Tội đồ của thành phố tương lai...

Nay phá vỡ quy hoạch chỗ này, mai điều chỉnh quy hoạch chỗ kia, ai sẽ là tội đồ của thành phố?

Tắc đường ở Hà Nội.

Tắc đường ở Hà Nội.

1. TP.HCM ngày hè thật khó chịu. Chỉ mới 7h sáng, tôi cùng đồng nghiệp chạy xe máy trên phố đã cảm thấy thật khó thở. Những khi dừng đèn đỏ, hơi nóng hầm hập tỏa ra từ những chiếc xe máy, ô tô khiến người tỉnh lẻ như tôi vô cùng bức bối. Bạn tôi buộc phải tạt vào một quán nhỏ ven đường mua giúp chiếc khẩu trang...

Thành phố ngột ngạt hơn vào giờ tan tầm. Người người túa ra từ những cao ốc, rồi lại đổ về những chung cư. Cuộc sống đẩy người ta di chuyển từ chiếc hộp này tới chiếc hộp kia. Đông cứng.

Một ngày phơi nắng mệt lử, thấy tôi không quen, người đồng nghiệp chỉ cười. Ở đây quen vậy rồi, chỉ tắc đường thôi, chứ còn mưa, triều cường, một số nơi ngập mới ngán.

Sợ hơn khi mỗi ngày đều phải hít một lượng khí thải vào người, để rồi chỉ biết cam chịu không gian sống này như chuyện bình thường.

Sợ nữa là gặp tai nạn, người ốm mà xe cứu thương khó khăn lắm mới có thể tiếp cận. Khó nữa là mỗi khi cháy nhà, xe cứu hỏa không kịp đến, đến rồi khó có thể vào những con hẻm nhỏ xe không thể chui lọt...

Đô thị càng lớn, lượng người đổ về định cư lập nghiệp càng nhiều. TP.HCM hay cả Hà Nội dường như chật chội ở mọi nơi, mọi ngóc ngách. Bức bí khiến người ta thậm chí không thể nhường nhau một chút để giải tỏa một búi ùn tắc. Chất lượng cuộc sống vì thế giảm là điều tất nhiên.

2. Tôi sống ở phố núi Gia Lai. Thành phố nơi tôi đang sống đang chuyển mình từng ngày. Những căn nhà cao ốc, những khu đô thị sầm uất dần mọc lên làm đổi thay diện mạo thành phố. Những căn nhà san sát, những chiếc ô tô đỗ ngoài đường ngày càng nhiều khiến khu trung tâm dần chật hẹp.

Đường phố nơi tôi đang sống, cách đây 5 năm chưa bao giờ xảy ra kẹt xe. Nhưng giờ đây đã bắt đầu xuất hiện những đoàn ùn dài cả km vào buổi sáng tại các đèn đỏ. Những con đường bắt đầu “chật” chội hơn mỗi sáng sớm ấy làm trong lòng người chờ đèn đỏ luôn cảm thấy bất an...

Cũng ở Thành phố này, thời gian qua, báo chí đã có nhiều bài viết liên quan đến vụ sai phạm gây phá vỡ quy hoạch đô thị. Hàng loạt cán bộ lãnh đạo TP. Pleiku, ngành TN&MT đã bị kỷ luật, hậu quả để lại rất nặng nề. Một địa phương nhỏ như TP. Pleiku nhưng có tới 1.523 thửa đất tách không đúng quy định để phân lô, bán nền với 21 vị trí tại 10 phường, xã trên diện tích 33 ha.

Không chỉ ở Gia Lai, ở khắp các đô thị trên đất nước của chúng ta đang có những guồng xoáy phân lô, tách thửa để bán nền vượt ra ngoài quy hoạch. Hẳn chẳng có đô thị thông minh nào được hình thành nếu các địa phương lỏng lẻo trong quản lý...

3. Mới đây, tại nghị trường Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị (2013 - 2018).

Báo cáo cho biết, hiện cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ một đến 6 lần, có dự án tới 9 lần. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại... làm tăng mật độ dân số, gây hệ lụy về hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Hiện tượng tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội, TP.HCM là dẫn chứng điển hình cho sự thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa quy hoạch xây dựng đô thị với hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt 9%, tỷ lệ đất bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị dưới 1%...

Đại biểu QH Đinh Duy Vượt cho rằng quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như tăng số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng rồi giảm diện tích cây xanh, đồng thời các khu tái định cư cho dân lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng công trình là thấp nhất. Điều này đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước, hệ thống thải v.v...

Đất nước chúng ta ngày một phát triển đồng nghĩa với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Hoàn thiện và tuân thủ quy hoạch ở các đô thị và cả ở nông thôn phải được thực thi như một việc làm cấp bách. Bởi chất lượng cuộc sống cho người dân phải được bảo vệ ngay hôm nay và gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

Chỉ cần nhìn thực tại sẽ thấy được viễn cảnh tương lai.

Đừng quy hoạch và tranh thủ phá vỡ quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ để rồi sau này trở thành tội đồ của thành phố.

Tạ Vĩnh Yên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/toi-do-cua-thanh-pho-tuong-lai-d424626.html