Tôi làm giao thông cho anh Thụ, anh Chinh (kỳ 2)

Cậu Túy em tôi là người trai làng giác ngộ cách mạng đầu tiên. Cậu thường dắt anh Hệt là người cùng hoạt động về nhà tôi. Năm 1936 lúc đó Phong trào Bình dân đang mạnh. Anh Hệt mang sách báo của Đảng đến cho tôi đọc. Anh giảng giải cho tôi nghe tại sao gia đình tôi đói khổ, tại sao phải chịu sưu cao thuế nặng, tại sao không có ruộng đất cày cấy. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Trần Thị Sáu

(tiếp theo)

Cậu Túy em tôi là người trai làng giác ngộ cách mạng đầu tiên. Cậu thường dắt anh Hệt là người cùng hoạt động về nhà tôi. Năm 1936 lúc đó Phong trào Bình dân đang mạnh. Anh Hệt mang sách báo của Đảng đến cho tôi đọc. Anh giảng giải cho tôi nghe tại sao gia đình tôi đói khổ, tại sao phải chịu sưu cao thuế nặng, tại sao không có ruộng đất cày cấy. Tôi nghe lời anh đầu óc cứ sáng dần ra. Biết tôi hay đọc truyện thơ, anh Hệt mang đến cho tôi những bài thơ cách mạng. Quả là đọc thơ thì chóng thuộc thật. Đến bây giờ đã ngoài sáu mươi tuổi rồi mà tôi vẫn thuộc như in vào ruột những lời thơ sang sảng của bài "Chiêu hồn nước":

Cũng nhà cũng cửa cũng giang san,
Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời.
Nghĩ những lúc đương cười muốn khóc,
Muốn ra tay ngang dọc dọc ngang.
Vạch trời thét một tiếng vang...

Đồng chí Trường Chinh với các đại biểu thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hà Tuyên.

Một hôm, anh Hệt bảo tôi:

Chị nên đi đi thôi chị Sáu ạ.

Tôi hỏi:

Đi đâu?

Đi làm cách mạng.

Con gái cũng làm cách mạng được à?

Con gái cũng làm cách mạng được!

Thế là từ ngày đó, tôi bước chân vào con đường hoạt động cách mạng.

Năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời. Đảng chỉ ra: "Cơ hội giải phóng của dân tộc ta đã đến". Phong trào cứu quốc ngày càng phát triển rầm rộ. Bọn đế quốc càng ra sức đàn áp khủng bố cách mạng. Chúng cho tay sai, chó săn đi lùng bắt cán bộ ta ở khắp nơi. Chúng in hình, tả nhận dạng những đồng chí lãnh tụ của ta cho tất cả những tên lý trưởng cùng biết. Chúng lùng bắt các đồng chí ấy.

Anh Thụ và anh Chinh vẫn ở nhà chị Hai Vẽ làng Phú Gia. Lúc ấy một vài cơ sở gần làng Mạc bị vỡ. Hai anh lo tôi bị bắt. Chưa biết làng tôi ra sao, các anh liền cử chị Hai Vẽ đi thăm dò tình hình. Chị Hai Vẽ đến nhà bà lý Lung, biết tôi chưa việc gì, mới đến gặp. Hôm sau, tôi vờ vác thúng đi đong cám, đến gặp các anh. Sau khi báo cáo tình hình, tôi định trở về, nhưng bị cơn đau bụng không đi được. Chị Hộ Chử đem tôi về nhà đánh gió, cho uống thuốc. Anh Thụ thấy tôi bị ốm, rất bồn chồn lo lắng. Chị Hộ Chử muốn tôi ngủ lại tối hôm ấy nhưng tôi không muốn. Hoàn cảnh lúc bấy giờ, thiếu tôi một ngày chồng con cũng đủ lo lắng biết bao nhiêu. Vì vậy, chiều ấy, mặc dầu còn đau bụng, tôi vẫn cắp cái thúng cám lò dò đi về. Ra đường cái, tôi phải thuê xe tay qua làng Noi, lên Chèm. Chiếc xe bánh sắt chạy lọc cọc mãi mới đến địa phận làng Vẽ. Một bà người quen ở làng Chèm trông thấy tôi, rối rít vẫy xuống. Nét mặt bà hốt hoảng quá chừng.

Bà lôi tôi ra xa và thì thầm:

Chết chửa về làm gì nữa? Tây nó về lục soát nhà chị, bắt anh ấy đi rồi.

Tôi choáng váng:

Thật thế hở chị?

Lại chả thật! Nó lôi anh ấy lên Chèm, bắt dẫn đi các nhà quen tìm chị mà.

Tôi như mê đi, nghĩ lo cho chồng cho con. Chiếc xe vành sắt lại lọc cọc kéo tôi trở về làng Phú Gia. Tôi đã quên cả nguyên tắc bí mật, để xe tay đỗ ngay trước cửa nhà chị Hai Vẽ. Gặp hai anh Chinh và Thụ, tôi vội nói:

Các anh nên đi ngay. Tây nó bắt mất nhà tôi rồi.

Về sau tôi mới biết rõ tỉ mỉ về cuộc bắt ấy.

Chúng xộc đến nhà tôi và bảo:

Các quan tìm bắt con "đàn bà cộng sản" đây.

Chồng tôi bảo:

Nhà tôi đi chợ.

(còn nữa)

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5093/201906/truong-chinh-mot-nhan-cach-lon-mot-nha-lanh-dao-kiet-xuat-cua-cach-mang-viet-nam-toi-lam-giao-thong-cho-anh-thu-anh-chinh-ky-2-2531483/