lý giải.
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa từng học tại Đại học Tổng hợp Greifswaid (Cộng hòa Dân chủ Đức). Ông là một trong số những nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam phát triển những lý thuyết, đặt nền móng cho ngành CNTT ở Việt Nam phát triển.
Năm 1996, ông Vũ Đình Hòa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học. Trong nhiều năm liền, ông là trưởng đoàn dẫn đội tuyển Toán Việt Nam dự thi Olympic quốc tế. Trong đó, năm 2012, PGS giúp 6 học sinh dự thi đều đoạt giải, đưa đoàn Việt Nam trở lại vị trí top 10 thế giới sau nhiều năm.
Ông là giám đốc của Trung tâm FYT, nơi được coi là ngôi nhà chung cho tài năng trẻ của ngành Công nghệ Thông tin.