'Tôi chưa từng chứng kiến vụ bạo loạn nào như lần này'

Đã có thương vong, ông Trump thừa nhận hết nhiệm kỳ, đảng Cộng hòa thất thế. Đó là những cụm từ lột tả sự hỗn loạn trên cả chính trường Mỹ lẫn Điện Capitol trong 'ngày định đoạt'.

Ngày 6/1, quang cảnh ở Điện Capitol hỗn loạn đến mức không ai nghĩ đây là tòa nhà nơi Quốc hội Mỹ đang họp để xác nhận tổng thống hợp hiến cho nước này. Những người ủng hộ Tổng thống Trump tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ từ 14h ngày 6/1, gây náo loạn phiên họp kiểm phiếu đại cử tri đến hơn 18h.

Bàn làm việc của chủ tịch Hạ viện bị người biểu tình ngồi chễm chệ. Bục phát biểu của Hạ viện cũng bị vác đi. Tài liệu đóng khung trên các bức tường bị xé toạc. Giấy tờ công vụ bay lả tả và nằm ngổn ngang dưới sàn nhà.

Cảnh tượng hãi hùng đến nỗi giáo sư lịch sử Allan Lichtman của America University thốt lên: “Năm nay tôi 73 tuổi rồi, nhưng chưa từng chứng kiến vụ bạo loạn nào như lần này trong suốt cuộc đời. Tôi nghiên cứu lịch sử Mỹ từ giai đoạn lập quốc cho đến đời tổng thống hiện tại. Và bạn phải trở lại tận năm 1814 để thấy Điện Capitol rơi vào hoàn cảnh như vừa rồi”.

 Cảnh sát xịt hơi cay để giải tán đám đông trước Điện Capitol. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát xịt hơi cay để giải tán đám đông trước Điện Capitol. Ảnh: Reuters.

Điện Capitol hỗn loạn

Nguồn cơn vụ hỗn loạn xuất phát từ cuộc biểu tình của những người ủng hộ Tổng thống Trump. Đám đông đã ập vào Điện Capitol để gây sức ép lên các nghị sĩ, kêu gọi phủ quyết chiến thắng của tổng thống đắc cử Joe Biden.

Nhiều nhân viên an ninh trong trong tòa nhà quốc hội nấp dưới gầm bàn, để mặc người biểu tình tự do đi lại trong sảnh Điện Capitol và lùng sục các nhà lập pháp.

“Cảnh sát bảo vệ Điện Capitol đang ở đâu vậy?”, một nhân viên trong tòa nhà quốc hội nhắn tin cho phóng viên, theo Guardian.

 Nhân viên Hạ viên nấp dưới gầm bàn để tránh người biểu tình. Ảnh: New York Times.

Nhân viên Hạ viên nấp dưới gầm bàn để tránh người biểu tình. Ảnh: New York Times.

Cả trong lẫn ngoài Điện Capitol, cảnh sát bị đám đông áp đảo dù đã sử dụng đạn hơi cay. Lực lượng Vệ binh Quốc gia và đặc vụ liên bang - những người từng khống chế các cuộc biểu tình ôn hòa Black Lives Matter hồi giữa năm 2020 - chỉ xuất hiện khi tòa nhà quốc hội đã bị người biểu tình chiếm giữ.

Những người biểu tình thậm chí còn tìm đường vào văn phòng của Thượng viện. Một người ủng hộ tổng thống đương nhiệm bước lên bục và hét lớn: “Ông Trump đã thắng cử”, theo Guardian.

 Người biểu tình quá khích tìm cách tràn vào Điện Capitol ngày 6/1. Ảnh: AP.

Người biểu tình quá khích tìm cách tràn vào Điện Capitol ngày 6/1. Ảnh: AP.

Nhiều người trong đám đông chiếm đóng Điện Capitol có trang bị vũ khí. Đổ máu đã xảy ra. Theo cảnh sát Washington, cho tới nay, ít nhất 5 người đã thiệt mạng, trong đó có một sĩ quan cảnh sát Điện Capitol.

Báo Washington Post đưa tin xe cứu thương đã có mặt trên Đại lộ Độc lập, trước cổng Điện Capitol để đưa một người bị thương đến bệnh viện. Các sĩ quan cảnh sát cho biết nạn nhân là một "phụ nữ da trắng, bị bắn vào vai". Người này sau đó đã qua đời trong bệnh viện.

Ít giờ sau, cảnh sát trưởng thủ đô Washington Robert Conteec cho biết ba người khác đã tử vong “khi đang được cấp cứu”. Đến ngày 8/1, viên cảnh sát Điện Capitol được xác nhận qua đời trong bệnh viện sau khi bị trọng thương trong đêm hỗn loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Bên ngoài tòa nhà quốc hội, cả cảnh sát lẫn các phóng viên đều bị tấn công bởi người biểu tình. Lực lượng chức năng tìm thấy nhiều hóa chất vương vãi, bom xăng và súng trường nằm ngổn ngang trong sảnh Điện Capitol.

Đảng Cộng hòa bị chia rẽ

Tình trạng hỗn loạn đã được dự đoán từ trước, song ít người có thể tưởng tượng nổi mức độ nghiêm trọng của sự việc. Trong nhiều tuần trước phiên họp quốc hội vào ngày 6/1, Tổng thống Trump đã công khai kêu gọi các nghị sĩ của đảng Cộng hòa và những người ủng hộ ra mặt phản đối kết quả bầu cử.

Chiến dịch phủ quyết kết quả kiểm phiếu do tổng thống đương nhiệm khởi xướng đã khiến nội bộ đảng Cộng hòa lục đục. Sự rạn nứt này đã khiến đảng Cộng hòa mất cả hai ghế thượng nghị sĩ ở Georgia, giúp đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Thượng viện.

 Sự xào xáo của đảng Cộng hòa đã góp phần giúp đảng Dân chủ đại thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện bổ sung ở Georgia. Ảnh: Reuters.

Sự xào xáo của đảng Cộng hòa đã góp phần giúp đảng Dân chủ đại thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện bổ sung ở Georgia. Ảnh: Reuters.

Vào thời điểm những người biểu tình chiếm đóng Điện Capitol, các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đã chia làm hai phe: hoặc đứng về phía ông Trump, hoặc đứng về phía Hiến pháp.

Các nghị sĩ tận trung với tổng thống đương nhiệm ở lưỡng viện đã bỏ phiếu phản đối phiếu đại cử tri tại một số bang tranh chấp.

Trong khi đó, Phó tổng thống Mike Pence và Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell cùng nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đều muốn chấm dứt nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử mà ông Trump đã khởi xướng.

Ngay cả “phó tướng” thân cận của Tổng thống Trump là ông Pence còn tuyên bố rằng ông sẽ tuân theo Hiến pháp và không đơn phương thay đổi kết quả bầu cử. Động thái này được cho là một phần khiến ông Trump nổi cơn thịnh nộ, gián tiếp dẫn đến cuộc bạo loạn ở Điện Capitol.

 Phó tổng thống Pence công khai lập trường chống ông Trump sau khi bị chỉ trích dữ dội. Ảnh: Reuters.

Phó tổng thống Pence công khai lập trường chống ông Trump sau khi bị chỉ trích dữ dội. Ảnh: Reuters.

Khoảng một giờ trước khi tòa nhà quốc hội bị chiếm giữ, Tổng thống Trump nói với những người ủng hộ: “Chúng ta muốn tôn trọng tất thảy mọi người - kể cả những người xấu. Và chúng ta còn phải chiến đấu quyết liệt hơn nữa”.

Ông Trump đã khuyến khích cử tri ủng hộ mình tuần hành từ công viên Ellipse đến Điện Capitol để “cứu lấy nền dân chủ của chúng ta”. Tổng thống đương nhiệm thậm chí còn hứa sẽ đi cùng họ, song cuối cùng ông không tới.

Người đứng đầu Nhà Trắng kêu gọi đám đông hãy đến tòa nhà quốc hội một cách “ôn hòa và ái quốc”. Nhưng chỉ ít phút sau, những người biểu tình quá khích đã áp sát và tràn vào Điện Capitol, bất chấp sự chống trả của lực lượng bảo vệ.

Cùng lúc đó, Tổng thống Trump kịch liệt chỉ trích các nghị sĩ Cộng hòa không giúp ông lật ngược kết quả bầu cử là những người “nhu nhược” và thảm hại. Ông chỉ đích danh Phó tổng thống Pence trên Twitter: “Mike Pence không có đủ can đảm để làm những gì ông ấy đáng lẽ phải làm nhằm bảo vệ đất nước và Hiến pháp của chúng ta, qua đó giúp nước Mỹ chứng nhận sự thật thay vì những điều dối trá được trình bày trước đó. Nước Mỹ yêu cầu sự thật!".

Ông Trump vừa đấm vừa xoa

Vài giờ sau, khi những người biểu tình đã chiếm đóng Điện Capitol, ông Trump đăng tải một đoạn video lên Twitter, được nhận xét là có nội dung gây hấn thụ động.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm mở đầu bài nói của mình bằng cáo buộc vô cớ về gian lận bầu cử: "Tôi biết các bạn đang chịu nhiều tổn thương. Cuộc bầu cử của chúng ta đã bị đánh cắp. Kết quả là vô cùng cách biệt, mọi người đều biết điều đó, đặc biệt là những người ở bên kia chiến tuyến".

Sau đó người đứng đầu Nhà Trắng thúc giục cử tri ủng hộ mình ngưng kích động bạo lực ở tòa nhà Quốc hội: "Bây giờ, các bạn phải về nhà. Chúng ta phải tôn trọng luật pháp. Đây quả là một khoảng thời gian khó khăn. Chưa bao giờ họ có thể tước đoạt mọi thứ từ chúng ta như vậy".

 Video của ông Trump đã bị xóa vì "rủi ro kích động bạo lực". Ảnh: Chụp màn hình.

Video của ông Trump đã bị xóa vì "rủi ro kích động bạo lực". Ảnh: Chụp màn hình.

Khi màn đêm buông xuống ở thủ đô Washington, Tổng thống Trump tiếp tục động thái “vừa đấm vừa xoa” bằng bài đăng trên Twitter: “Những chuyện đang xảy ra là hệ quả từ việc một chiến thắng thiêng liêng và ngoạn mục bị tước đoạt một cách bất chính và tàn nhẫn khỏi những người yêu nước vĩ đại, vốn bị đối xử tàn tệ và bất công bấy lâu nay. Về nhà đi, về nhà trong tình yêu và sự bình yên. Hãy nhớ mãi ngày này!”.

Thông điệp này như dầu đổ vào lửa. Sức nóng tại thủ đô Washington tiếp tục được gia tăng. Pháo sáng rợp trời trước Điện Capitol. Cảnh sát và Vệ binh Quốc gia phong tỏa khu vực quanh tòa nhà quốc hội.

‘Mọi người ở đây đang phát điên”, một phụ nữ tên Kasey ở thủ đô Washington nói với Guardian. “Họ đã chứng kiến nhiều người tàn phá nước Mỹ tương tự như vậy. Tôi không nghĩ họ sẽ chịu ngồi yên đâu”.

Ông Trump đăng tải video trước khi bị khóa Twitter Khi người ủng hộ áp sát và chiếm đóng Điện Capitol hôm 6/1, Tổng thống Trump đã đăng tải một video lên Twitter kêu gọi người ủng hộ về nhà. Tài khoản này sau đó bị Twitter khóa.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-chua-tung-chung-kien-vu-bao-loan-nao-nhu-lan-nay-post1171134.html