'Tôi chưa bao giờ nghe chuyện giới tính, tình dục cũng cần được dạy'

Các lớp giáo dục giới tính đang được mở ra ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc nhằm giúp các em có thêm hiểu biết, tránh các vấn đề như lạm dụng, bạo lực giới, mang thai sớm.

Bao Tiantian, giáo viên tiếng Anh tại một trường cấp 2, nhớ lại cảm giác bối rối khi thầy hiệu trưởng yêu cầu cô tham gia một khóa giáo dục giới tính.

"Tôi chưa bao giờ nghe về chuyện giới tính, tình dục cần được dạy", cô giáo 37 tuổi nói với Sixth Tone. Bao đến từ huyện Khang (thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc), nơi việc đề cập đến tình dục vẫn bị coi là điều cấm kỵ.

Thời Bao đi học, giáo dục về giới tính chỉ được đề cập trong một tiết môn Sinh học, giáo viên đơn giản giải thích về kinh nguyệt và một số vấn đề giải phẫu cơ bản.

"Nhưng rốt cục, giáo viên đã chẳng dạy gì trong tiết học ấy. Buổi học hôm đó, giáo viên chỉ cho chúng tôi ngồi đọc sách giáo khoa", Bao kể.

 Giáo dục giới tính vẫn là môn học lạ lẫm với nhiều học sinh vùng nông thôn.

Giáo dục giới tính vẫn là môn học lạ lẫm với nhiều học sinh vùng nông thôn.

Nỗ lực để giáo dục giới tính được công nhận là môn học

Góc nhìn của nữ giáo viên tiếng Anh hoàn toàn thay đổi từ khi cô tham gia khóa học về giới tính do You&Me - tổ chức phi lợi nhuận của Trung Quốc - vào năm 2018.

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, Bao phải mất vài tuần mới có đủ can đảm để bắt đầu giảng dạy. Khi cô dạy giáo dục giới tính, các đồng nghiệp còn trêu chọc Bao là "cô giáo tình dục". Cuối cùng, nhà trường đồng ý kết hợp môn này vào các lớp sức khỏe tâm lý hàng tuần để Bao đỡ bị soi mói.

Theo Bao, tại Cam Túc, một số lượng lớn cha mẹ rời quê lên thành phố để có mức thu nhập cao hơn. Khi trẻ em bị bỏ lại ở nông thôn, chuyện giáo dục giới tính càng trở nên quan trọng.

"Tình dục là bản năng của con người và người lớn hầu như không kiểm soát được thanh thiếu niên. Chúng tôi chỉ có thể dạy các em tôn trọng người khác và tránh mang thai sớm".

Lớp học được duy trì và đến nay đã có 800 học sinh đến với lớp. Bao trở thành người hoạt động tích cực trong việc thúc đẩy giáo dục giới tính, đặc biệt với đối tượng là học sinh ở khu vực nông thôn Trung Quốc.

Sự thành công của Bao có công lớn từ sự kiên trì của hiệu trưởng Wang Haizhi, người hết lòng ủng hộ cô ngay từ đầu. Ông luôn đảm bảo các giáo viên trong trường đều hiểu rằng các lớp giáo dục giới tính là cần thiết.

Trước khi lớp học được mở, Wang đã gửi thông báo cho tất cả học sinh và phụ huynh để giải thích về kế hoạch của trường, trong đó ông nhấn mạnh môn học này giúp các em có thể tránh được xâm hại và tấn công tình dục.

"Tôi nghĩ tình dục, giới tính sẽ là môn khoa học theo các em đến mãi về sau. Các em nên hiểu biết về nó. Cha mẹ đều hiểu nó tốt cho con mình nên không ai phản đối", vị hiệu trưởng bày tỏ.

Wang mong muốn chính quyền địa phương sẽ công nhận môn giáo dục giới tính. Ông hy vọng phòng giáo dục biến sẽ nó thành một môn học bắt buộc, giống như Toán và tiếng Anh.

 Nhiều người ở nông thôn coi tình dục là điều cấm kỵ khiến việc mở các lớp giáo dục giới tính gặp khó khăn.

Nhiều người ở nông thôn coi tình dục là điều cấm kỵ khiến việc mở các lớp giáo dục giới tính gặp khó khăn.

Vấn đề bị bỏ quên từ lâu

Giáo dục về giới tính từ lâu đã bị bỏ quên tại các trường học khắp đất nước tỷ dân, thậm chí nó còn trở thành vấn đề tồi tệ hơn ở nông thôn. Tại Trung Quốc, số lượng học sinh vùng nông thôn có quan hệ tình dục, gặp trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở mức cao hơn so với các em ở thành phố.

Mức sống thấp hơn, nhiều định kiến và văn hóa truyền thống, đặc trưng nhân khẩu học cũng như thiếu thốn trong tài nguyên giáo dục khiến các giáo viên tại nông thôn khó có thể đưa ra chương trình toàn diện về vấn đề này.

Liu Yu (42 tuổi), thầy giáo môn Sinh học tại trường cấp 2 ở huyện Khang, bắt đầu làm việc với You&Me từ năm 2017 sau khi biết một học sinh của mình có "vết sẹo tâm lý" do bị tấn công tình dục khi còn nhỏ.

Trong một bài giảng về giới tính cách đây ít tháng, ông buồn bã khi nghe một nữ sinh khác phát hiện cô bị chú của mình xâm hại vào năm lớp 4. Thế nhưng phải đến khi nghe thầy giảng, nữ sinh mới biết mình là nạn nhân.

Jiang Yulin, sinh viên chuyên ngành Sinh học tại trường cao đẳng ở tỉnh Tứ Xuyên, đã đăng ký làm tình nguyện viên cho You&Me vào mùa hè năm 2018. Anh đã đi khắp các vùng nông thôn để cung cấp các lớp học giới tính cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5.

"Từ nhỏ, các em học sinh nên được dạy rằng tình dục không phải điều cấm kỵ không thể nói ra", Jiang nói.

Có lần, anh dành 2,5 ngày để dạy 20 học sinh trong lớp cách phân biệt bộ phận sinh dục nam và nữ, cũng như cách bảo vệ bản thân. Ban đầu, tình hình khá hỗn loạn, một số học sinh bịt mắt không dám nhìn, một số cười tủm tỉm. Nhưng rồi các em học rất nhanh và buổi học thành công ngoài mong đợi.

Học sinh nên được dạy tình dục không phải là điều cấm kỵ.

Học sinh nên được dạy tình dục không phải là điều cấm kỵ.

Theo một nghiên cứu được đưa ra năm 2018, tại tỉnh Cam Túc - nơi Bao đang sinh sống - có hơn 70% học sinh chưa từng được tiếp cận một hình thức giáo dục giới tính nào.

Các chuyên gia chỉ ra rằng số tiết học được tổ chức rất ít và ngay người giảng dạy về vấn đề này cũng không có đủ hiểu biết về bạo lực giới, bệnh tình dục, biện pháp tránh thai và phá thai.

Song tình hình đang dần được cải thiện khi các giáo viên tiến bộ làm việc với các tổ chức từ thiện, xã hội nhằm thúc đẩy các chương trình giáo dục giới tính tại địa phương và trường học của mình.

Đến nay, You&Me đã đào tạo được 67 nhà giáo dục ở Cam Túc, hỗ trợ cung cấp các lớp học giới tính cho 26.000 học sinh nông thôn. Tổ chức này đang làm việc để kết nối thêm 20 trường học vào mạng lưới của mình.

Tuy nhiên việc thuyết phục các trường giới thiệu về chương trình giảng dạy của You&Me không dễ dàng. Những khóa học với nội dung liên quan đến ngừa thai, các bệnh lây qua đường tình dục hay bạo lực giới vẫn khó được chấp nhận với bộ phận những người mang tư tưởng bảo thủ.

Mặt khác, việc đưa môn giáo dục giới tính đến nhiều trường nông thôn đang là thách thức, đặc biệt khi thiếu sự hỗ trợ tài chính và chính sách từ chính phủ.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-chua-bao-gio-nghe-chuyen-gioi-tinh-tinh-duc-cung-can-duoc-day-post1108360.html