Tội cho chiếc áo dài!
'Người bình thường không mặc áo dài đi chơi', câu nói của một nhân viên bảo tàng văn hóa, lịch sử đối với khách tham quan thật sự là một 'gáo nước lạnh' dội vào những nỗ lực tôn vinh chiếc áo dài truyền thống Việt Nam bấy lâu nay.
Một sáng chủ nhật đẹp trời cuối năm, TS Đoàn Thành Lộc - nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân - cùng nhiều bạn trẻ đến tham quan Bảo tàng TP HCM để tìm hiểu về các hiện vật lịch sử, văn hóa được trưng bày tại đây. Vì là người yêu văn hóa dân tộc và muốn truyền tình yêu đó cho người trẻ, anh luôn khuyến khích các bạn mặc áo dài ngũ thân. Thế nhưng, vì mặc áo dài mà nhóm của anh gặp rắc rối khi mua vé vào Bảo tàng.
Anh cho biết, một thành viên trong nhóm bị nhân viên yêu cầu mua thêm vé chụp hình đắt hơn khoảng 10 lần so với vé tham quan thông thường vì cho rằng người này mặc áo dài, tức là có đầu tư trang phục để chụp hình. Nhân viên bán vé lập luận: “Người bình thường không ai mặc áo dài đi chơi”.
Sau khi giải thích và cương quyết chỉ mua vé thường vào tham quan, nhóm của TS Đoàn Thành Lộc cũng được đồng ý, nhưng kèm theo đó là sự giám sát suốt buổi tham quan, thậm chí trước khi ra về, nhân viên Bảo tàng còn bắt nhóm dàn hàng ngang để chụp hình làm bằng chứng.
Chuyện bán hai loại vé, một dành cho khách chỉ tham quan và một dành cho khách chụp hình chuyên nghiệp là chuyện thường ngày ở không ít bảo tàng hiện nay. Song, bắt người tham quan bảo tàng phải trả tiền vé của người chụp ảnh chuyên nghiệp chỉ vì người đó mặc áo dài truyền thống thì thật khó để chấp nhận.
Có thể bảo tàng từng bị trường khách mua vé tham quan nhưng rồi “chụp lén” nên mới có quy định như vậy. Nhưng phân biệt khách qua chiếc áo dài truyền thống với lập luận “người bình thường không ai mặc áo dài đi chơi” thì không phải là quá phi lý với người làm văn hóa, với người yêu áo dài hay sao?
Nhân viên bán vé ở Bảo tàng TP HCM tự ý vẽ ra chuyện thu tiền chụp hình đối với người mặc áo dài hay đây là quy định từ cấp quản lý của Bảo tàng? Được biết, đoàn của TS Lộc không phải là trường hợp đầu tiên, trước đây đã từng có trường hợp tương tự. Nhưng dù là lý do gì thì việc một bảo tàng lịch sử, văn hóa nhưng không có ưu đãi, khuyến khích cho hành động văn hóa của khách tham quan, ngược lại còn đánh vào túi tiền họ, thì thật lạ kỳ!
Và phải chăng lập luận của nhân viên bán vé ở bảo tàng rằng “người bình thường không ai mặc áo dài đi chơi” phản ánh một thực tế, nỗ lực tôn vinh áo dài truyền thống Việt Nam thời gian qua là chưa đủ, là còn nặng về hình thức, chưa đi vào thực tế? Bởi nếu có nhiều người chọn mặc áo dài ra đường, đi chơi, đi tham quan... thì có lẽ nhân viên bảo tàng đã không có lập luận phi lý như thế.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/toi-cho-chiec-ao-dai-637594.html