Tôi có phải kẻ ngốc chốn công sở khi chỉ biết cắm đầu vào làm việc?
Có không ít đồng nghiệp nói xấu sau lưng rằng tôi là 'đồ nịnh bợ'. Tôi chẳng quan tâm được nhiều đến thế, nhiệm vụ cấp trên giao cho, bạn dám không làm theo sao?
Dạo này tôi đang đọc cuốn 40 Sai no tame no korekara-jutsu của Matsura Yataro, trong đó có nhắc đến một biện pháp rất thú vị, đó chính là làm một bảng thống kê những sự việc lớn đã xảy ra trong cuộc đời mình, nhất là trong vòng 10 năm từ năm 31 tuổi cho đến năm 40 tuổi, hồi tưởng lại xem trong quá khứ đã xảy ra những chuyện gì, xảy ra vào lúc nào, gặp gỡ ai, có biến chuyển nào không.
Tôi thấy khá hay ho nên cũng thử viết xem thế nào. Từ năm 31 tuổi, tôi bước chân vào công ty này, đến năm 40 tuổi liền rời khỏi đó, bất giác đã 10 năm rồi. Tôi vào công ty năm 2010, hồi ấy tôi vừa mới cùng cấp trên trong công ty quảng cáo nhảy việc.
Mặc dù công ty mới cho tôi làm chức trưởng phòng phát triển. Nhưng khi cô bé phòng nhân sự lần đầu tiên gọi tôi là trưởng phòng, tôi đã đỏ mặt tới tận mang tai. Trước nay chưa có ai gọi tôi như thế cả, tôi cũng cho rằng, mình có được vị trí này là nhờ đã nắm bắt được một cơ hội tốt.
Chỉ là tôi may mắn gặp được một cấp trên giỏi giang, mà khi ấy, tôi vừa nhận ra đối với người ngoài 30 tuổi, tiền bạc quan trọng đến nhường nào, nên tôi đã có một cuộc đàm phán tạm coi là thành công với cấp trên.
Vì vậy, tôi đến công ty này như một lần được thăng chức, tăng lương. Tôi nhận thức sâu sắc rằng, từ trong xương cốt, tôi vẫn là một cây viết nho nhỏ vừa tự ti lại vừa thiếu tự tin, một biên tập viên tạp chí không hiểu biết chút nào về nhà đất.
[…]
Sau khi trải qua thời kỳ mở rộng khoảng 2 năm, công ty bắt đầu bước vào giai đoạn ổn định, các nhân viên bình thường và tầng lớp quản lý bắt đầu thay mới. Trong lịch sử có rất nhiều triều đại, sau khi chiếm được giang sơn đều không thể tránh khỏi việc phải bắt tay vào chỉnh đốn nội bộ triều đình. Công ty cũng thế.
Mà thời điểm này, các tướng lĩnh và đại thần cũ nếu bắt đầu có thái độ kiêu ngạo vì lập được chiến công, hoặc bắt đầu lười biếng, giậm chân tại chỗ, đều sẽ trở thành những phiền toái trong việc quản lý doanh nghiệp. Trong quản lý doanh nghiệp, nhân viên cũ là khó trị nhất, và cũng khó sắp xếp nhất.
Việc “thay máu” hàng loạt, tước đoạt “binh quyền” là chuyện thường thấy. Cuối cùng đến một ngày, “Bát Đại Kim Cang” giải tán, công ty bước vào thời đại quyền lực tập trung về một mối. Sau khi trải qua giai đoạn mở rộng chiêu mộ người tài, công ty bắt đầu thay đổi góc nhìn, từ việc tìm kiếm nhân tài từ bên ngoài chuyển sang bồi dưỡng nhân tài trong nội bộ.
Lúc này, mùa xuân của các nhân viên trong công ty đã đến rồi đây. Trên đây là phần tổng kết tôi viết ra theo góc độ của một người từng trải. Bởi vì tôi của khi đó chỉ là một kẻ ngốc chốn công sở, vốn không hiểu được những thứ này, chỉ biết cắm đầu vào làm việc, muốn đi theo lãnh đạo để kiếm miếng cơm manh áo.
Tiếc rằng, ở chốn công sở, nhiều khi cấp trên cũng không trông cậy gì được. Vào làm ở công ty mới chưa được nửa năm, có lẽ cấp trên của tôi không thể theo kịp tiến độ làm việc của công ty nên đã xin thôi việc, đi du học nước ngoài, bỏ lại tôi một mình phấn đấu. May mà công ty thu hút được người tài, tuyển một nữ tổng giám đốc mới. Khi đó, trong nội bộ tập đoàn đấu đá rất gay gắt.
Tập thể nào cũng sẽ phát sinh những mâu thuẫn như vậy, người mới đến nhậm chức lại càng không được sống yên ổn. Nguyên nhân không được sống yên ổn là vì cứ tưởng có một vị trí bỏ trống, nhân viên cũ có cơ hội được thăng chức, bây giờ lại có một người mới đến đoạt mất cơ hội thăng chức của nhân viên cũ, chuyện này dễ khiến họ cảm thấy phẫn nộ.
Sự xuất hiện của vị tổng giám đốc nữ này gây nên một phen sóng gió. Phó tổng giám đốc vốn đang đợi được thăng chức mặt mày biến sắc, liên tục chống đối và xa lánh nữ tổng giám đốc mới kia. Khi đó, tôi làm việc dưới quyền một phó tổng giám đốc khác, cũng chính là người cấp trên có ý định đi du học mà tôi nhắc đến.
Nữ tổng giám đốc không có binh tướng nào trong tay, bèn điều động tôi làm trợ thủ đi theo cô ấy. Tôi thấp cổ bé họng, lại cộng thêm khi ấy thiếu tự tin, nếu nữ tổng giám đốc tạo cơ hội dìu dắt để tôi học hỏi, đương nhiên tôi vui lắm. Vì thế mà có không ít đồng nghiệp đều nói xấu sau lưng rằng tôi là “đồ nịnh bợ”.
Tôi chẳng quan tâm được nhiều đến thế, nhiệm vụ cấp trên giao cho, bạn dám không làm theo sao? Bản thân tôi trời sinh đã hiếu thắng, luôn muốn hoàn thành tốt công việc của mình. Cứ thế, điều mà tôi nhận lại được chính là vào làm một năm mà được tăng lương 3 lần, đạt được giải thưởng nhân viên xuất sắc của năm.
Tất cả nhân viên mới vào làm chỉ có hai người được chọn, tôi là một trong hai người đó. Điểm đánh giá hiệu suất làm việc cuối năm là 110 điểm, tối đa. Đương nhiên, cái giá phải trả chính là bị vị phó tổng giám đốc kia hận tới thấu xương, về sau còn bị trù dập suốt cả một năm trời.
Đã được nếm mùi thế nào là đấu đá nội bộ, cũng chứng kiến được một số “trò mèo”, nhưng những điều đó đều không thể đánh tan được khao khát muốn học hỏi trong tôi.
Khi đó, đối với tôi cái gì cũng mới mẻ, tôi giống như một miếng mút hoàn toàn khô ráo vậy. Vào làm việc được một năm, tôi đã làm được rất nhiều điều, ví dụ như, phụ trách công tác đào tạo bồi dưỡng cho khoảng 500 nhân viên của 6 công ty, ra được 3 cuốn tạp chí nội bộ, đạt được giải thưởng tờ báo nội bộ ngành bất động sản hay nhất, còn nhận được 3 dự án, đồng thời kiêm nhiệm chức trợ lý sai vặt cho tổng giám đốc.
Tất cả việc tôi làm khi đó đều chỉ vì một mục đích, đó chính là mong sao công ty này có thể tiếp tục tồn tại, có thể học hỏi được nhiều điều, tăng thêm lòng tự tin, xứng với danh hiệu “trưởng phòng”.