Tội làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị xử lý như thế nào?
Bạn đọc Trần Công Thi ở thị trấn Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết tội làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị xử lý như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn đọc hỏi được quy định tại Điều 117, Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự ngày 10-7-2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, cụ thể:
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
* Bạn đọc Lê Minh Trí ở xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, hỏi: Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân bị xử lý như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn đọc hỏi được quy định tại Điều 161, Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự ngày 10-7-2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, cụ thể:
1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.