'Tôi hối hận khi bất cẩn và khiến dịch bệnh lây lan'

Sự bất cẩn của một cá nhân hay tập thể đều có thể biến mọi nỗ lực chống dịch trước đó trở nên công cốc và bất cứ ai cũng dễ làm tình hình xấu đi khi hành động chủ quan.

Ngày 2/10, truyền thông quốc tế bùng nổ với tin tức Tổng thống Mỹ Donald Trump dương tính với Covid-19.

Một tuần sau đó, Nhà Trắng trải qua khoảng thời gian khó khăn khi 34 nhân viên, cố vấn cấp cao khác nhiễm bệnh, lan rộng sang cả những phóng viên đến đây tác nghiệp.

Chỉ đến khi Nhà Trắng trở thành cụm dịch, người ta mới thấy rõ nơi ở của tổng thống Mỹ từ lâu phớt lờ các hướng dẫn an toàn như không bắt buộc nhân viên đeo khẩu trang, bàn làm việc để quá sát nhau.

 Hồi tháng 10, Nhà Trắng trở thành cụm dịch tại Mỹ. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 10, Nhà Trắng trở thành cụm dịch tại Mỹ. Ảnh: Reuters.

Cho đến nay, suy nghĩ chủ quan và hành động bất cẩn vẫn là lý do lớn khiến đại dịch lây lan.

Bất chấp các nỗ lực chống dịch của đông đảo cộng đồng, chỉ một sơ suất nhỏ đến từ một cá nhân hay tập thể cũng có thể làm mọi thành công dập dịch trước đó tiêu tan.

Từ các khu vực công cộng như nhà hàng, máy bay, văn phòng cho đến những không gian nhỏ hơn như nhà riêng, tất cả đều có nguy cơ trở thành ổ lây nhiễm nếu lơ là. Và ai cũng có thể là người khiến tình hình xấu đi khi không cẩn thận.

Nguồn cơn từ hai từ "bất cẩn"

Cuối tháng 8, chuyến bay khởi hành từ đảo Zante (Hy Lạp) với điểm đến là Cardiff (xứ Wales) biến thành ổ lây nhiễm virus sau hàng loạt hành động vô trách nhiệm từ cả tổ bay lẫn hành khách.

Theo lời kể của những người có mặt trên máy bay, các tiếp viên hời hợt, không có động thái quyết liệt nhắc nhở những vị khách đeo khẩu trang một cách thiếu nghiêm túc. Quy định an toàn bay trong mùa dịch hoàn toàn bị xem thường, bỏ qua.

Những vị khách còn lại trải qua chuyến bay trong tâm lý bất an. Nỗi sợ hoàn toàn có cơ sở khi sau đó, 16 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 xuất hiện có nguồn gốc từ chuyến bay này.

 "Chuyến bay siêu lây nhiễm" khiến hành khách lo sợ khi phi hành đoàn để mặc quy định an toàn bay, hành khách di chuyển bừa bãi. Ảnh: BBC.

"Chuyến bay siêu lây nhiễm" khiến hành khách lo sợ khi phi hành đoàn để mặc quy định an toàn bay, hành khách di chuyển bừa bãi. Ảnh: BBC.

Điều đáng nói, mối nguy chỉ được phát hiện 1 tuần sau đó. Công tác phòng dịch tiếp tục lộ rõ sự lỏng lẻo khi nhiều vị khách chỉ biết mình thuộc “chuyến bay lây nhiễm” khi truyền thông đưa tin, thay vì được cơ quan chức năng thông báo.

“Chuyến bay là một thất bại. Người ngồi cạnh tôi đeo khẩu trang ở quanh cổ. Chúng tôi đã báo cáo những người liên tục tháo khẩu trang, song không ai tiếp cận để nhắc nhở”, Stephanie Whitfield, một hành khách bức xúc nói.

“Rất nhiều người không che kín mũi, miệng và tự do đi lại trên các lối đi để nói chuyện với những người khác và tháo khẩu trang ngay lập tức khi hạ cánh”, một hành khách khác miêu tả máy bay “đầy rẫy những kẻ phá đám và ngu ngốc”.

Hồi tháng 4, 18 bác sĩ thực tập tại Bệnh viện Đại học Keio (Tokyo, Nhật Bản) xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới sau khi tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt cùng nhau.

Lý do tổ chức cuộc vui của nhóm gồm 40 bác sĩ này là ăn mừng kỳ thực tập kết thúc.

Hành động này khiến giám đốc bệnh viện phải lên tiếng xin lỗi, gọi đây là điều “không thể chấp nhận được từ những người có trách nhiệm bảo vệ bệnh nhân”.

 Một tuần sau khi mở cửa lại, các trường đại học Mỹ lại đau đầu đóng cửa vì sinh viên tiệc tùng bất chấp cảnh báo. Ảnh: CNN.

Một tuần sau khi mở cửa lại, các trường đại học Mỹ lại đau đầu đóng cửa vì sinh viên tiệc tùng bất chấp cảnh báo. Ảnh: CNN.

Thái độ chủ quan, coi thường dịch bệnh cũng có thể biến những nỗ lực phòng dịch trước đó trở nên công cốc.

Cuối tháng 8, các đại học ở Mỹ mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng cửa. Song, hàng loạt ca lây nhiễm chéo trong khuôn viên trường nhanh chóng xuất hiện. Nguyên nhân đã trở nên quen thuộc: sinh viên rủ nhau tiệc tùng, phớt lờ mọi cảnh báo.

“Bất chấp ý thức tuân thủ của đa số sinh viên, giảng viên và nhân viên nhà trường, hành động ích kỷ của một số cá nhân dẫn đến việc hình thành ổ lây nhiễm”, Jim Malatras, hiệu trưởng ĐH Oneonta (New York), phê phán.

Sự chủ quan cũng hoàn toàn có thể biến những nơi tưởng chừng đã an toàn khỏi Covid-19, cuộc sống dần bình thường bỗng chốc bị xáo trộn lần nữa vì dịch bùng phát trở lại.

Sardinia từng là một trong những vùng của Italy ít bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở hòn đảo này tăng mạnh trong tháng 8 khi khách du lịch từ khắp nơi đổ về đây và các câu lạc bộ đêm, quán bar giãn cách xã hội thiếu nghiêm túc.

Hối hận muộn màng

Ngoài đẩy cộng đồng và những người xung quanh vào tình huống nguy hiểm, chính bản thân những người chủ quan khiến virus lây lan cũng phải trả giá vì hành vi thiếu suy nghĩ.

Tháng 9, Shawn Marshall Myers (42 tuổi) ở bang Maryland (Mỹ) lĩnh án một năm tù và sẽ bị quản chế không giám sát trong 3 năm sau khi mãn hạn với tội danh chống đối lệnh giãn cách xã hội.

 Những người khiến virus lây lan, dù có chủ đích hay không, đều dễ cảm thấy hối hận về hành động dại dột của mình. Ảnh: Reuters.

Những người khiến virus lây lan, dù có chủ đích hay không, đều dễ cảm thấy hối hận về hành động dại dột của mình. Ảnh: Reuters.

Người này tổ chức 2 bữa tiệc lớn trong vòng một tuần. Khi cảnh sát tới nhà, Myers lớn tiếng tranh cãi với các sĩ quan, nhưng cuối cùng chịu giải tán đám đông. Song, chỉ 5 ngày sau, người đàn ông này tiếp tục tái phạm và còn xúi giục khách mời ở lại thêm khi cảnh sát yêu cầu dừng lại.

Đáng buồn hơn, sự bất cẩn của một cá nhân trong mùa dịch cũng là thứ đẩy chính người đó vào cửa tử.

Tháng 4, một thanh niên ở Texas, Mỹ trong lúc hấp hối bày tỏ sự hối tiếc muộn màng vì đã tham gia “tiệc Covid-19” do nghĩ đại dịch chỉ là tin đồn thất thiệt.

Bác sĩ Jane Appleby tại bệnh viện Methodist Healthcare ở bang này thuật lại lời cuối của một bệnh nhân 30 tuổi thừa nhận “mình đã sai” khi tin rằng dịch bệnh chỉ là trò lừa gạt của chính quyền và truyền thông.

Dù vô tình hay cố ý, mọi hành động chủ quan với suy nghĩ “chắc không sao đâu” vào thời điểm số ca nhiễm đang gia tăng hay giảm đi đều có khả năng đẩy tình hình vượt ra ngoài vòng kiểm soát.

Tháng 2, dịch Covid-19 bùng phát ở Hàn Quốc sau khi xuất hiện ca "siêu lây nhiễm" bắt nguồn từ một nhà thờ của giáo phái Shincheonji ở thành phố Daegu.

Nữ bệnh nhân được cho là nguồn cơn khiến virus lây lan sau đó công khai xin lỗi và bày tỏ sự hối hận. Người này khẳng định bà không ăn uống và hiếm trò chuyện với ai trong buổi lễ.

“Tôi rất đau lòng và lấy làm tiếc khi đã đi ra ngoài khiến dịch bệnh lây lan. Tôi mong mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa”, nữ bệnh nhân nói với tờ JoongAng Ilbo.

Dù vậy, thực tế là dịch bệnh đã kéo dài cả năm tại xứ kim chi và chưa có dấu hiệu chấm dứt.

 Nhiều người đã trả giá bằng chính mạng sống vì coi thường dịch bệnh. Ảnh: NY Times

Nhiều người đã trả giá bằng chính mạng sống vì coi thường dịch bệnh. Ảnh: NY Times

Cẩn thận không bao giờ là thừa

Khi đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới xáo trộn trong năm qua và những quốc gia ít chịu ảnh hưởng nhất cũng đối mặt với nhiều hệ lụy, sự cẩn thận trở nên không hề thừa thãi.

Ý thức tuân thủ các biện pháp phòng dịch không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn cho người xung quanh. Khuyến cáo này đã lặp lại nhiều lần cả năm qua.

Ấn Độ từng ghi nhận câu chuyện 7 người lao động nghèo chọn tự cách ly trên cây vì lo ngại bản thân mang theo mầm bệnh, theo New Indian Express.

Tháng 3, khi chính phủ thiết lập lệnh phong tỏa toàn dân, nhóm đàn ông trong độ tuổi 22-24 này quay trở về nhà ở làng Bangidiha, thị trấn Balarampur, phía tây tỉnh Bengal.

Dù đã qua nhiều bước kiểm tra y tế, nhóm người này vẫn được các bác sĩ yêu cầu tự cách ly tại nhà. Tuy nhiên, ngôi nhà truyền thống tại làng thuộc dạng nhà một gian, khiến họ không có phòng riêng để tự cách ly.

Cuối cùng, cả 7 người chọn không bước chân vào làng để đảm bảo an toàn cho người dân.

 Nhóm người Ấn Độ cách ly trên cây vì sợ lây nhiễm bệnh cho người thân. Ảnh: Indian Express.

Nhóm người Ấn Độ cách ly trên cây vì sợ lây nhiễm bệnh cho người thân. Ảnh: Indian Express.

"Hiện tại, chúng tôi không có triệu chứng nhiễm bệnh nào. Nhưng trong trường hợp xét nghiệm dương tính với virus sau đó, ít nhất chúng tôi không lây nhiễm bệnh sang bất cứ dân làng nào”, người đàn ông tên Laya trả lời phỏng vấn khi đó.

Giovanni Carilli (82 tuổi) và Giampiero Nobili (74 tuổi) là hai cư dân duy nhất sinh sống tại Nortosce, ngôi làng nhỏ nằm trên một hẻm núi đá thuộc thung lũng Nerina, Italy.

Vùng đất hẻo lánh, ít du khách tới tham quan nhưng cả hai cụ ông vẫn nghiêm túc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội như đeo khẩu trang hay đứng cách nhau 2 m khi gặp mặt.

"Tôi sợ loại virus này chết khiếp. Nếu chẳng may nhiễm bệnh, ai sẽ chăm sóc tôi đây? Tôi muốn sống để lo cho đàn cừu, vườn cây và tổ ong của mình", ông Carilli chia sẻ.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-hoi-han-khi-bat-can-va-khien-dich-benh-lay-lan-post1159380.html