Tôi mong Bộ Giáo dục phải soạn 1 bộ sách giáo khoa để giúp dân nghèo
Bộ Giáo dục cần phải thể hiện rõ trách nhiệm với Nhân dân trước tình trạng doanh nghiệp dựa vào giáo dục để kinh doanh khiến giá sách giáo khoa tăng đột biến.
Ngày 13/4/2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố bảng giá sách giáo khoa mới lớp 3, lớp 7, lớp 10. Điều đáng nói, giá sách giáo khoa mới tăng 2-3 lần so với giá sách giáo khoa chương trình 2006 khiến nhiều phụ huynh lo lắng, than trời.
Giá sách tăng cao, Bộ Giáo dục trả lời có thuyết phục?
Theo Bộ Giáo dục, một trong những nguyên nhân khiến sách giáo khoa mới có giá cao hơn sách giáo khoa hiện hành xuất phát từ việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với Chương trình giáo dục phổ thông 2000 không còn được cấp vốn từ ngân sách Nhà nước, mà do nguồn vốn của doanh nghiệp. [1]
Tuy nhiên, cá nhân tôi băn khoăn ở chỗ, việc tư nhân tổ chức biên soạn, xuất bản sách giáo khoa bằng nguồn vốn do doanh nghiệp đầu tư, thu xếp và vay ngân hàng thì khó tránh khỏi việc "vẽ rắn thêm chân", thậm chí "đi đêm đi hôm" để trục lợi.
Minh chứng là, môn Mĩ thuật lớp 10 có tới 11 đầu sách giáo khoa - đây là một điều chưa từng thấy trong nhà trường phổ thông từ trước đến nay.
Mặc dù môn Mỹ thuật có tới 11 đầu sách giáo khoa nhưng tôi nghĩ, số lượng học sinh chọn tổ hợp có môn Nghệ thuật cũng rất ít. Theo ghi nhận của tôi, nhiều năm qua, một số học sinh nơi đơn vị tôi đang công tác (Thành phố Hồ Chí Minh) khi chọn thi ngành Kiến trúc (thi 2 khối chính là V và H), các em đều tìm đến các trung tâm để luyện vẽ.
Vậy nên, tôi cho rằng, mặc dù môn Mỹ thuật ở cấp trung học phổ thông có các nội dung giáo dục lựa chọn và các chuyên đề học tập, nhưng học sinh nếu có nhu cầu thi đại học khối V, khối H thì các em vẫn phải đến trung tâm luyện thi vì giáo viên bậc trung học phổ thông khó đáp ứng chuyên môn chuyên sâu về vẽ hình khối.
Vào thời điểm tháng 3/2022, trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cho giáo viên lựa chọn sách giáo khoa lớp 10. Đơn vị tôi nhắn tin thông báo lựa chọn sách chỉ trong vòng 1 ngày nên hầu như giáo viên đều ngầm hiểu bộ sách nào sẽ "được" chọn.
Và kì lạ hơn, sau đó đại diện tổ chuyên môn được phòng tài chính của trường gọi lên nhận 200.000 đồng gọi là "tiền thù lao chọn sách". Còn lãnh đạo được chi "thù lao" bao nhiêu thì chỉ có... trời mới biết.
Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 200 trường trung học phổ thông công lập và ngoài công lập, lấy trung bình mỗi trường có 10 tổ chuyên môn thì chi phí "thù lao chọn sách" lên đến hơn 400.000.000 đồng (bốn-trăm-triệu-đồng).
Dĩ nhiên, chi phí này là do tư nhân bỏ tiền túi ra, họ chấp nhận chi một phần lợi nhuận từ việc bán sách sách giáo khoa để quảng bá thương hiệu. Nhưng, những chi phí phát sinh như thế này có thể đã được khấu trừ vào giá sách, cuối cùng người tiêu dùng lãnh đủ.
Ngày 4/5/2022, Báo Công Thương dẫn lời chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm, "nếu giao hoàn toàn cho tư nhân (biên soạn sách giáo khoa) thì sẽ khó tránh khỏi việc “bày vẽ” ra để kiếm tiền.
Và chắc chắn sẽ có hiện tượng “đi đêm” trục lợi. Thực tế này cho thấy, trong vấn đề này đang tồn tại nhiều bất cập, với cơ chế lỏng lẻo, dễ dãi, nhiều kẽ hở, dẫn đến hiện tượng tham nhũng trong giáo dục và thiếu tính nhân văn". [2]
Theo tôi, nhận định của ông Nguyễn Minh Phong về hiện tượng "bày vẽ", "đi đêm" trong việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa là có cơ sở, đây cũng là vấn đề gây bức xúc dư luận - rất đáng trăn trở.
Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến giá sách đội lên là do Chương trình 2018 có quá nhiều đầu sách bắt buộc so với Chương trình 2006. Ví dụ, bộ sách lớp 1 Chương trình cũ chỉ có: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên xã hội thì Chương trình mới gồm: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên - Xã hội, Đạo đức, Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm… - nghĩa là số đầu sách gần gấp 3 lần về số lượng.
Hay, môn Toán lớp 3 Chương trình cũ chỉ có 1 tập thì sách Chương trình mới chia thành 2 tập khiến giá sách tăng lên gấp đôi. Cụ thể, bộ sách lớp 3 hiện hành có giá 58.000 đồng nhưng bộ sách mới tăng lên 208.000 đồng (sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Ngày 26/3/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin: "Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn đồng thời, hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống" - có phải giá sách giáo khoa tăng cao một phần cũng do nguyên nhân này?
Và một điều khó hiểu nữa là, cho đến thời điểm này, tất cả nhà xuất bản đều chưa công bố giá sách giáo khoa môn Tiếng Anh. Vậy nên dư luận nghi vấn, phải chăng các nhà xuất bản cố tình tách sách Tiếng Anh ra khi công bố giá của cả bộ sách mới.
Ngoài ra, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mục quan điểm chỉ đạo có nội dung:
"Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo. Phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền.
Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách. Thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo". [3]
Như thế để thấy rằng, Đảng, Nhà nước ta xem giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu thì học sinh phải là đối tượng được quan tâm đặc biệt. Vậy nên, cá nhân, tổ chức nào dựa vào giáo dục để kinh doanh, kiếm tiền là điều không thể chấp nhận được.
Vấn đề cần quan tâm là, Bộ Giáo dục cần phải thể hiện rõ trách nhiệm với Nhân dân trước tình trạng giá sách giáo khoa Chương trình mới "nhảy múa" như vậy. Hay nói cách khác, Bộ Giáo dục phải có sự quản lí, giám sát và đề ra những phương án cụ thể nhằm hạn chế tối đa sự tác động của cơ chế thị trường vào mặt hàng thiết yếu này, vì ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh trên cả nước.
Bộ Giáo dục cũng đừng để các nhà xuất bản viện dẫn giá sách giáo khoa tăng cao vì "sách được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường kênh hình với nhiều hình thức trình bày, minh họa sinh động, hấp dẫn…". [4]
Và có nhà xuất bản chống chế bằng cách đưa ra những lời hứa sẽ hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh như tặng sách cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đầu tư xây dựng tủ sách dùng chung... - thì chỉ giải quyết được bề nổi, không phải là chính sách dài hơi, khả thi.
Tôi vẫn mong muốn Bộ Giáo dục biên soạn một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông nhằm cạnh tranh cả về giá cả và chất lượng nhằm giúp người dân - nhất là dân nghèo được hưởng lợi.
Tài liệu tham khảo:
[1] //laodong.vn/chinh-sach-giao-duc/gia-sach-giao-khoa-moi-tang-2-3-lan-gia-hien-hanh-phu-huynh-chong-mat-1039375.ldo
[2] //congthuong.vn/sach-giao-khoa-tang-gia-dot-bien-la-hien-tuong-khong-lanh-manh-176811.html
[3] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-quyet-88-2014-QH13-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-260798.aspx
[4] //baotintuc.vn/giao-duc/gia-sach-giao-khoa-moi-lop-3-7-10-cao-hon-bo-sach-theo-chuong-trinh-hien-hanh-20220427150249934.htm