Tôi đến Kenya xem báo xẻ mồi trên cây

Được xem cảnh thú săn mồi và hiểu hơn về tập tính của các loài động vật, tôi cảm thấy khám phá thiên đường động vật hoang dã Masai Mara (Kenya) đáng giá từng xu.

Những con sư tử đang tận hưởng thành quả của mình sau một buổi đi săn.

Những con sư tử đang tận hưởng thành quả của mình sau một buổi đi săn.

Thường xem các series phim về động vật của Netflix và đặc biệt là phim Vua Sư Tử từ bản hoạt hình cho đến điện ảnh, tôi thầm nghĩ ít nhất phải có một lần đến Kenya. Đây chính là nguồn cảm hứng cho những thước phim động vật sống động.

Tôi là Bùi Xuân Việt, sống và làm việc tại Đồng Nai. Cuối tháng 11, tôi chi hơn 100 triệu đồng cho chuyến du lịch tới châu Phi với mong muốn có được một bộ sưu tập ảnh "để đời" tại những địa điểm đẹp nhất thế giới. Đặc biệt, thiên đường của chụp ảnh động vật hoang dã tại vườn quốc gia Masai Mara (phía tây Kenya) là nơi tôi dành nhiều thời gian khám phá.

Chuyến đi để đời

Tôi chưa từng đến nơi nào có hệ độnng vật phong phú và bảo tồn tốt như Masai Mara. Với diện tích khoảng 1.510 km2, đây là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật hoang dã, trong đó có các loài “big five” (ngũ đại động vật, chỉ loài động vật hoang dã lớn) như sư tử, voi, trâu, báo, tê giác. Ngoài ra, Masai Mara còn là "thiên đường" của 450 loài chim, nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm và các hệ sinh thái đa dạng khác.

Chuyến đi đặc biệt này tôi tự lên kế hoạch và thuê hướng dẫn của vườn quốc gia cùng đi kèm trong suốt hành trình. Masai Mara rất rộng, nhiều loài thú săn mồi, vì vậy hướng dẫn viên sẽ chịu trách nhiệm chỉ dẫn về địa hình, tập tính và lãnh địa của các loài thú, giúp ích rất nhiều cho quá trình thăm thú, khám phá của tôi tại công viên.

Là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật hoang dã, vườn quốc gia quy định khách không rời khỏi xe trong các chuyến ngắm thú hoang dã để đảm bảo an toàn.

Là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật hoang dã, vườn quốc gia quy định khách không rời khỏi xe trong các chuyến ngắm thú hoang dã để đảm bảo an toàn.

Masai Mara còn là "thiên đường" của 450 loài chim. Rất khó tôi mới có thể bắt được những cảnh động và nhanh như chim đang săn mồi.

Masai Mara còn là "thiên đường" của 450 loài chim. Rất khó tôi mới có thể bắt được những cảnh động và nhanh như chim đang săn mồi.

Tôi đặt mục tiêu cho chuyến đi là có thể gặp được “big five”, song kết quả lại vượt kỳ vọng bởi "săn" được nhiều khoảnh khắc hiếm có. Dĩ nhiên, quá trình bắt được những khoảnh khắc đẹp không hề dễ dàng.

Điều khó khăn đầu tiên khi "tác nghiệp" tại đây là gặp được dàn động vật hoang dã. Bởi vườn quốc gia rất rộng, động vật được tha tự do, không phải lúc nào chúng cũng có mặt trước ống kính. May mắn là trong hành trình này tôi gặp đủ "Big Five" và có những shot hình ưng ý.

Cái khó thứ 2 là bắt khoảnh khắc. Có những động vật rất nhanh như cảnh đại bàng gắp mồi, những con linh dương chạy thoáng qua,... Khó khăn này chỉ có thể khắc phục bằng kinh nghiệm chụp và thiết bị càng tốt sẽ càng nâng cao tỉ lệ bắt đúng khoảnh khắc.

 Một con sư tử uống nước. Đây cũng là một trong những "khó săn" bởi loài này thường chỉ uống nước khoảng một, hai lần mỗi tuần, chủ yếu chúng nhận lượng nước từ con mồi.

Một con sư tử uống nước. Đây cũng là một trong những "khó săn" bởi loài này thường chỉ uống nước khoảng một, hai lần mỗi tuần, chủ yếu chúng nhận lượng nước từ con mồi.

Có những thời điểm tôi dành cả tiếng chỉ để canh hai mẹ con báo Leopard uống nước. Nhờ có hướng dẫn viên của vườn quốc gia, tôi nắm được thông tin báo Leopard đang có mặt tại lãnh địa của nó và rất có thể con vật sẽ ra mép nước vào buổi trưa. Để gặp được báo mẹ Leopard và con, tôi ngồi canh khu vực gần đó khoảng một giờ và rất vui vì cuối cùng con báo cũng xuất hiện.

Cũng có những lúc chúng tôi gặp được các vị "khách không mời". Chẳng hạn như buổi trưa, tôi cùng đoàn hướng dẫn tìm một nơi cao, trống trải và đủ an toàn để ăn uống, tạm nghỉ ngơi. Giữa bữa, bất ngờ xuất hiện kền kền và nhiều loài chim khác sà xuống xin ăn. Lần đầu được nhiều loài chim hoang dã quây xung quanh, tôi cảm thấy rất thú vị và hào hứng.

 Chó rừng lưng đen chạy theo con chim.

Chó rừng lưng đen chạy theo con chim.

Nín thở xem báo xẻ mồi trên cây

17h, tôi không còn nhiều hy vọng chụp một bức thật "đắt" về loài báo Leopard. Tuy nhiên, lúc đang di chuyển ra khỏi công viên Masai Mara, tôi nhận được tin con báo đang gặm nhấm "chiến lợi phẩm" sau khi đi săn về.

Chúng tôi quyết định quay xe, lái tới nơi mất khoảng 20 phút đi đường offroad (con đường có địa hình phức tạp, gồ ghề) và may mắn chụp được khoảnh khắc báo hoa mai đang xẻ mồi trên cây. Loài báo mang vẻ đẹp đầy sức mạnh cũng là loài khó chụp nhất bởi chúng là loài ngụy trang, ẩn nấp rất kỹ.

Để chụp được cảnh báo hoa mai xẻ mồi trên cây tôi mất rất nhiều công sức.

Để chụp được cảnh báo hoa mai xẻ mồi trên cây tôi mất rất nhiều công sức.

Hơn nữa báo hoa mai còn có thói quen mang "chiến lợi phẩm" lên cây để từ từ nhấm nháp. Đây là một trong những chiến lược quan trọng giúp con vật sinh tồn trong môi trường hoang dã, nơi thường xuyên có sự cạnh tranh với các loài săn mồi khác hoặc tránh được những kẻ chuyên ăn xác thối như kền kền hoặc chó rừng.

Những con mồi lớn sẽ là nguồn dự trữ đủ để báo hoa mai ăn trong vài ngày. Điều này giúp chúng tiết kiệm năng lượng, tránh phải săn mồi liên tục trong môi trường khắc nghiệt.

 Đại bàng và trăng là bức ảnh tôi tâm đắc nhất.

Đại bàng và trăng là bức ảnh tôi tâm đắc nhất.

Ngoài cảnh báo xẻ mồi trên cây, bức ảnh tôi tâm đắc nhất là cảnh đại bàng và trăng bởi để bắt được khoảnh khắc này rất khó. Lúc đó, tôi đang ở trên thuyền giữa hồ, không tiện di chuyển để bắt góc mà chỉ lia máy lên và chụp. Nhưng khoảnh khắc chớp nhoáng ấy lại tạo nên tác phẩm khiến tôi ưng ý nhất.

Đến đây, tôi còn đặc biệt ấn tượng về loài báo Cheetah và thích thú khi gặp một bầy đang ngủ say. Tôi tiến lại gần chụp ảnh nhưng chúng không hề quan tâm vẫn chìm sâu vào giấc ngủ. Loài này thường bị nhầm với báo hoa mai nhưng có thể phân biệt được nhờ vệt đen kéo dài trên mặt. Khi săn mồi, chúng có thể chạy với vận tốc 100 km/h trong quãng ngắn.

 Báo Cheetah dễ bị nhầm lẫn với báo hoa mai. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa chúng là trên mặt báo Cheetah có một vệt đen như dòng nước mắt chảy xuống.

Báo Cheetah dễ bị nhầm lẫn với báo hoa mai. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa chúng là trên mặt báo Cheetah có một vệt đen như dòng nước mắt chảy xuống.

Nhờ chuyến đi tôi biết thêm kiến thức về linh cẩu. Chúng thuộc họ mèo, không phải là chó. Trừ một loại duy nhất sống theo đàn lớn, còn lại chủ yếu sống đơn lẻ hoặc gia đình nhỏ.

Hôm ấy, tôi thấy một con linh cẩu đứng giữa hồ, tiếp theo xuất hiện thêm một vài con khác cùng tụ lại một điểm. Sau nhiều phút quan sát, tôi phát hiện ra chúng đang "mở pool party" khi chia nhau xác một con hà mã.

Đàn linh cẩu đang "mở pool party" chia nhau xác một con hà mã giữa hồ nước.

Đàn linh cẩu đang "mở pool party" chia nhau xác một con hà mã giữa hồ nước.

Chuyến đi này tôi dành 3 ngày để di chuyến giữa các điểm và có 4 ngày dành toàn bộ thời gian trong các khu bảo tồn để "săn" ảnh động vật.

Với tôi đây là chuyến du lịch thành công và thỏa mãn nhất. Bởi tại đây, tôi đã khám phá rất nhiều điều thú vị cũng như bắt được nhiều cảnh tượng "đắt giá". Chắn chắn, tôi sẽ quay lại đây vào mua thú di cư để thu thập thêm vào bộ sưu tập của mình nhiều khoảnh khắc tuyệt vời từ động vật hoang dã.

Quỳnh Trang (Ghi)

Ảnh: Bùi Xuân Việt

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/toi-den-kenya-xem-bao-xe-moi-tren-cay-post1517455.html