'Tôi muốn viết câu chuyện ma thuật đậm nét cuộc sống người Việt'

Nguyễn Dương Quỳnh là một cái tên được nhiều bạn đọc trẻ biết tới. Cây bút sinh năm 1990 này có phong cách viết đa dạng, biến hóa liên tục trong văn phong và cách kể chuyện.

Từ tiểu thuyết mang cảm hứng thế sự, tái hiện hành trình khẳng định bản thân của người trẻ trong xã hội đầy biến động đến các tác phẩm mang yếu tố kỳ bí, huyền ảo, ở thể loại nào cô cũng tìm được cách riêng để lôi cuốn độc giả.

Thiên cầu ma thuật là series tiểu thuyết fantasy mới ra mắt đầu năm 2021 của Nguyễn Dương Quỳnh. Tác phẩm tạo được ấn tượng với bạn đọc bởi tác giả đã đem nhiều yếu tố thuần Việt vào trong câu chuyện ly kỳ của mình. Tác giả chia sẻ về tác phẩm và hậu trường viết văn.

 Nhà văn Nguyễn Dương Quỳnh. Ảnh: FBNV.

Nhà văn Nguyễn Dương Quỳnh. Ảnh: FBNV.

Nhà văn phải khơi gợi được sự đồng cảm của độc giả

- Fantasy có phải là thể loại mà Nguyễn Dương Quỳnh yêu thích nhất hay không?

- Thật ra bản thân tôi cũng khá thích những câu chuyện có nét kỳ ảo. Nên một số lượng lớn những truyện của tôi viết đều có chút màu sắc kỳ ảo, đôi khi không phải là fantasy, mà là liêu trai, hoặc các thể loại khác có chút huyền bí.

Tuy nhiên, là một người viết, tôi nghĩ cần có một sự phân biệt giữa “những truyện đã sáng tác” và “những truyện được xuất bản”. Những ai đã theo dõi tôi trên mạng đều biết Nguyễn Dương Quỳnh có một số lượng tác phẩm khá lớn chưa được xuất bản.

Ưu điểm của những thể loại genre fiction (tiểu thuyết mang đậm tính giải trí) như fantasy và trinh thám là chúng tương đối dễ tiếp cận với người đọc. Các tác phẩm ở những thể loại này cũng dễ hiểu hơn với biên tập viên các nhà xuất bản . Đó là một số yếu tố khách quan lẫn chủ quan dẫn đến việc tác phẩm dài hơi nhất trong số những truyện đã được xuất bản của tôi là fantasy.

- Một số tác giả cho rằng đ iều khó nhất khi viết một tác phẩm fantasy là làm thế nào để xây dựng được một thế giới kỳ ảo hấp dẫn, còn với chị thì sao?

- Với tôi, điều khó khăn nhất là tạo nên sự đồng cảm giữa bản thân mình với câu chuyện của nhân vật, giữa người đọc với những hoàn cảnh kỳ dị, khác thường trong một câu chuyện fantasy. Nếu không có sự đồng cảm và gần gũi đó, tác giả sẽ thấy rất khó lòng để viết tiếp, hay kể chuyện một cách mượt mà.

Không chỉ vậy, đối với tôi, điều quan trọng khi viết, là bản thân phải cảm thấy hứng thú với câu chuyện mình đang sáng tác, phải quan tâm câu chuyện đó sẽ kết thúc như thế nào, hay cuộc đời các nhân vật sẽ diễn biến ra sao. Nếu một người viết không thể làm bản thân anh ta hứng thú, muốn biết kết cục của câu chuyện, thì làm sao khơi gợi được điều đó ở người đọc.

Lấy ví dụ, một môtíp thường thấy trong văn học fantasy là bi kịch của những người bất tử. Tôi nghĩ trong chúng ta không ai có thể thực sự trải nghiệm nỗi đau khổ của một người không thể chết. Nhưng ai cũng có thể hiểu nỗi đau khi nhìn người thân yêu của mình rời xa nhân thế. Bởi con người là sinh vật biết đồng cảm.

Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất khi viết là khơi gợi được sự đồng cảm trong lòng người đọc. Điều này không chỉ đúng với các tác phẩm fantasy, mà ở các thể loại văn học khác cũng vậy.

 Tập I của series tiểu thuyết fantasy Thiên cầu ma thuật của Nguyễn Dương Quỳnh. Ảnh: NXB Phụ nữ.

Tập I của series tiểu thuyết fantasy Thiên cầu ma thuật của Nguyễn Dương Quỳnh. Ảnh: NXB Phụ nữ.

Sử dụng các yếu tố thuần Việt để tạo ấn tượng riêng cho tác phẩm

- Tiểu thuyết giả tưởng của các nhà văn khác thường lấy bối cảnh ở nước ngoài, còn series “Thiên cầu ma thuật” lại mang nhiều yếu tố thuần Việt. Đây có phải là dụng ý ban đầu của chị để tạo sự khác biệt cho tác phẩm?

- Đúng vậy! Đây là dụng ý từ đầu của tôi. Nó cũng là một trong những ý đồ cốt lõi khi viết Thiên cầu ma thuật.

Tôi muốn một câu chuyện mang màu sắc phép thuật, nhưng tái hiện đậm nét cuộc sống ở Việt Nam, thể hiện thật rõ tâm tư tình cảm của một cậu bé sống ở một thị trấn heo hút miền Trung Việt Nam.

Trong một thời gian rất dài, văn học fantasy gắn liền với không gian văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, trong một thế giới ngày càng đa cực, nhiều nhà văn ở nhiều quốc gia, thuộc nhiều màu da, đang cố gắng mang những bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng của họ vào trong tác phẩm. Tôi nghĩ đây là một xu hướng vô cùng thú vị.

- Để xây dựng được một tác phẩm hấp dẫn và mang màu sắc Việt Nam thì ngoài tưởng tượng, người viết cần yếu tố gì?

- Nếu một người viết muốn đi theo hướng ấy, đương nhiên việc am hiểu văn hóa dân tộc rất quan trọng. Theo tôi quan sát và tìm hiểu, hiện giờ cũng có nhiều người viết trẻ đi theo hướng này. Họ đang cố gắng mang những yếu tố màu sắc văn hóa của Việt Nam vào những thể loại quen thuộc như trinh thám, kinh dị, huyền ảo.

Thực lòng thì tôi rất ngưỡng mộ nhiều bạn viết hiện nay. Khi họ tâm huyết và dốc lòng nghiên cứu, tìm tòi để đưa nhiều yếu tố liên quan đến phong tục, tín ngưỡng dân gian vào tiểu thuyết. Theo tôi nghĩ, các tác phẩm mang đậm yếu tố văn hóa truyền thống sẽ thúc đấy người đọc tìm hiểu về quê hương, đất nước mình nhiều hơn. Văn học có thể làm cầu nối để bạn đọc trẻ yêu văn hóa Việt.

- Chị có nghĩ rằng việc hướng đến các yếu tố truyền thống, hay tái hiện một bối cảnh đậm chất Việt Nam trong tác phẩm sẽ là lợi thế cho tác giả trẻ?

- Tôi nghĩ việc những người viết có thể khai thác được yếu tố văn hóa truyền thống của Việt Nam khi sáng tác là một lợi thế. Nó có thể mang lại những màu sắc riêng, khiến giọng văn của họ trở nên độc đáo hơn trên thị trường sách, vốn bị chiếm lĩnh bởi các tác phẩm ngoại văn.

Tuy nhiên, tôi không muốn việc “tái hiện bối cảnh đậm chất Việt Nam” trở thành một nghĩa vụ đối với người viết. Bởi mỗi người có một khuynh hướng riêng trong sáng tác. Bối cảnh của tác phẩm cũng phải phù hợp với cốt truyện.

Ngay cả những nhà văn lớn trên thế giới, có những người gắn liền với một vùng đất, có những người cố ý để tác phẩm của họ mơ hồ về không gian và bối cảnh, để bất cứ ai sống ở đâu hay vùng miền nào cũng có thể hiểu được. Tất cả đều là tự do sáng tác của người viết. Cũng như trong dàn đồng ca, phải có giọng trầm và giọng cao.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-muon-viet-cau-chuyen-ma-thuat-dam-net-cuoc-song-nguoi-viet-post1192987.html