'Tôi hoảng hồn khi nghĩ tới việc có con'

Nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với tình trạng dân số tăng trưởng trì trệ và tỷ lệ sinh giảm sút. Đây là hiện tượng chưa từng được ghi nhận trong lịch sử.

Chẳng mấy chốc, đám tang sẽ nhiều hơn sinh nhật và những ngôi nhà trống vắng sẽ là cảnh tượng phổ biến, New York Times nhận xét.

Tại Italy, các khu sản phụ ngừng hoạt động. Những thành phố ma xuất hiện ở đông bắc Trung Quốc. Các trường đại học ở Hàn Quốc không thể tìm đủ sinh viên. Hàng trăm nghìn khu bất động sản ở Đức bị san bằng và biến thành công viên.

Ngoài một số nơi như châu Phi, tỷ lệ sinh ở phần lớn các nước đang giảm mạnh. Các chuyên gia nhân khẩu học cho rằng vào nửa sau thế kỷ hoặc sớm hơn, dân số toàn cầu sẽ lần đầu tiên trên đà tuột dốc.

Mặt khác, một hành tinh ít người hơn có thể giảm thiểu áp lực về tài nguyên, làm chậm tác động của biến đổi khí hậu và giảm gánh nặng gia đình cho phụ nữ.

 Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đạt mức thấp nhất trong các nước phát triển. Ảnh: Reuters.

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đạt mức thấp nhất trong các nước phát triển. Ảnh: Reuters.

"Sự im lặng và trống rỗng"

Thế kỷ 20 đưa ra một thách thức rất khác. Dân số toàn cầu đã chứng kiến sự gia tăng lớn nhất trong lịch sử, từ 1,6 tỷ người vào năm 1900 tới 6 tỷ người vào năm 2000, khi tuổi thọ kéo dài và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm.

Ở một số quốc gia, sự tăng trưởng vẫn tiếp diễn. Vào cuối thế kỷ này, dân số Nigeria ước tính có thể vượt Trung Quốc. Trên khắp các nước châu Phi cận sa mạc Sahara, mỗi gia đình có 4 hoặc 5 con.

Nhưng gần như ở mọi nơi khác, kỷ nguyên của mức sinh cao đang kết thúc. Phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục giới tính và các biện pháp tránh thai, cùng nỗi lo ngày càng lớn về việc có con khiến nhiều gia đình trì hoãn việc mang thai và sinh nở.

Ngay cả ở những quốc gia gắn liền với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh như Ấn Độ và Mexico, tỷ lệ sinh đang giảm xuống 2,1 con mỗi gia đình.

 Đất nước đông dân như Ấn Độ cũng đối mặt với tình trạng giảm mức sinh. Ảnh: New York Times.

Đất nước đông dân như Ấn Độ cũng đối mặt với tình trạng giảm mức sinh. Ảnh: New York Times.

Vào năm 2019, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục với 0,92 đứa trẻ cho mỗi phụ nữ - thấp nhất trong các nước phát triển. Trong 59 tháng qua tại xứ sở kim chi, tỷ lệ sinh mỗi tháng lại giảm xuống mức kỷ lục mới.

Với mức sinh đó, các bà mẹ tương lai ở nhiều khu vực không còn tìm được bác sĩ sản khoa hoặc trung tâm chăm sóc sau sinh.

Khi số người trẻ ngày càng giảm, các trường đại học không danh tiếng, đặc biệt là bên ngoài Seoul, liên tục gặp khó khăn trong việc tuyển sinh. Để thu hút sinh viên, một số trường đã cung cấp học bổng, thậm chí cả điện thoại iPhone.

Để nâng cao tỷ lệ sinh, chính phủ phát tiền thưởng cho trẻ sơ sinh, đồng thời tăng trợ cấp trẻ em và trợ cấp y tế cho các phương pháp điều trị sinh sản và mang thai. Ở Seoul, mỗi toa xe buýt và tàu điện ngầm đều có ghế màu hồng dành riêng cho phụ nữ mang thai.

Phó Thủ tướng Hong Nam-ki thừa nhận dù đã chi hơn 178 tỷ USD trong 15 năm qua để khuyến khích phụ nữ sinh thêm con, chính phủ không đạt được kết quả khả quan. Trong nhiều gia đình, sự thay đổi mang tính văn hóa và lâu dài.

Kim Mi-kyung (38 tuổi), làm nội trợ, cho biết: “Ông bà tôi có 6 người con, cha mẹ tôi có 5, bởi vì thế hệ của họ tin vào việc sinh nhiều con. Tôi chỉ có một đứa. Đối với các thế hệ tôi và những người trẻ hơn, khi xem xét kỹ nhiều mặt, chúng tôi nhận thấy việc có nhiều con không đem lại lợi ích gì".

 Trường học tại Hàn Quốc phải tuyển người già mù chữ để tiếp tục mở cửa. Ảnh: New York Times.

Trường học tại Hàn Quốc phải tuyển người già mù chữ để tiếp tục mở cửa. Ảnh: New York Times.

Cách Hàn Quốc hàng nghìn dặm, các thị trấn tại Italy cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Dân số thị trấn Capracotta ở miền Nam Italy đã già hóa và sụt giảm đáng kể - từ khoảng 5.000 người xuống còn 800. Nhà trẻ và trường học đóng cửa và thay thế bằng viện dưỡng lão.

Cụ Concetta D’Andrea (93 tuổi), từng là học sinh và giáo viên tại trường, hiện là cư dân của viện dưỡng lão, cho biết: “Nơi đây từng có rất nhiều gia đình và trẻ em. Giờ không có ai cả".

Tại thị trấn Agnone cách Capracotta không xa, khu phụ sản đã đóng cửa cách đây một thập kỷ vì có ít hơn 500 ca sinh mỗi năm. Năm nay, chỉ có 6 đứa trẻ được sinh ra ở Agnone.

Enrica Sciullo, y tá từng hỗ trợ các ca sinh và giờ chủ yếu chăm sóc các bệnh nhân lớn tuổi, cho biết: “Tiếng trẻ sơ sinh khóc tựa như âm nhạc với tôi. Giờ chỉ còn sự im lặng và trống rỗng".

 Dân số Italy đang già hóa nhanh chóng. Ảnh: New York Times.

Dân số Italy đang già hóa nhanh chóng. Ảnh: New York Times.

Thách thức vẫn còn

Nhiều quốc gia đang bắt đầu chấp nhận và thích nghi với tình hình thay vì tìm cách chống lại xu hướng này. Hàn Quốc thúc đẩy các trường đại học sáp nhập.

Tại Thụy Điển, một số thành phố đã chuyển nguồn lực từ trường học sang dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Người cao tuổi được yêu cầu tiếp tục làm việc ở nhiều nơi. Đức, quốc gia trước đây đã nâng tuổi nghỉ hưu lên 67, đang cân nhắc tăng tới 69.

Một vài tín hiệu tốt đã xuất hiện. Sau khi mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em với chi phí hợp lý và chế độ nghỉ phép có lương cho cha mẹ, tỷ lệ sinh của Đức gần đây đã tăng lên 1,54, lớn hơn con số 1,3 vào năm 2006.

Các nhà nhân khẩu học cho rằng không nên coi sự suy giảm dân số là vấn đề đáng báo động. Nhiều phụ nữ sinh ít con hơn vì đó là điều họ muốn. Dân số ít có thể giúp người dân có mức sống cao hơn, thiết lập xã hội bình đẳng, giảm lượng khí thải và tăng chất lượng cuộc sống cho những đứa trẻ được sinh ra.

 Nhờ áp dụng các chính sách chăm sóc trẻ em và nghỉ phép có lương cho cha mẹ, Đức thành công tăng tỷ lệ sinh. Ảnh: Umwelt Bundesamt.

Nhờ áp dụng các chính sách chăm sóc trẻ em và nghỉ phép có lương cho cha mẹ, Đức thành công tăng tỷ lệ sinh. Ảnh: Umwelt Bundesamt.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn trước mắt. Mức tăng trưởng dân số của Đức dường như bất khả thi với các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp. Hơn nữa, có rất ít dấu hiệu người lao động được tăng lương ở các nước này. Không có gì đảm bảo rằng dân số ít hơn sẽ giúp giảm áp lực lên môi trường.

Các cuộc khảo sát ở nhiều quốc gia cho thấy người trẻ vẫn muốn có thêm con nhưng gặp quá nhiều trở ngại.

Anna Parolini (37 tuổi, sống tại Italy) kể một câu chuyện không của riêng ai. Cô rời quê hương nhỏ bé ở miền Bắc Italy để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn. Năm nay, cô sống cùng bạn trai ở Milan (Italy) và gác lại mong muốn có con.

Cô lo ngại mức lương dưới 2.000 euro một tháng của mình sẽ không đủ cho một gia đình. “Không ai ở nơi này có thể giúp tôi. Nghĩ đến việc có một đứa con bây giờ khiến tôi hoảng hồn", cô nói.

Mai Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-hoang-hon-khi-nghi-toi-viec-co-con-post1220074.html