'Tôi mất một bên mắt sau khi mắc Covid-19'

Một năm sau khi mắc Covid-19, Michael Reagan vẫn phải sống chung với các triệu chứng của bệnh. Ông chật vật chống chọi lại cảm giác đau ngực, nhức dây thần kinh, co giật, run rẩy.

Đã gần một năm kể từ ngày Michael Reagan, 50 tuổi, mắc Covid-19.

“Khi thức dậy, điều đầu tiên tôi cảm nhận được đó là nóng và rất khó thở”, ông nhớ lại buổi sáng 22/3/2020. Reagan gắng gượng vào phòng tắm, cố gắng hít thở. Nhưng bất ngờ, ông ho ra máu. Người đàn ông phải nhập viện khẩn cấp và tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Reagan nhiễm SARS-CoV-2.

Ông đã phải trải qua 2 tháng nằm trên giường bệnh. Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó. Một năm sau khi nhiễm chủng virus này, Reagan vẫn phải đối mặt cảm giác đau ngực liên tục, dây thần kinh ở tay, chân luôn nhức nhối, co giật, run rẩy.

“Nhưng điều tồi tệ nhất là tôi mất một bên mắt sau khi mắc Covid-19. Tôi nhận ra Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình”, người đàn ông này chia sẻ. Căn bệnh đã khiến một con mắt của ông không thể nhìn thấy. Reagan không thể trở lại với trạng thái khỏe mạnh và tận hưởng cuộc sống hạnh phúc như trước đây.

Hơn 30% bệnh nhân sống chung với các triệu chứng kéo dài

Tương tự Reagan, Stephanie Condra, 34 tuổi, phải nhập viện vì mắc Covid-19 vào mùa hè năm ngoái. Khi đó, các triệu chứng của cô không quá nghiêm trọng như mệt mỏi, khó thở, đau dạ dày, chuột rút và sốt nhẹ.

Nhưng sau khi khỏi Covid-19, sức khỏe của Condra xuống dốc trầm trọng và cô gặp phải hàng loạt triệu chứng không thể chữa như đau xoang nặng, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi đến mức không thể làm bất kỳ điều gì, luôn chóng mặt, cảm giác nóng ran ở ngực, ho khan, lú lẫn và sương mù não.

“Các triệu chứng của tôi không ngừng diễn biến nặng hơn. Chúng giống nhau, lặp lại và chưa có dấu hiệu sẽ biến mất”, nữ bệnh nhân 34 tuổi đau đớn nói. Mỗi ngày, cô chỉ có thể vận động tối đa 4 giờ đồng hồ.

Một năm sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, con người vẫn chưa thể hiểu hết về căn bệnh này. Các biến chứng và hệ lụy lâu dài của nó với bệnh nhân vẫn là ẩn số.

Mới đây, nhóm tác giả từ Đại học Washington dành 9 tháng để quan sát 177 người nhiễm nCoV đã khỏi bệnh. Đây là nghiên cứu có thời gian quan sát lâu nhất cho đến nay. Đáng chú ý, nhóm này có 150 người mắc Covid-19 nhẹ, không phải nhập viện.

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí JAMA Network Open, nhóm phát hiện 30% bệnh nhân dù đã khỏi Covid-19 vẫn gặp phải các triệu chứng dai dẳng. Phổ biến nhất là mệt mỏi, mất khứu giác, vị giác. Hơn 30% cảm thấy tồi tệ vì chất lượng sống bị ảnh hưởng. 14 người tham gia (chiếm 8%, gồm 9 người không phải nhập viện) gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động thông thường.

Tuy nhiên, số lượng mẫu điều tra còn rất nhỏ so với 57,8 triệu người mắc Covid-19 trên thế giới. Về điểm này, nhóm tác giả cho rằng “ngay cả với tỷ lệ nhỏ, tình trạng suy nhược lâu dài cũng có thể gây những hậu quả lớn về sức khỏe và kinh tế”.

Một nghiên cứu khác có mẫu số lớn hơn được thực hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc trên 1.733 bệnh nhân mắc Covid-19 đã cho thấy 76% vẫn gặp ít nhất một triệu chứng sau 6 tháng nhiễm SARS-CoV-2. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet vào đầu tháng 1, toàn bộ bệnh nhân được theo dõi đều ở tình trạng nặng, phải nằm viện.

 30% người nhiễm SARS-CoV-2 dạng nhẹ vẫn gặp phải các triệu chứng sau khi khỏi bệnh. Ảnh: AP.

30% người nhiễm SARS-CoV-2 dạng nhẹ vẫn gặp phải các triệu chứng sau khi khỏi bệnh. Ảnh: AP.

Điều trị Covid-19 là cuộc chiến dài

Vài tháng trở lại đây, Trung tâm Chăm sóc Hậu phẫu tại Hệ thống Y tế Mount Sinai, New York, Mỹ, đã tiếp nhận hơn 1.600 bệnh nhân Covid-19, trong đó có Reagan và Condra - quay trở lại tìm sự trợ giúp dù đã khỏi bệnh. “Rất khó để đoán được ai sẽ là người phải sống chung với các triệu chứng này. Ngay cả bệnh nhân nhẹ hoặc khỏe mạnh, không có gì chắc chắn bạn sẽ sống sót khi mắc Covid-19 hay không gặp các triệu chứng dai dẳng”, bác sĩ Zijian Chen, Giám đốc Hệ thống Y tế Mount Sinai, trả lời phỏng vấn của CNN.

Vị chuyên gia này cũng khẳng định tuổi tác không phải yếu tố quyết định ai là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mắc Covid-19. Ở những người đã có bệnh từ trước, việc nhiễm virus nCoV càng khiến tình trạng của họ trở nên trầm trọng hơn.

Điều khó hiểu khác là hội chứng hậu Covid-19 dường như xảy ra ở những bệnh nhân một cách ngẫu nhiên. Giáo sư, tiến sĩ Christian Sandrock, Đại học Công lập California tại Davis, California, Mỹ, tiết lộ: “Triệu chứng dài hạn phổ biến nhất mà chúng tôi nhận thấy đó là mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ. Chúng chiếm hơn 50% các trường hợp. Mất khứu giác, vị giác cũng là dấu hiệu rất cụ thể. Khó thở, đau ngực cũng vậy. Nhiều bệnh nhân gặp các triệu chứng cùng lúc, chúng có thể biến mất hoặc không”.

Giáo sư Sandrock phân loại các triệu chứng thành nhiều nhóm. Những người bị đau ngực, khó thở và viêm tim được xếp vào nhóm bệnh tim mạch. Đau ngực và khó thở, tùy thuộc vào nguyên nhân, cũng có thể thuộc nhóm hô hấp, bất thường về chức năng phổi.

Phát ban, rụng tóc và thậm chí rụng răng được xếp vào nhóm da liễu. Trong khi đó, mệt mỏi, sương mù não (khó tập trung, nhầm lẫn hoặc hay quên, suy nghĩ chậm chạp và không rõ ràng, cảm giác mơ hồ hoặc suy nhược thần kinh) thuộc nhóm thể chất.

Nhóm bệnh thần kinh gồm mất khứu giác và vị giác, rối loạn giấc ngủ, thay đổi nhận thức và suy giảm trí nhớ. Ông cũng giải thích trầm cảm, lo lắng và thay đổi tâm trạng đều thuộc nhóm bệnh tâm thần.

 Các biến chứng, triệu chứng kéo dài hậu Covid-19 đến từ nhiều nguyên nhân và chưa có phác đồ điều trị cụ thể. Ảnh: Freepik.

Các biến chứng, triệu chứng kéo dài hậu Covid-19 đến từ nhiều nguyên nhân và chưa có phác đồ điều trị cụ thể. Ảnh: Freepik.

Về nguyên nhân gây ra các triệu chứng, Giáo sư Sandrock chỉ ra một số thủ phạm. Nó có thể do biến chứng của việc nằm viện kéo dài hoặc nằm phòng ICU lâu. Số khác có thể do bệnh vi mạch, tổn thương các mao mạch gây ra, khiến nạn nhân bị đau ngực, co cứng ngón chân, mệt mỏi, thậm chí sương mù não.

Một số triệu chứng có thể do phản ứng tự miễn gây ra khi cơ thể bị viêm nặng, chẳng hạn đau nhức khớp, toàn thân; rối loạn giấc ngủ; trầm cảm và mệt mỏi. Số khác do ảnh hưởng trực tiếp của virus như mất khứu giác, vị giác.

Việc điều trị cho những bệnh nhân gặp biến chứng kéo dài hậu Covid-19 không có phác đồ cụ thể. Bác sĩ cần căn cứ theo tình trạng của từng bệnh nhân. Các đơn thuốc cũng được kê theo nguyên tắc cá nhân hóa, mỗi bệnh nhân có thể sẽ là một toa thuốc khác nhau.

Nhưng điều quan trọng không kém đó là tinh thần của bệnh nhân. Bởi gặp phải các triệu chứng này, đa số họ đều căng thẳng và tuyệt vọng. “Chúng tôi muốn mọi người thật sự kiên nhẫn và hiểu rằng chữa trị cho căn bệnh này là quá trình dài. Chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian để vượt qua nó. Tôi nghĩ đây mới chính là chìa khóa”, vị chuyên gia nói thêm.

Với Michael Reagan và Stephanie Condra, họ đang cố gắng hết sức có thể. “Mỗi ngày, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân mình phải lạc quan và tích cực hơn. Không phải lúc nào tôi cũng kiểm soát được hoàn cảnh đang diễn ra nhưng tôi phải học cách cân bằng cảm xúc. Gia đình luôn ở bên và ủng hộ tôi. Tôi có đồng nghiệp và các bác sĩ điều trị xuất sắc, vì vậy, bản thân mình càng phải cố gắng vì những điều tốt đẹp mà tôi đang hàm ơn”, ông Reagan tâm sự.

Còn với Condra, cô phải cố gắng kiềm chế những năng lượng tiêu cực xuất hiện mỗi ngày: “Tôi biết ơn những gì mà bác sĩ dành cho mình từng ngày để có thể tận hưởng cuộc sống hạnh phúc hơn. Giờ đây, tôi cảm thấy lạc quan và thoải mái hơn rất nhiều. Nhưng có lẽ sẽ phải chờ đợi rất lâu để mọi thứ trở về như ban đầu”.

Thiên Nhan

Theo CNN

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-mat-mot-ben-mat-sau-khi-mac-covid-19-post1185977.html