Tôi chạy GrabBike: Những cuốc xe chở niềm hy vọng

Chủ động về thời gian, kiếm tiền ngay lập tức nên nhiều sinh viên quyết định đầu quân cho các công ty Grab, Be, GoViet. Có bạn trẻ vì hoàn cảnh khó khăn, xem đây là cứu cánh để nuôi ước mơ trên giảng đường.

Tranh thủ thời gian nghỉ, nhiều tài xế Grab tâm sự về nghề ảnh: Võ Hóa

Tranh thủ thời gian nghỉ, nhiều tài xế Grab tâm sự về nghề ảnh: Võ Hóa

Muôn phận GrabBike

18h30 tối cuối tuần, Nguyễn Hoàng Tuấn ăn tạm gói xôi rồi xách xe ra đường, mở ứng dụng và chờ đợi một ngày đông khách. Là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Thủy Lợi, Hà Nội, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không muốn bố mẹ vất vả nên Tuấn tranh thủ những ngày nghỉ, cuối tuần để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống. “Trước đây em có đi gia sư, bán hàng, phát tờ rơi cùng một số việc khác, nhưng do công việc yêu cầu giờ giấc cố định, cộng thu nhập không cao nên quyết định nghỉ. Tích cóp và mua được một chiếc xe cũ, em đăng ký trở thành tài xế GrabBike”, Tuấn nói. Là lái mới, chưa quen cung đường nên việc chạy xe đối với Tuấn gặp không ít khó khăn. Có lần, đi theo chỉ dẫn của bản đồ trên ứng dụng lại đi vào ngõ, đường một chiều. Thế nên, giờ mỗi lần có khách, Tuấn đều chủ động hỏi khách có thuộc đường không thì chỉ giúp cho bởi vừa lái xe vừa xem bản đồ sẽ không an toàn. Hoàng Tuấn cho hay, trong giới sinh viên chạy xe ôm công nghệ, nhiều bạn kiếm được gần 1 triệu đồng/ngày. Nhưng để được như vậy, tài xế phải chạy nhiều dịch vụ với hàng chục chuyến mỗi ngày. “Nếu chạy từ tờ mờ sáng đến đêm muộn thu nhập cũng khá, nhưng như thế không còn thời gian để học. Em cố chạy một thời gian nữa, đến khi ra trường kiếm công việc ổn định, chứ đời xe ôm mất sức nhanh lắm”, Tuấn chia sẻ.

Điều kiện tham gia dễ dàng, thời gian làm việc linh hoạt nên xe ôm công nghệ thu hút không chỉ thanh niên mà cả phụ nữ, người già. Cô Nguyễn Thị Minh (50 tuổi), chạy GrabBike gần 1 năm nay. “Công việc nhà nông thu nhập bấp bênh nên lên Hà Nội để kiếm công việc làm. “Tôi làm lao công cho một trung tâm thương mại tại Thanh Xuân. Làm theo ca nên tận dụng thời gian rỗi chạy Grab để có thêm tiền phụ con gái học cho xong đại học”, cô Minh kể. Cô Minh chạy cùng lúc GrabBike và Grab giao hàng, mỗi ngày làm khoảng 5 tiếng, trung bình được 200.000 - 250.000 đồng (chưa trừ tiền chiết khấu cho công ty, chi phí xăng, điện thoại). “Ngoài những nguy hiểm thường gặp về tai nạn, cướp bóc thì GrabBike cũng có nhiều niềm vui. Hiểu hoàn cảnh của tôi, nhiều khách thấy tôi là nữ, nên không chịu ngồi sau mà đòi chở, đến nơi vẫn trả đủ tiền, còn cho thêm”, cô kể.

Với Nguyễn Văn Nam, cậu sinh viên năm thứ nhất từ Thái Nguyên xuống Hà Nội học nghề lại hoàn toàn khác. Có nhiều thời gian nghỉ nên Nam nghĩ ngay đến việc đi làm thêm. Tham khảo nhiều việc nhưng vì lịch học không cố định nên sợ lỡ làm hợp đồng rồi hủy, đến lúc ấy lại khó. “Bố mẹ biết nghề này nguy hiểm nên không cho nhưng em trốn đăng ký. Hằng tháng số tiền em nhận được vẫn đều, nhưng em nghĩ kiếm được đồng nào đỡ bố mẹ đồng ấy, được bao nhiêu hay bấy nhiêu”. Một kỷ niệm chạy xe mà đến giờ cậu sinh viên năm nhất còn nhớ mãi. Hôm đó, Nam chạy từ 6h sáng đến 21h, một lèo không nghỉ, chỉ ăn nhẹ. Khoảng 20h cậu bắt đầu mệt lả, nhưng nhìn vào số ngọc sắp chạm mốc 2 (500 ngọc Grab thưởng 120.000 đồng) lại không nỡ về. Đang đi trên đường đê se se lạnh thì tắc, do ô tô đông quá, phải giao hàng cho kịp, Nam vượt trái không may va phải một thanh niên khiến bánh gato bị hỏng, phải đền với giá 500.000 đồng, bằng đúng số tiền Nam kiếm được cả ngày.

Theo Thanh, một cựu sinh viên từng chạy Grab thì chủ động thời gian, kiếm tiền nhanh chóng là nguyên nhân nhiều sinh viên, nhân viên văn phòng sẵn sàng đầu quân cho các hãng xe ôm công nghệ. Dù vậy, theo Thanh, với sinh viên, một ngày chỉ cần chạy lấy 100.000 -200.000 đồng, không nên quá sức, ảnh hưởng đến việc học. “Em từng chạy một ngày không dưới 800.000 đồng, nếu chưa đạt sẽ không về nên giờ hối hận vô cùng. Chạy xe xuống sức khỏe, không thể học hành và ảnh hưởng nhiều đến kiến thức khi ra trường. Các bạn sinh viên nên kiếm việc đúng chuyên ngành học mà làm, có thể thu nhập thấp chứ đừng ham cái trước mắt sẽ ảnh hưởng đến tương lai”, Thanh nói.

Rưng rưng cái tình tài xế

Hiện tại Grab trả cho tài xế GrabBike trung bình 5.000 đồng/km, nên để kiếm được một ngày từ 500.000 - 600.000 đồng, tài xế xe ôm công nghệ phải chạy hàng chục chuyến từ chở khách, giao hàng hóa đến giao đồ ăn và quãng đường cả trăm km. Nếu tính trừ 20% chiết khấu của Grab, xăng xe, điện thoại, ăn uống hàng ngày, chi phí hao mòn xe cộ thì thực nhận của tài xế không còn bao nhiêu. Để dễ hình dung, một cuốc tôi chở khách từ chung cư HH1B Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đến Chùa Láng (quận Đống Đa) dài 10km vào giờ cao điểm mất hơn 40 phút. Số tiền thực nhận của tôi là 49.000 đồng (theo ứng dụng báo giá) - 9.800 đồng (20% chiết khấu cho Grab) - 9.000 đồng tiền xăng xe, điện thoại gọi khách = 30.200 đồng.

Việc Grab áp dụng chính sách mỗi cuốc xe sẽ được khách đánh giá theo thang điểm từ 1 - 5 sao dựa trên mức độ hài lòng của khách cũng là điều khiến cánh tài xế thực sự chưa hài lòng. Muốn tham gia chương trình hỗ trợ doanh thu, số sao phải từ 4,9 trở lên. Sao dưới 4,7, tài xế có thể bị cảnh cáo và ngưng chạy một tuần. Điều này có nghĩa là chỉ cần khách chấm 4 sao, coi như tài xế bị sụt điểm. Nhiều khách hàng vì muộn giờ, thúc tài xế chạy nhanh, nếu không chiều khách, dễ bị chấm điểm thấp, còn chiều khách thì tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Trong thời gian trải nghiệm tài xế xe ôm công nghệ, tôi cảm nhận rất rõ tình cảm của những lái xe công nghệ. Không chạy cùng một hãng, nhưng khi ra đường nhìn thấy màu áo xanh của Grab, màu vàng của Be hay đỏ của GoViet là vui vẻ vẫy tay chào, hỏi thăm chạy được mấy cuốc, thu nhập ra sao.

Trên Facebook có Hội Grab Bike Hà Nội với gần 60.000 thành viên tham gia, rất sôi động. Các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ buồn vui, giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Hôm biết chuyện tài xế Nguyễn Cao Sang (18 tuổi, quê Thanh Hóa) bị sát hại, anh em GrabBike dù chẳng quen biết cũng đến tận nơi, động viên tinh thần và vật chất cho gia đình. Hôm công an thực nghiệm hiện trường, cả con đường nhuộm xanh bởi màu áo của gần cả trăm tài xế GrabBike...

Chạy GrabBike gần một tháng là một trải nghiệm đáng giá giúp tôi hiểu hơn về một nghề mới, những nguy hiểm, khó khăn vất vả và cả những ước mơ mà tài xế trải qua. Hôm ngồi trà đá vỉa hè cùng một số anh em tài xế quen trong những ngày chạy xe, Phước - người đã cho tôi “bám càng” chạy đêm hỏi: “Nộp bài rồi anh có tiếp tục chạy GrabBike nữa không?”. “Chắc chắn, anh sẽ giữ tài khoản và bộ đồng phục. Thi thoảng nhớ nghề, nhớ mọi người, sẽ lại ra đường” - tôi nói, trong sự rưng rưng...

Cô Nguyễn Thị Minh đang liên hệ chờ khách. Ảnh: Võ Hóa

Cô Nguyễn Thị Minh đang liên hệ chờ khách. Ảnh: Võ Hóa

Từ ngày 26/8, Grab bắt đầu khấu trừ thuế 60.000 đồng/ngày đối với các tài xế 2 bánh đạt doanh thu trên 100 triệu đồng (trong 1 năm). Mới đây, GoViet cũng bắt đầu bị khấu trừ thuế hàng ngày nếu có tổng doanh thu tính thuế trong năm lớn hơn 100 triệu đồng khiến cánh tài xế băn khoăn. Theo họ, khoản đóng thuế như thế quá cao so với mức thu nhập, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.

Võ Hóa

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/toi-chay-grabbike-nhung-cuoc-xe-cho-niem-hy-vong-1478671.tpo