'Tôi hối hận vì đã mắng nhiếc học trò'
Lời mắng nhiếc, hình phạt thể chất dù với mục đích tốt vẫn gây ra vết thương tâm lý khó lành cho học sinh. Nhiều giáo viên đã phải hối hận vì quan niệm giáo dục sai lầm của mình.
Với hơn 20 năm trong nghề và từng làm hiệu trưởng của các trường tiểu học ở Hackney và Tottenham (Anh), Alan Newland được nhiều học sinh, nhà giáo và phụ huynh tôn trọng, tín nhiệm.
Newland thường xuyên đưa ra lời khuyên cho đồng nghiệp, đặc biệt trong vấn đề quản lý hành vi học sinh. Anh lấy làm tự hào khi được nhờ đến các trường khác để trình bày về phương pháp giảng dạy hiệu quả và còn được mời lên truyền hình, đài phát thanh với tư cách nhà giáo ưu tú.
“Là một giáo viên trẻ, năng động và đầy tham vọng, tôi cảm thấy mình đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp”.
Thế nhưng, một ngày nọ, mọi thứ trở nên vô nghĩa với Newland khi một học sinh cá biệt vừa khóc vừa chỉ thẳng mặt gọi anh là “kẻ bắt nạt”.
Trước đó, Newland đã quát mắng học trò đó vì điều cậu bé không hề làm. Đó là một cú sốc và cũng là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời dạy học của Newland.
“Khi nhìn lại, tôi nghĩ rằng mình đã học được nhiều điều về bản thân trong mối quan hệ với trẻ em từ sự cố duy nhất đó. Bài học đó đắt giá hơn bất kỳ điều gì khác mà tôi có trong hơn 20 năm giảng dạy”.
Khi giáo viên trở thành kẻ bắt nạt
Cậu học trò chỉ trích Newland là thành viên của một lớp học cá biệt mà nam giáo viên được giao phụ trách. Giai đoạn đầu, Newland rất hào hứng nhận lớp vì anh tin rằng việc “thuần phục” được các học sinh nổi tiếng lì lợm sẽ giúp anh nâng cao danh tiếng.
Trong khoảng 5-6 tuần đầu, Newland khá thành công với phương pháp “cây gậy và củ cà rốt” khi sử dụng các hình phạt để gây áp lực buộc học sinh thay đổi hành vi. Anh nhận được nhiều lời khen từ đồng nghiệp và phụ huynh.
Cho đến một hôm, nam sinh vốn nổi tiếng lì lợm trong lớp, được cho đã có hành vi côn đồ với một bạn nữ. Với kinh nghiệm trước đó, Newland coi tất cả lời giải thích của nam sinh này chỉ là ngụy biện cho hành động tội lỗi.
Anh không ngừng đe dọa, mắng nhiếc cậu bé mà không hề biết rằng mình đã vượt quá ranh giới và những điều anh nói ra có thể làm tổn thương một đứa trẻ chỉ mới 10-11 tuổi.
“Tôi cao hơn cậu bé rất nhiều và dễ dàng áp đặt sự hiện diện và thể chất của mình để nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của đứa trẻ”.
Sau một hồi la mắng, Newland nhìn thấy học trò co rúm người và bắt đầu khóc. “Thành thật mà nói, lúc đó tôi thậm chí nghĩ: ‘Tốt lắm. Nó có thể dạy cho em ấy một bài học’”.
Trong giờ nghỉ trưa, Newland được gọi đến văn phòng của hiệu trưởng. Anh không biết lý do nhưng hoàn toàn không bận tâm vì nghĩ đó chỉ là một thủ tục thường ngày.
Nhưng khi đến nơi, Newland thấy cậu học trò mình vừa trách mắng nước mắt lưng tròng đứng giữa văn phòng.
Hiệu trưởng giải thích rằng cậu bé đã bỏ học và chạy về nhà nhưng bố mẹ cậu đang đi làm nên chỉ có thể ngồi ngoài cửa. Một trong những trợ giảng đã tìm nam sinh và thuyết phục cậu trở lại trường.
Khi được hỏi tại sao lại bỏ học, sau một lúc suy nghĩ, cậu bé nhìn lên và chỉ thẳng vào Newland. "Là thầy ấy. Em không làm gì sai cả”, nam sinh nói trong nước mắt.
Newland vẫn còn nhớ như in ánh mắt cậu bé khi nhìn thẳng vào anh và nói: “Thầy ấy là một kẻ bắt nạt”.
“Đó là điều tôi hối tiếc nhất trong cuộc đời giáo viên của mình. Cách hành xử tồi tệ đã biến tôi thành kẻ bắt nạt học sinh”.
“Tôi hối hận vì mắng nhiếc học trò”
Jennifer Gonzalez, giáo viên cấp hai dạy môn Ngữ văn, tự nhận mình không phải là một nhà giáo tệ hại nhưng tuần nào cô cũng la mắng học sinh đôi ba lần.
Gonzalez và các đồng nghiệp của cô luôn dạy học trò phải biết giải quyết cơn giận dữ, căng thẳng, xung đột một cách hiệu quả và lành mạnh. Và la hét, mắng nhiếc người khác chắc chắn không phải là một giải pháp lành mạnh để quản lý căng thẳng.
Thế nhưng, ngay cả với những giáo viên rất tuyệt vời, vô cùng đáng mến, đôi khi tất cả trở nên quá sức và họ giận dữ một cách mất kiểm soát.
“Khi mọi chuyện kết thúc, tôi luôn cảm thấy rất khủng khiếp. Tôi đã nổi cơn tam bành trước học sinh của mình. Tôi vô cùng xấu hổ, hối hận khi nghĩ về những điều mình đã làm”, Gonzalez nói.
Nhà giáo dục Michael Linsin đưa ra 10 lý do giáo viên không nên la mắng học sinh dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào: la mắng chỉ có tác dụng nhất thời, không giúp thay đổi hành vi, khiến học sinh thầm ghét giáo viên, không khí lớp học căng thẳng, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh giáo viên…
“Khi bạn la hét, bạn huấn luyện học sinh chỉ lắng nghe bạn khi bạn cao giọng. Nói cách khác, chúng học được rằng trừ khi bạn đang hét lên, nếu không bạn không thực sự có ý đó”.
Một nghiên cứu năm 2001 ở Australia cho thấy rằng khi học sinh có giáo viên thường sử dụng các kỹ thuật quản lý hành vi mang tính cưỡng chế và hung hăng như la mắng, quát nạt thì các em sẽ ít có khả năng hành động có trách nhiệm hơn trong lớp học.
Bạo lực, lạm dụng học đường trở thành mối quan tâm lớn của các nhà giáo dục trong những năm gần đây. Một nghiên cứu năm 2010 chỉ ra rằng các lớp học nơi giáo viên có cách quản lý độc đoán - sử dụng hình phạt hay thường xuyên la mắng - đã tạo ra một môi trường mà hành vi bắt nạt giữa các học sinh có nhiều khả năng phát triển hơn.
“Bắt nạt không tự nhiên mà có. Một loạt các yếu tố góp phần vào sự tồn tại của nó, và một trong số đó là cách giáo viên quản lý lớp học của họ và phản ứng với hành vi không phù hợp của học sinh”, các tác giả nghiên cứu viết.
Cách kiểm soát cơn giận
Sau 11 năm tự đúc rút kinh nghiệm cho chính mình, Jennifer Gonzalez nói rằng cô đã bắt đầu biết cách tiết chế, kiểm soát những cơn giận để không còn la mắng học trò như trước đây.
“Một trong những bước đầu tiên là bạn phải xác định được nguyên nhân khiến mình dễ cáu giận. Với tôi đó là những tiếng ồn và cả cơn đói tích tụ sau một ngày dài đứng lớp. Tiếp đến tôi thường đánh giá thể chất và cảm xúc của mình theo thang điểm 10. Bất kỳ lúc nào điểm dưới 5, tôi phải tìm cách khắc phục trước khi nó biến mình thành một cô giáo xấu xa”, Gonzalez nói.
Trong một bài báo trên Psychology Today, bác sĩ tâm lý Laura Markham sử dụng thuật ngữ “kindling” (tạm dịch: sự nhen nhóm) để mô tả sự bực bội chồng chất khi bạn có một ngày tồi tệ.
“Một khi bạn đã có đủ lửa giận, một vụ nổ là không thể tránh khỏi. Vì vậy, cách để ngăn chặn bùng phát là chặn đứng từng đốm lửa li ti đang dần thắp lên trong bạn”.
Trong khi đó, Hiệp hội Tâm lý Mỹ khuyến nghị chúng ta kiểm soát cơn giận của mình bằng một thứ gọi là tái cấu trúc nhận thức. Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là thay đổi cách bạn nghĩ. Khi bạn tức giận, suy nghĩ của bạn có thể trở nên rất phóng đại và quá kịch tính. Hãy thử thay thế những suy nghĩ này bằng những suy nghĩ tích cực hơn.
Ví dụ, thay vì tự nói với bản thân, “Ôi thật tồi tệ, thật khủng khiếp, mọi thứ đã bị hủy hoại”, hãy lạc quan nói, “Điều đó thật bực bội nhưng dù sao đó cũng không phải là ngày tận thế để mà tức giận”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-hoi-han-vi-da-mang-nhiec-hoc-tro-post1160966.html