Tôi cố gắng tìm kiếm những lát cắt giá trị trong vô vàn vấn đề tại tâm dịch
'Dịch bệnh bùng phát trong một bệnh viện tuyến đầu, lấy đi mạng sống của nhiều bệnh nhân vốn đã có bệnh nền từ trước. Đó cũng là thời điểm đầu tiên tôi chứng kiến sự khốc liệt của đại dịch...',
Đó là chia sẻ của nhà báo Bùi Ngọc Tân - Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến - Zing News khi chúng tôi cùng trò chuyện về tác phẩm “Hành trình chống dịch COVID-19 của Đà Nẵng” - vừa giúp anh cùng đồng nghiệp giành được giải C - Giải Báo chí Quốc gia 2020.
Tôi không nghĩ nhiều đến việc mình có thể bị nhiễm hay không
+ Anh từng có mặt ở nhiều điểm nóng, đặc biệt là tâm dịch Đà Nẵng hồi năm 2020. Nhớ lại quãng thời gian ấy, những trải nghiệm nghề nghiệp đọng lại là những gì, thưa anh?
- Năm 2020, tôi đến ổ dịch đầu tiên ở Việt Nam là xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ những kinh nghiệm tại tâm dịch Sơn Lôi, tôi được tòa soạn cử đến Đà Nẵng sau khi dịch bệnh bùng phát tại thành phố này. Thời điểm đó, Đà Nẵng là nơi đầu tiên trong cả nước chứng kiến một mật độ bệnh nhân trở nặng và tử vong nhiều. Dịch bệnh bùng phát trong một bệnh viện tuyến đầu, lấy đi mạng sống của nhiều bệnh nhân vốn đã có bệnh nền từ trước. Đó cũng là thời điểm đầu tiên tôi chứng kiến sự khốc liệt của đại dịch.
Tác nghiệp ở một vùng đất xa xôi không phải là trở ngại với tôi, thậm chí là ngược lại, tôi mong muốn được xa gia đình. Bởi ngày đi đến các ổ dịch, tối về gặp gỡ người thân là điều rất áp lực với một phóng viên. Chúng tôi được cơ quan trang bị kỹ năng tác nghiệp an toàn, được cung cấp đồ bảo hộ để tác nghiệp trong điều kiện tốt nhất, dù ở đâu lực lượng hậu cần của tòa soạn cũng cung cấp đồ bảo hộ đến tận nơi.
Nhà báo Bùi Ngọc Tân - Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến nhận giải C Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV.
Tác nghiệp ở Đà Nẵng, tôi cố gắng tìm kiếm những lát cắt giá trị trong vô vàn vấn đề tại tâm dịch, trong đó tôi tìm đến các nhân viên y tế Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng. Ghi lại những công việc hằng ngày, hằng giờ của họ, có thời điểm do số lượng bệnh nhân chuyển viện quá lớn, áp lực tăng, tôi muốn cho độc giả hình dung được những vất vả nguy hiểm của lực lượng này một cách chân thực nhất.
+ Và tiếp tục đến tháng 5 năm 2021 khi dịch bệnh tại TP.HCM bắt đầu bùng phát, anh lại tiếp tục hành trình tác nghiệp và đã ở tâm dịch tới hơn 4 tháng…
- Tôi vào TP.HCM ngày 1/6, lúc đó số ca còn ít, thành phố mới phong tỏa quận Gò Vấp, sau đó là Bình Tân, Hóc Môn..., các điểm bùng phát dịch phát triển dần đến lúc cả thành phố đều có dịch. Thời điểm đó tôi bắt đầu viết những phóng sự, cuộc sống sinh hoạt người dân vùng dịch, các lực lượng y bác sỹ, lực lượng chi viện hỗ trợ. Việc vô tình gặp F0 ở TP.HCM khi đó là điều khó tránh khỏi do mật độ F0 quá lớn. Đó là lý do tôi luôn đeo găng tay, khẩu trang và kính chống giọt bắn mỗi khi ra khỏi nhà. Luôn giữ khoảng cách với người khác. Khi đến những ổ dịch thì luôn mặc đồ bảo hộ cấp 4.
Những ngày tháng tác nghiệp giữa tâm dịch TP Hồ Chí Minh.
Những hình ảnh tôi chứng kiến mỗi ngày khiến tôi không nghĩ nhiều đến việc mình có thể bị nhiễm hay không, mà nghĩ nhiều đến những nhân vật, những số phận. Tôi đã chứng kiến những thời điểm người dân TP.HCM kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần, vì sau mỗi đợt giãn cách, lại có một đợt giãn cách khác, không hẹn hồi kết.
Tôi đi cùng các nhân viên y tế trên các xe cấp cứu để đến cứu chữa các bệnh nhân F0 đang gặp nguy hiểm, từ đó thấy được nỗi khổ của người dân và sự quá tải của y tế tuyến cơ sở. Tôi viết những phóng sự hiện trường với kỳ vọng công chúng sẽ nắm được thực trạng, từ đó ủng hộ những thay đổi cấp tiến trong chính sách chống dịch. Thực tế cho thấy TP.HCM đã vượt qua giai đoạn khốc liệt nhờ những thay đổi như chấp nhận cho F0 điều trị tại nhà, phát thuốc cho F0 hay tăng tốc tiêm vaccine…
Thứ tôi học hỏi được một cách sâu sắc là sự thử thách đạo đức người làm báo
+ Anh có nói rằng: “Tác nghiệp trong giai đoạn khó khăn, tôi được rèn luyện nhiều kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp khác, nhưng thứ mà tôi học hỏi được một cách sâu sắc là sự thử thách đạo đức người làm báo”. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
- Tôi đã chứng kiến câu chuyện của bác sỹ Huyền làm việc ở Bệnh viện Hùng Vương. Chồng chị mắc COVID-19 phải nhập viện tại một bệnh viện dã chiến khác, sau khi chồng chị mất, chị đã thỉnh cầu các y bác sỹ là những người đồng nghiệp ở bệnh viện dã chiến cho phép được nhìn chồng lần cuối. Tôi chứng kiến khoảnh khắc đó, khi mà người vợ mở thùng container, bước vào và mở túi xác ra, gặp chồng mình lần cuối. Đó là nỗi đau đớn tột cùng, nhưng cũng là cái đặc ân “kỳ lạ” chị có được, trong thời điểm rất nhiều người dân TP.HCM đã tiễn người thân vào bệnh viện, chờ đợi trong lo âu và kết quả nhận về một hũ tro cốt.
Nhà báo Bùi Ngọc Tân (ngoài cùng bên phải) tác nghiệp giữa tâm dịch TP. Hồ Chí Minh.
Tôi chọn chị Huyền làm nhân vật quan trọng trong bài ký sự của mình. Tin rằng sau khi đăng tải, bài viết đó sẽ làm cho mọi người thấu hiểu hơn những nỗi đau và hy sinh thầm lặng của các y bác sỹ. Họ làm việc không ngừng nghỉ, chứng kiến nhiều người mất và đôi khi cả người thân của mình nữa. Nhưng đến khi bản thảo hoàn thành, tôi nhận ra mình vẫn chưa thông báo cho chị Huyền biết rằng câu chuyện, hình ảnh của chị và chồng sẽ được đưa lên báo. Độc giả có thể tâm đắc với tác phẩm, nhưng nhân vật trong bài, vốn đã chịu nhiều tổn thương, có thể không muốn thấy thông tin cá nhân của mình bị chia sẻ.
Với một bản thảo gần như đã hoàn hảo, tôi biết rằng mình có thể bị “đổ bài”, “gãy bài” nếu chị Huyền từ chối lời đề nghị của tôi. Nhưng nguyên tắc mà, tôi vẫn phải nhấc điện thoại lên và ngỏ lời với chị ấy. Ở đầu dây bên kia, người phụ nữ mất chồng vẫn chưa hết đau buồn. Giọng chị mệt mỏi, nhưng đã cởi mở hơn khi nghe tôi nói lời đề nghị của mình. Chị ấy đã đồng ý đăng tải những hình ảnh, câu chuyện của mình lên báo, với mong muốn các đồng nghiệp ngành y của mình sẽ được đồng cảm, thấu hiểu nhiều hơn. Đó là một ví dụ về việc cân nhắc trước khi đăng tải một bài viết, tôi nghĩ làm báo không phải cứ thấy chi tiết hay là quay, chụp, viết thành bài… đó là thử thách về đạo đức, làm sao mọi thứ đều phải hài hòa và hợp lý nhất.
+ Thử thách trong các kỹ năng tác nghiệp, thử thách về đạo đức người làm báo… đều là bài toán không dễ, chắc hẳn anh cũng đã có những ngày tháng rèn giũa thực sự hiệu quả tại Zing News?
- Năm 2015, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi bắt đầu cộng tác tại Zing News. Thời điểm đó tòa soạn bắt đầu phát triển, nhiều nhà báo giỏi cũng gia nhập. Làm ở đây nửa năm thì tôi có giấy gọi đi bộ đội. Đến đầu 2018 thì xuất ngũ. Quãng thời gian trong quân ngũ, tôi vẫn cố gắng đọc nhiều sách báo để giữ thói quen trau dồi kiến thức. Ra quân, tôi trở lại Zing News tiếp tục công việc và là phóng viên chính thức từ tháng 5/2018 đến nay.
Từ môi trường này, tôi rèn được các kỹ năng, tạo ra những bài báo hấp dẫn, những bài viết đó không chỉ truyền tải thông tin mà còn là câu chuyện, góc nhìn. Tôi chuyên viết tin bài thời sự - xã hội, nhưng môi trường ở đây còn rèn luyện cho tôi khả năng chụp ảnh, kỹ năng làm video để đạt yêu cầu ngày càng cao, đồng thời chủ động hơn trong việc tác nghiệp, sản xuất tin bài.
Ngày các tác giả nhận Giải Báo chí Quốc gia cũng là ngày tôn vinh những tác phẩm ghi dấu ấn của phóng viên tại những hiện trường khốc liệt như thế. Ở đó không chỉ có công sức, mồ hôi, nước mắt và cả những mối nguy hiểm. Zing News được giải thưởng, tôi cũng tự hào khi được đóng góp một phần trong loạt bài. Đối với cá nhân tôi, vinh quang lớn nhất của người làm báo là nhận được sự ủng hộ, đón nhận từ bạn đọc, công chúng. Khi được ghi nhận thì vinh quang đó càng trọn vẹn hơn.
Vũ Phong (Thực hiện)