Tôi muốn được gắn bó với nghề dài lâu
Một ngày diễn viên Trịnh Thị Hằng, Đoàn Nghệ thuật Tuồng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa dành hơn một giờ đồng hồ để tập ở nhà các trích đoạn. Còn rất trẻ, rất yêu tuồng nên chị mong muốn được luyện nghề, được các thế hệ đàn chị chỉ dẫn từng cử chỉ trong mỗi vai diễn.
Diễn viên Trịnh Thị Hằng với trích đoạn “Phương Cơ qua ải”.
Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2020 kết thúc gần 2 năm rồi, nhưng với Trịnh Thị Hằng mãi là kỷ niệm đẹp. Bởi lần đầu tiên chị tham gia cuộc thi quy mô toàn quốc. 44 diễn viên trẻ dự thi biểu diễn 1 trích đoạn tuồng hoặc dân ca kịch tự chọn phù hợp với sở trường của mình. Mỗi trích đoạn dài không quá 25 phút và phải thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật.
“Phương Cơ qua ải” là trích đoạn trong vở “Ngọn lửa Hồng Sơn”, nói về nhân vật Phương Cơ vâng lời cha đi do thám bọn nịnh thần muốn soán ngôi. Phương Cơ giả điên, khôn khéo qua mặt lính tuần bằng vẻ ngây ngô, những ứng biến táo bạo và cả cái điên dại. “Đây là trích đoạn kinh điển sử dụng nhiều làn điệu bài bản và trình thức biểu diễn nghệ thuật của mô hình đào điên. Để có 20 phút trên sân khấu, tôi phải dành 2 tháng để tập ngày tập đêm với sự chỉ bảo tận tình của các cô, chú và anh, chị trong đoàn”, Trịnh Thị Hằng chia sẻ.
Sinh năm 1993, quê ở xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, từ nhỏ mỗi dịp nghỉ hè là Hằng được bố mẹ cho xuống thành phố chơi nhà bác ở Khu tập thể nhà hát Nhân dân. Vừa chơi, vừa nghe hát, Hằng yêu thích và đam mê tuồng tự lúc nào. Gần 10 năm trong nghề, bắt đầu từ những bước chân rụt rè, giọng hát run run khi đứng trên sân khấu, Hằng chỉ mong “đến lúc nào đó thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần sẽ được thuần thục với khả năng ca xướng, vũ đạo mạnh mẽ ”.
Tuy vậy, thực tế khó khăn hơn nhiều. Trong 2 năm qua, Đoàn Nghệ thuật Tuồng mới dựng một vở diễn, vì thế hầu hết vai chính đều được giao cho các diễn viên có nghề. “Kể cả có được giao vai lớn thì chưa chắc chúng tôi đã thực hiện tốt, vì quá trình rèn luyện của những người trẻ rất ít so với các đàn anh đàn chị. Trước đây các anh chị có nhiều thời gian luyện tập hơn, được diễn nhiều hơn. Còn chúng tôi 2 năm COVID-19 cũng là 2 năm nghệ sĩ đóng băng cả về nghề và thu nhập".
Trịnh Thị Hằng nói về sự khổ luyện của các nghệ sĩ đàn anh đàn chị với sự trân trọng và khâm phục. Chị thổ lộ: “Tôi thần tượng nghệ sĩ ưu tú Trần Nhung. Nhìn thấy chị từng ngày trong công việc, tôi tự hỏi mình: Đến ngày nào mình mới tự tin sáng tạo nghệ thuật. Ngoài ra, chị luôn tận tình chỉ bảo chúng tôi. Vai Phương Cơ trong trích đoạn “Phương Cơ qua ải”, chị hướng dẫn tôi rất nhiều. Nhìn vào các chị, tôi thấy mình còn non nớt trong nghề diễn lắm”.
Vai diễn Phương Cơ đã đem về cho Trịnh Thị Hằng Giấy khen nghệ sĩ trẻ triển vọng Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2020. Nói thêm về vai diễn này, Hằng cho biết: "Khó khăn nhất với tôi khi thể hiện vai này chính là đoạn Phương Cơ giả điên, giả dại. Tiếng cười của Phương Cơ khác người lắm, yêu cầu diễn viên cười thì phải lấy hơi từ trong ra, chứ cười bình thường là chưa đủ thể hiện tính cách nhân vật. Ngoài ra, phải thể hiện được ánh mắt giả điên của nhân vật”.
Với một diễn viên, thời gian luyện tập sẽ giúp họ hiểu nhân vật, chỉnh sửa từng cử chỉ điệu bộ và giọng ca. “Nếu được thể hiện một vai dài hơn, dù khó khăn mấy tôi cũng thích. Không riêng gì tôi, diễn viên trẻ nào cũng muốn được nhận vai chính hoặc thứ chính. Vì đó là cơ hội để chúng tôi học hỏi và trưởng thành”.
Nhìn sang một số tỉnh, thành, nơi có nghệ thuật tuồng truyền thống phát triển như Hà Nội, Bình Định, Đà Nẵng... nghệ sĩ trẻ không chỉ được rèn luyện nghề hàng ngày mà còn có cơ hội biểu diễn. “Đôi khi tôi cũng lo lắng về những khó khăn trong con đường nghệ thuật. Bộ môn nghệ thuật tuồng giờ đây tưởng chỉ dành cho những người lớn tuổi. Nhưng mỗi lần ở nhà tập luyện, các cô chú trong gia đình còn kêu ca: Ôi tuồng khó thế á. Tao nghe còn chả hiểu gì. Đó, người già mà còn không thích, không hiểu, làm sao các bạn trẻ yêu thích được? Thực sự những lúc đó tôi rất chạnh lòng. Nhưng, đó là tình yêu, là nghề nghiệp của tôi. Và hơn hết, tôi muốn được rèn luyện nghề, rèn luyện hàng ngày”.
Đã từ nhiều năm rồi, sân khấu truyền thống lâm vào tình trạng khó khăn bởi sự xuất hiện của các loại hình, phương tiện giải trí hiện đại. Công chúng không mấy quan tâm và khá ít khán giả đến rạp xem các vở chèo, tuồng..., trong khi các đơn vị nghệ thuật bị giảm biên chế, co cụm lại để đủ kinh phí hoạt động. Cả năm không dựng được vở diễn, thu nhập của nghệ sĩ, diễn viên thấp, tiền bồi dưỡng biểu diễn ít ỏi, cho nên nhiều diễn viên đã bỏ nghề, số còn lại trong đó có Trịnh Thị Hằng buộc phải làm thêm để nuôi mình và nuôi nghề. “Khác với một số loại hình sân khấu khác, sân khấu kịch hát truyền thống sẽ rất khó đứng vững trong cơ chế thị trường nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Hai vợ chồng cùng đoàn, tôi vừa mới vào biên chế, vất vả lắm. May mà việc mua bán online thuận tiện, gia đình tôi mới có đủ tiền trang trải cuộc sống và nuôi con”, Trịnh Thị Hằng chia sẻ.
Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng tiếp xúc với Trịnh Thị Hằng mới thấy điều chị mong muốn hơn tất cả là được làm nghề. Khát khao lớn nhất của chị là đi được với nghề đến tận cùng để câu chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ” không cản trở sự khổ luyện và tình yêu với nghệ thuật.
Cùng với các diễn viên Nguyễn Cộng Hòa, Nguyễn Minh Đức... Trịnh Thị Hằng đang là gương mặt trẻ nhiều triển vọng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Chị chia sẻ: “Thế hệ nào cũng có những may mắn và khó khăn riêng. Nhưng dẫu khó khăn thế nào thì tôi vẫn muốn được gắn bó với nghề dài lâu”.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/toi-muon-duoc-gan-bo-voi-nghe-dai-lau/23205.htm