Tôi đã từ bỏ thói quen hô to: 'Đổ đầy bình xăng'

Thay cho 'đổ đầy bình' là rón rén nói với nhân viên cây xăng đổ 50.000 đồng.

Theo nhiều hướng dẫn trôi nổi, chằng biết có đúng không, nhưng rất nhiều người áp dụng là đừng nên đổ tròn số khi đổ xăng tại các cây xăng. Thay vào đó, họ sẽ nói "đổ đầy bình" vừa nhanh và đầy đủ ý. Lại cũng không lo hành động gian lận gì đó mà dân chúng hay đồn thổi.

Tôi để ý xung quanh, không chỉ mình tôi, rất nhiều - thậm chí là đa số - đều có thói quen hô khẩu hiệu "đổ đầy bình" khi vào cây xăng. Nó trở thành câu nói mà bất kỳ ai cũng có thể nói ra dù từ đứa trẻ mới biết chạy xe máy đến doanh nhân thành đạt chạy ô tô.

Nhưng tất cả chỉ còn ở quá khứ khi mà lúc đó tôi có thể kiếm được số tiền kha khá trong một tháng và giá xăng chưa phải là quá cao.

Vậy mà. Mọi thứ ở thời điểm hiện tại đều đã rất khác. Giờ đây, giá xăng tăng phi mã. Mặt báo liên tục xuất hiện cụm từ "giá xăng tăng kỷ lục". Thứ kỷ lục mà chẳng một người dân nào vừa mới thoát khỏi cơn bĩ cực lại mong muốn nghe. Trước các đợt điều chỉnh giá xăng tăng liên tục thì chỉ cần đổ 50.000 đồng đã đầy bình, giờ muốn đầy phải trả hơn 80.000 -85.000 đồng. Chênh lệch bằng đúng một đĩa cơm trưa văn phòng.

Còn nhớ cách đây chưa đầy 3 tháng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng triệu người đã bị giảm thu nhập, mất việc làm. Cũng chừng ấy con người đã phải vét sạch quỹ tiết kiệm sau bao năm tháng vất vả đi làm để chi trả cho cái ăn thường ngày.

Tất cả chúng ta chỉ chớm tươi sáng hơn sau chuỗi tháng ngày khó khăn do ảnh hưởng của làn sóng thứ 4 Covid-19. Việc làm còn bấp bênh, thu nhập cũng chưa ổn định trở lại. Bao nhiêu thứ còn phải lo, hàng trăm thứ tiền đè lên đầu.

Cha mẹ sau mấy tháng không thể đi khám bệnh do dịch thì giờ phải dẫn đi ngay bởi đã lỡ lịch tái khám quá lâu. Mấy đứa em trở lại trường học trực tiếp thì bao nhiêu thứ tiền ập đến. Người đi làm văn phòng cũng bắt đầu chi tiêu nhiều hơn với đồng nghiệp. Người buôn bán hàng rong đi bán trở lại nhưng được mấy kẻ mua đâu do ai cũng tằn tiện.

Thế mà giờ thêm khoản tiền xăng. Nhà xa, không đổ xăng thì đi làm bằng gì. Chợ đầu mối ở xa, không đổ xăng thì lấy hàng kiểu gì. Xăng trở thành huyết mạch của nền kinh tế. Nếu ví nó như máu chưa đầy oxy từ tim đi nuôi cơ thể thì máu này đang vướng các huyết khối. Người dân là các tế bào của xã hội đang rất khó khăn để tiếp nhận chúng và tái tạo chúng thành các sản phẩm cống hiến ngược lại cho xã hội.

Điều sợ hãi nhất của một nền kinh tế là tất cả người tiêu dùng hay người dân trong nó thu hẹp, bó kín, cách biệt bản thân với xã hội. Dòng tiền không thể nào lưu thông nếu tất cả đều kín cửa đóng then.

"Cách ly xăng" sẽ là hiện thực không còn xa nữa nếu tình hình xăng tiếp tục tăng như thế này. Tôi có thể xin làm tại nhà vì thu không đủ bù chi. Và nhiều người khác cũng nghĩ tới việc chọn một phương tiện khác để di chuyển hoặc quyết định cắt giảm mạnh chi tiêu để ưu tiên cho xăng.

Nếu tất cả mọi người đều quyết định giảm chi những thứ khác để dành đổ xăng hoặc ngược lại thì nền kinh tế ắt sẽ mất cân bằng. Nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời, chi phí sinh hoạt, mua bán hằng ngày sẽ bị cộng thêm khoản chi phí do giá xăng tăng, người dân tiếp tục rơi vào cảnh kiệt quệ.

Đừng để "Đổ đầy bình xăng" trở thành câu nói xa xỉ nữa. Chỉ có đổ đầy bình xăng thì nền kinh tế mới mong hồi phục nhanh và mạnh mẽ sau đại dịch.

(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tu-van-tai-chinh/tu-bo-thoi-quen-ho-to-do-day-binh-xang-820532.html