'Tôi không thể ngừng đếm like trên mạng xã hội'
Lo lắng hoặc bị ám ảnh về những gì người khác nghĩ về mình, nhiều thanh thiếu niên tìm đến mạng xã hội để thể hiện bản thân và coi lượt like là phần thưởng, sự công nhận.
8 tiếng online trên TikTok, 7 tiếng lướt Instagram và 2 tiếng hoạt động tại YouTube.
Đó là thời gian sử dụng mạng xã hội trong một ngày của người mẫu full-time Lukas Koshy (21 tuổi, đến từ Singapore).
Chàng trai thừa nhận mình chỉ ngủ 5 tiếng mỗi ngày kể từ khi bị cuốn vào cơn sốt TikTok - ứng dụng chia sẻ clip hát nhép 15 giây, meme và tất cả những điều thú vị đối với thế hệ Z (những người sinh ra từ năm 1997 đến 2012) như anh.
Koshy cảm thấy bận rộn khi nghĩ ra nội dung cho bài đăng viral tiếp theo trên TikTok - nơi anh có 14.000 follower và hơn 95.000 lượt like (thích). “Lượt like rất quan trọng đối với tôi. Đó là sự công nhận cho nội dung tôi tạo ra”, người mẫu trẻ nói.
Tương tự, Aina Sofia Sirajuddin - học sinh lớp 5 ở Singapore - thú nhận bản thân từng “nghiện” TikTok đến mức đăng 15 clip/ngày khi mới bắt đầu sử dụng nền tảng này vào giữa năm 2018.
“Em không thể ngừng đếm like trên mạng xã hội. Việc nhận được càng nhiều lượt thích khiến em cảm thấy mình trở nên nổi tiếng”, cô bé 11 tuổi nói về “mốt” dùng TikTok ở trường, nơi bạn bè của em thực hiện các động tác vũ đạo bắt trend và hát nhép theo nhạc.
Dù hiểu rằng việc gắn giá trị bản thân với những con số trên nền tảng mạng xã hội như TikTok là vô nghĩa, Sirajuddin thấy dối lòng khi nói khoảng 6.000 lượt like và hơn 270 follower không có ý nghĩa gì với em.
“Nếu có thể, em muốn nhận được hàng triệu lượt like. Ở lớp em, quá nửa các bạn dùng TikTok và có người còn thu hút hàng triệu like. Đôi khi cảm thấy buồn chán, em chỉ đăng clip lên mạng để tăng lượt thích của mình”, nữ sinh nói.
Xu hướng chạy theo lượt like, cùng với “văn hóa khẳng định bản thân” mà các nền tảng mạng xã hội như TikTok tạo ra, được chú ý sau thông báo vào năm ngoái của Instagram rằng họ sẽ mở rộng thử nghiệm ẩn số lượt thích dưới bài đăng.
Từng giải thích về động thái này, Adam Mosseri - CEO của Instagram - cho biết: “Chúng tôi muốn mọi người bớt lo lắng về việc họ nhận được bao nhiêu lượt like trên Instagram và dành nhiều thời gian hơn để kết nối với những người mà mình quan tâm”.
Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu nỗ lực của nền tảng (thuộc sở hữu của Facebook) nhằm xóa bỏ văn hóa mà người dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên, trở nên lo lắng hoặc bị ám ảnh về những gì cá nhân khác nghĩ về họ, có phải là quá ít hay muộn màng không.
Ai cũng muốn được công nhận
Daria Kuss - phó giáo sư tâm lý học tại ĐH Nottingham Trent (Anh) - nhận định: “Con người luôn muốn được tôn trọng, công nhận và đánh giá cao”.
Bà lý giải việc nhận được hàng loạt lượt like, "thả tim" hoặc bình luận tâng bốc về một bức ảnh sẽ kích hoạt các "trung tâm khen thưởng" của não bộ, tạo ra niềm hạnh phúc vỡ òa.
Theo thời gian, não liên kết các thông báo trên mạng xã hội với trải nghiệm thú vị. Điều này lý giải vì sao mọi người tích cực tìm kiếm cảm giác đó, tạo ra một vòng lặp: đăng bài, chờ đợi phản ứng, nhận lời khen, lặp lại.
Gregory Serapio-García - nghiên cứu sinh tại ĐH Cambridge (Anh) - nói: “Phản ứng trên mạng xã hội giống như phiên bản cường điệu của sự công nhận mà mọi người trải nghiệm trực tiếp ngoài đời. Khi nhận được thông báo từ nhiều người khác nhau, họ có cảm giác hài lòng tức thì”.
Tuy nhiên, theo phó giáo sư Daria Kuss, niềm hạnh phúc khi nhận nhiều lượt like rất ngắn ngủi, khiến người dùng mạng xã hội nhanh chóng quay trở lại điểm bắt đầu của quá trình "nhận thưởng", tức là hành động đăng bài.
“Càng đắm chìm vào mạng xã hội, họ càng dành nhiều thời gian ở trên đó để đảm bảo có nội dung gì đấy khoe với người khác và nhận về lượt like”, Kuss nói.
Nhà trị liệu tâm lý Francois-Madden nhận định: “Khi nói đến việc đăng bài trên mạng xã hội nhằm tìm kiếm sự chú ý và lượt like, mọi người có thể đang vật lộn với vấn đề chưa được giải quyết, chẳng hạn nhu cầu được công nhận, nỗi sợ bị từ chối hoặc thiếu giá trị bản thân, sự tự tin”.
Để nới lỏng sự kiểm soát của mạng xã hội, Francois-Madden khuyên mọi người nên chờ 1 tiếng sau khi đăng bài mới kiểm tra mức độ tương tác.
Hiểm họa
TS Vincent Chua, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói rằng “văn hóa thích” trên mạng xã hội dựa trên mong muốn được công nhận của giới trẻ, đặc biệt là từ bạn bè, cũng như sự nổi tiếng.
Các nhà xã hội học cho biết bất kỳ người trẻ nào cũng muốn trở nên sành điệu và nổi tiếng. Nhưng khi trở nên quá khích, ham muốn đó sinh ra sự hời hợt, bất an và hơn hết là một nền văn hóa so sánh không lành mạnh.
“Qua những hình ảnh được lý tưởng hóa trên mạng xã hội, chúng ta học cách nhìn nhận người khác qua vẻ bề ngoài chứ không phải bản chất của họ. Giới trẻ cũng học cách thể hiện sự khác biệt”, TS Chua cho biết.
Nhiều chuyên gia khẳng định ngay cả khi Instagram ẩn bộ đếm like đối với tất cả người dùng trên toàn thế giới, các cá nhân vẫn có thể chuyển sang những mạng xã hội khác để đáp ứng nhu cầu khẳng định bản thân của họ.
“Việc cấm lượt like không phải phương pháp hữu dụng. Nếu mọi người nghiện khẳng định, họ có thể tìm kiếm các lựa chọn thay thế khác. Cuối cùng, những nền tảng này có thể tạo ra một thế hệ nghiêng về sự hài lòng tức thì, các kỳ vọng không thực tế và hành xử với nhau theo cách khá hời hợt”, nhà xã hội học Tan Ern Ser nhận định.
Người mẫu Lukas Koshy cho biết anh bị TikTok thu hút bởi việc có được số lượng follower nhanh hơn so với Instagram. Tuy nhiên, chàng trai đồng ý rằng TikTok là “một nơi lộn xộn”.
"Những kẻ thích chơi khăm và bắt nạt like bài đăng của người khuyết tật hoặc không đẹp trai như một cách để chế nhạo họ", Koshy nói.
Theo các chuyên gia, các nền tảng như TikTok cũng bị lo ngại trở thành công cụ cho những kẻ ấu dâm lan truyền nội dung liên quan tới tình dục.
Nhiều trung tâm tư vấn và phòng khám dành cho thanh thiếu niên ở Singapore cho biết họ đang chứng kiến nhiều trường hợp người trẻ đấu tranh với các vấn đề về lòng tự trọng do tiếp xúc với mạng xã hội.
Nhà tâm lý học Joel Yang - công tác tại phòng khám Mind What Matters - cho biết ông từng gặp trường hợp một nữ sinh 16 tuổi kiểm tra Instagram mỗi giờ, mất tới 1 tiếng để tạo một bài đăng và sẽ xóa các hình ảnh không đạt được số lượng like tối thiểu sau nửa ngày.
“Tôi thấy thanh thiếu niên thường bị trầm cảm, tự làm hại bản thân hoặc lo lắng. Mạng xã hội làm trầm trọng thêm tình trạng của họ. Khi chán nản, họ tự so sánh bản thân với những tiêu chuẩn không thể đạt được trên mạng xã hội. Điều này càng làm tăng cảm giác tuyệt vọng”, ông Yang nói thêm.
Trong số người tìm đến nhà tâm lý học này để được giúp đỡ, cá nhân trẻ nhất là một đứa trẻ 9 tuổi phải vật lộn với các vấn đề so sánh và bắt nạt trên mạng.
“Đối với những đứa trẻ này, xã hội cần khuyến khích chúng hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội. Đồng thời, chúng cũng cần được hướng dẫn về cách sử dụng mạng xã hội như một công cụ để duy trì sự kết nối, chứ không phải phương tiện thay đổi cuộc sống”, ông nói.
Đồng tình với ý kiến trên, Rebecca Giess, nhà tâm lý học lâm sàng của Promises Healthcare, nói thanh thiếu niên cần được nhắc nhở rằng mạng xã hội có thể làm tăng nguy cơ khiến họ bị tổn hại, chẳng hạn như bắt nạt qua mạng, cô lập xã hội và hội chứng sợ bị bỏ lỡ (FOMO).
Tiến sĩ Vinti Mittal - Giám đốc của SACAC Counseling - đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn và trị liệu tâm lý - nói rằng ngoài phụ huynh, nhiều bên khác như nhà giáo dục, chuyên gia y tế, chuyên gia Internet và chính phủ cũng nên đóng vai trò trong việc giảm thiểu những mối nguy hiểm xảy đến với thanh thiếu niên trên mạng.
"Các tổ chức giáo dục và chính phủ cần chung tay để đảm bảo có hướng dẫn phù hợp cho người lớn, sự an toàn của trẻ em và bảo vệ quyền riêng tư trên mạng”, bà nói thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-khong-the-ngung-dem-like-tren-mang-xa-hoi-post1129805.html