'Tôi chỉ là người thổi bùng ngọn lửa…'

5 năm về hưu, vị nguyên bí thư huyện ủy huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) mới bắt đầu hành trình tìm lại từng câu hát Mường cổ vốn đã mờ lần theo thời gian. Căn nhà nơi ông Nỏm đang sống cũng là không gian sinh hoạt chung, nơi những cuộc giao lưu, gặp gỡ giữa các nghệ nhân hát dân ca Mường được tổ chức mỗi dịp cuối tuần.

Ông Bùi Văn Nỏm là người đã thổi lên phong trào hát dân ca trong cộng đồng người Mường tại huyện Lạc Sơn – Hòa Bình hiện nay.

Ông Bùi Văn Nỏm là người đã thổi lên phong trào hát dân ca trong cộng đồng người Mường tại huyện Lạc Sơn – Hòa Bình hiện nay.

Những ngày đầu tháng 5 chúng tôi tìm đến căn nhà sàn của ông Bùi Văn Nỏm, nguyên Bí thư huyện ủy huyện Lạc Sơn để nghe ông kể về hành trình khôi phục lại tiếng hát dân ca cổ trong cộng đồng dân tộc Mường.

Ông hát:

“Hỏi thăm ơ cây lọ

Mấy khăng cờm đong, mấy í i bát đũa mấy đôi na giằng bạn hỡi…”

(Nhà anh có mấy người, gốc cây lúa có bao nhiêu bông, hằng ngày cơm đong mấy bát đũa bao nhiêu đôi?)

Khôi phục nếp sinh hoạt dân ca Mường

Dân ca Mường có 3 cách hát nổi bật là hát Đúm, hát Bồ Mẹn và hát Xường Rang.5 năm trên chặng đường tìm về những câu hát Mường cổ, với ông Nỏm, đó không phải là điều dễ dàng. Hiện nay, thế hệ nghệ nhân tại huyện Lạc Sơn còn giữ được tiếng hát dân ca cổ chỉ còn độ 100 người, trong đó nhiều người đã ở ngưỡng bước “gần đất xa trời”.

Ông Nỏm cho biết, chỉ trong 2 năm đã mất đi hàng chục nghệ nhân, có cụ vừa hát xong 2, 3 tháng sau cũng đã ra đi.Việc tìm đến các nghệ nhân và lưu giữ lại tiếng hát của họ phải làm thật nhanh và khẩn trương.

Bởi vậy, ngay sau khi hoàn thành công tác, ông cùng những anh em về hưu thành lập CLB hát dân ca Mường, một phần để bảo tồn các làn điệu xưa, một phần để lan tỏa bản sắc văn hóa bấy lâu đã thành trầm tích. Vốn hiểu sâu biết rộng về văn hóa dân tộc mình nhưng phải đến khi gặp gỡ tận các cụ cao niên, vị cựu cán bộ mới hiểu dân ca Mường cổ còn rất phong phú, nhiều giai điệu đến vậy.

Bản chất chân thành, khiêm tốn của người Mường thể hiện rõ trong từng tiếng hát của họ. Có lần đến nhà một nghệ nhân, ông Nỏm ngỏ lời công việc nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn văn hóa hát dân ca cổ, những nghệ nhân già ấy khiêm tốn bảo “không biết còn nhớ không bởi lâu lắm không hát”. Hơn nữa ngồi trước ống kính để thuyết phục họ hát một cách tự nhiên là điều rất khó, ông động viên mãi các cụ mới cất lời.

Dân ca Mường cổ không chỉ là nhờ giai điệu mượt mà như dân ca những vùng khác mà phải có luyến láy, có thăng trầm.Ông Nỏm kể, có người hát hết cả hơi vẫn cố gắng hát để ông có thể ghi lại lấy cái lời. Ấy thế mà khi tiếng hát cất lên lại rất mượt mà, có luyến láy, lấy hơi nhả chữ rõ ràng. “Có những nhịp cần phải bẻ chữ ngay, thế mà giọng các cụ vẫn rất rền, rất vang.Chính là phục các cụ ở chỗ đó”, ông Nỏm cho biết. Cứ như thế suốt mấy năm nay, ông Nỏm cùng CLB của mình đã thành công sưu tầm lại cơ bản được các giai điệu hát Xường Rang cổ, hát Bồ Mẹn cổ và hát Đúm giao duyên.

Cộng đồng người Mường ở Phú Thọ, Thanh Hóa cũng có những làn điệu dân ca cổ nhưng chính dân tộc Mường tại Hòa Bình lại là nơi có lịch sử dân ca lâu đời nhất.

Ông Nỏm cho biết: “Từ lao động mà người dân sáng tạo ra những sản phẩm tinh thần cho họ. Những lời ca tiếng hát đã trở thành cách để người Mường gặp gỡ, giao duyên với nhau, từ đó quen biết và tìm hiểu nhau”.

Dân ca Mường cổ hòa tấu với chiêng mường, cứ “bềnh boong bềnh, bềnh boong khùm” tạo nên một âm hưởng chung vang lên trong trời đất như tiếng nói chung của người Mường.

“Đó mới là bản sắc cần gìn giữ.Một đất nước phát triển là phải giữ lấy được cái văn hóa của mình, duy trì nó qua hàng nghìn năm.Đặc biệt khi công nghệ phát triển thì phải ứng dụng cái đó để duy trì và gìn giữ cho bằng được bản sắc của dân tộc mình”.

Có những chiếc chiêng có tuổi đời 100 năm cũng được ông Nỏm gìn giữ cần thận.

Có những chiếc chiêng có tuổi đời 100 năm cũng được ông Nỏm gìn giữ cần thận.

 Những chiếc chiêng Mường được ông sưu tầm.

Những chiếc chiêng Mường được ông sưu tầm.

Lan tỏa bản sắc dân tộc Mường

Sưu tầm lại được những giai điệu dân ca cổ, ông Nỏm cũng luôn nghĩ cách để lan tỏa bản sắc đó vào chính cuộc sống hằng ngày. Có thời gian, sức khỏe, cộng thêm hiểu biết sâu sắc về văn hóa và nắm rõ những nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn văn hóa dân tộc, ông Nỏm quyết tâm duy trì và phát triển hát dân ca cổ thành sinh hoạt cộng đồng của người Mường, trước tiên là tại huyện Lạc Sơn.

“Văn hóa Mường ngoài những văn hóa sinh hoạt, ngoài những văn hóa nếp sống,nếp nhà thì dân ca, dân vũ và hòa tấu chiêng là nét đặc sắc đáng tự hào của người Mường. Có những giai điệu ngày xưa đập boòng boong để người ta ru, có những trò chơi, có những giai điệu được hát thành một áng truyền thuyết, nay được đưa vào các lễ hội để biểu diễn đã thu hút rất đông người đến xem”.

“Lúc về hưu, tôi đã tổ chức mấy cuộc giao lưu ở nhà mình, mời các nghệ nhân còn hát Xường Rang, Bồ Mẹn, những vị cao niên đến và hát, sau đó quay dựng thành video đăng lên mạng xã hội. Nhiều người Mường khi xem những video đó thích lắm, bảo rằng làm như vậy thích quá, đã lâu lắm không được nghe”, ông Nỏm cho biết.

Thế rồi, những cuộc giao lưu như thế cứ diễn ra. Ông Nỏm chính là người thổi lửa, kết nối những nghệ nhân cho đến người dân Mường ở Hòa Bình, Thanh Hóa,…Giữ nếp sinh hoạt đều đặn 1 – 2 lần trong tháng, làn điệu dân ca cổ cứ thế được giữ gìn thông qua những cuộc giao lưu. Các CLB hát do người dân tộc Mường lập nên cứ thế ra đời.

Ông Nỏm chia sẻ: “Văn hóa hát này là món ăn khiến con người say mê. Bây giờ cứ có cuộc hát dân ca, Mường nọ đến Mường kia hát, tự nhiên nhiều người bỏ việc kéo đến nghe. Lạ thế. Hình như đến lúc con người tạm ổn về vấn đề kinh tế, người ta lại khát khao về văn hóa, đặc biệt là với chính văn hóa dân tôc mình. Nếu mình khơi lên được cái đó thì chính là đáp ứng chính nguyện vọng của họ nên rất hưởng ứng”.

Để duy trì, khuyến khích người dân tộc Mường cùng tham gia vào phong trào hát dân ca, ông Nỏm cùng thành viên CLB luôn có những cách làm mới. Đến nay, khi dân ca Mường cổ đã lan tỏa rộng rãi trong huyện Lạc Sơn, ông Nỏm cũng tự ngẫm lại rằng: “Nếu biết khơi dậy đúng nhu cầu xã hội cần thì sẽ được xã hội hưởng ứng mà có lẽ không cần tốn kém gì nhiều. Mỗi lần họp mặt như thế, các nghệ nhân cứ góp nhau 20 – 30 nghìn đồng để ăn với nhau một bữa và vui với nhau cả ngày. Họ đóng giả đôi nam nữ ngày xưa mà họ hát với nhau để tạo nên buổi sinh hoạt dân ca Mường ý nghĩa”.

Các mô hình bảo tồn và gìn giữ dân ca Mường hiện ngày càng được quan tâm và phát triển. Tại Hà Nội, Làng văn hóa các dân tộc là một trong những không gian tái hiện lại cuộc sống người Mường và sự hòa quyện của dân ca Mường trong cuộc sống. Thế nhưng, theo ông Nỏm, điểm thu lại quá nhỏ và không thể tái hiện lại hết những đặc sắc trong văn hóa dân tộc Mường. Mà văn hóa dân tộc nào muốn tồn tại lâu dài, vững chắc và có thể truyền tục được thì nhất định phải đưa vào cộng đồng, dân cư thì mới phong phú và thiết thực cho đời sống hằng ngày.

Vì vậy, với tâm huyết giữ bằng được tiếng hát Mường cổ, vị nguyên bí thư đã từng bước nhen nhóm lên tình yêu dân ca Mường và góp phần lan tỏa vào sinh hoạt hằng ngày của người dân. Từng là cương vị lãnh đạo huyện, ông Nỏm cũng ngẫm rằng, để văn hóa dân tộc được bùng lên mạnh mẽ, các cấp chính quyền không được thờ ơ.

Từ những thành công đạt được, ông Nỏm cho biết: “Trước đây tôi lo rằng dân ca Mường sẽ “thất truyền” nhưng vừa rồi nhờ sự động viên của các cấp ngành và bà con mà chúng tôi đã tạo ra phong trào, hiệu ứng hát Mường rộng rãi như bây giờ. Hiện nay có một thế hệ trẻ đang cùng chúng tôi phục dựng và gìn giữ dân ca Mường”.

Hoàng Linh – Hà Trang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/toi-chi-la-nguoi-thoi-bung-ngon-lua-589163.html