Ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt ngày 4/10/2021.
Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình đã góp phần làm thay đổi diện mạo các xóm, bản vùng cao trên địa bàn tỉnh khi tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; giải quyết nhu cầu cấp thiết về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tạo sinh kế cho đồng bào DTTS; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, xây dựng thiết thế văn hóa thôn, xóm...
Hiệu quả thiết thực
Gặp ông Hà Đức Tấn, ngoài 80 tuổi, người dân tộc Dao ở khu Bến Thân, xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, hỏi về chuyện cây cầu Suối Cái mới được đưa vào sử dụng ở địa phương, ông hào hứng kể: “Sáng 24/5, tôi thức dậy sớm hơn mọi ngày để sửa soạn trang phục xuống khu trung tâm xã mừng ngày khánh thành cây cầu mới. Những năm trước, mỗi khi có mưa lớn nơi thượng nguồn là dòng suối Thân chảy qua đập tràn Suối Cái lại dâng cao, chảy xiết. Không thể qua lại, người dân bị cô lập với bên ngoài. Người ốm đau không được đưa đi chữa trị kịp thời. Hàng hóa không lưu thông. Đời sống Nhân dân hết sức khó khăn... Nay được Nhà nước đầu tư xây dựng cho cây cầu này, đồng bào ở đây vui lắm”.
Ông Tấn chia sẻ thêm: “Cả tháng trước đó, từ khu trung tâm đến các bản cao, người dân chúng tôi hăng say luyện tập các tiết mục văn nghệ để biểu diễn mừng cầu mới. Chúng tôi ơn Đảng, Chính phủ đã tạo điều kiện để người dân được đi lại thuận tiện, các cháu học sinh đến trường không phải lo lắng mỗi khi mưa lũ về”.
Có đến 80% số dân là đồng bào DTTS, thực hiện Chương trình, huyện Tân Sơn được đầu tư 73 dự án hạ tầng thiết yếu gồm: Đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thủy lợi, nhà văn hóa ở 17 xã đặc biệt khó khăn, khu vực 2, khu vực 1 với tổng vốn đầu tư gần 89 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Toản- Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: Giai đoạn 2021-2023, Chương trình đã đầu tư và đưa vào khai thác 31 công trình gồm: 19 công trình đường giao thông nông thôn, 9 công trình nhà văn hóa và 2 tràn qua suối, một hệ thống kênh mương nội đồng. Các công trình được đầu tư đồng bộ góp phần phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, trong hai năm 2022 và 2023, toàn tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng 123 công trình giao thông, 8 công trình thủy lợi, 26 công trình trường học; 4 công trình y tế và một số công trình khác cho các xã, thôn thuộc khu vực miền núi, đặc biệt khó khăn. Các công trình hạ tầng được đầu tư đã tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn miền núi, tạo cơ sở quan trọng để hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng DTTS và miền núi giảm 2%.
Nhờ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, ưu tiên các vùng khó, đến nay, cơ sở hạ tầng vùng DTTS được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong độ tuổi có việc làm, thu nhập ổn định. Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, cứng hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân và hàng hóa được lưu thông. Các công trình phúc lợi khác được cải tạo, làm mới.
Cơ sở hạ tầng, chất lượng giáo dục được củng cố và nâng cao, đảm bảo tiêu chuẩn giảng dạy và học tập của học sinh. Cơ sở y tế làm tốt công tác thường trực cấp cứu, chăm sóc bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân. Công tác thông tin tuyên truyền được đặc biệt quan tâm. Văn hóa, thể thao phát triển rộng khắp.
Hàng năm tỷ lệ khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa, gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa ngày càng tăng. Các di tích, di sản văn hóa được bảo tồn, phát triển gắn với du lịch, tạo nền tảng bền vững cho phát triển giá trị văn hóa truyền thống...
Phấn đấu đạt mục tiêu đề ra
Cùng với những thành tích quan trọng, sau hơn 3 năm triển khai Chương trình, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ giải ngân đối với nguồn vốn sự nghiệp còn thấp. Một số dự án, tiểu dự án còn hạn chế ở khâu tổ chức thực hiện, một số quy định về định mức hỗ trợ còn thấp, đối tượng quy định còn hạn chế... Hiện tại, công tác triển khai thực hiện Dự án 1 ở một số đơn vị còn chậm dù cơ chế hướng dẫn đã ban hành đầy đủ. Đến thời điểm hiện nay, chưa giải ngân được nguồn vốn sự nghiệp.
Công tác tuyên truyền, truyền thông về các nội dung hỗ trợ của Dự án còn hạn chế; một bộ phận cán bộ thực thi chính sách ở cấp xã, khu dân cư chưa nắm được cụ thể các nội dung hỗ trợ; một bộ phận người dân chưa nắm vững được quyền lợi của bản thân đối với các nội dung hỗ trợ của Dự án. Vẫn còn tình trạng bỏ sót việc rà soát đối tượng thụ hưởng do cách hiểu chưa đúng về đối tượng hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ của các nội dung thuộc Dự án... Việc huy động nguồn lực xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn...
Năm 2024, tỉnh Phú Thọ sẽ có gần 470 tỷ đồng từ các nguồn vốn để thực hiện Chương trình. Trong đó, sử dụng vốn theo kế hoạch năm 2024 và vốn kế hoạch năm 2022, 2023 kéo dài. Mục tiêu đặt ra trong năm nay là: 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; trên 96% đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường; 99,3% học sinh đi học đúng tuổi ở cấp tiểu học, 99,2% ở cấp trung học cơ sở và 98% ở cấp trung học phổ thông, 99% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông; phấn đấu có trên 45% lao động là người DTTS trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện; 74,9% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 38,2% thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng...
Đồng chí Cầm Hà Chung - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Chương trình với 10 dự án thành phần giúp giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, ổn định dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào, hướng đến mục tiêu từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Với ý nghĩa to lớn đó, ngay từ khi triển khai, Chương trình luôn nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai đã phát huy hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đối tượng.
Để đạt mục tiêu đã đề ra, trước tiên cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của người dân. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chủ trì, tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo tham mưu triển khai thực hiện về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG.
Đồng thời rà soát đối tượng thụ hưởng thuộc các dự án, tiểu dự án, xác định kinh phí, đề xuất phương án, tham mưu HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; trình Chính phủ cho phép tỉnh Phú Thọ điều chỉnh mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS từ 2% xuống còn 1,2% để phù hợp với thực tiễn của tỉnh khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Có thể thấy, sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, làm thay đổi diện mạo những nơi còn nhiều khó khăn cho đồng bào DTTS trên địa bàn. Đây sẽ nền tảng để tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/uu-tien-dau-tu-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-215080.htm