Tội nghiệp ước mơ
Mua giúp bà cụ một tờ vé số. Không cần số đẹp hay loại số liên quan đến sự kiện cá nhân. Cũng không cần biết tờ vé của đài nào. Chỉ giúp một bà lão có tí phần trăm trong cái giá mười ngàn một tờ số. Giúp cho lòng trắc ẩn được gật gù.
Lập tức một em bé sà đến chào mời. Thêm một ông lão rách rưới gí xấp vé vào sát tầm nhìn. Lòng trắc ẩn muốn co giò bỏ chạy. Sài Gòn khác Hà Nội ở góc độ này đây: thập loại chúng sinh lượn đầy qua đội quân vé số.
Cuối cùng đội quân ấy cũng lượn đi. Khi bị chèo kéo thì bực mình, khi đã mua giúp một tờ, chỉ một tờ thôi không hơn, bỗng nhận ra làm phúc mà không phải bố thí, ban ơn, cũng đáng. Nhưng khi tờ vé số nằm gọn trong túi rồi thì nỗi ước ao bắt đầu đập cánh. Không thể chia sẻ với ai, một mình lẩn mẩn tận hưởng vì nó dịu ngọt quá đi. Biết đâu, trời sẽ cho.
Không bao giờ nghĩ trúng giải an ủi. Cứ như là chiều nay sẽ cầm chắc độc đắc. Khoảng cách từ an ủi tới độc đắc giống như mặt đất với ngọn cây. Trên ngọn cây có hoa có trái, có trời có mây, tội gì không ước. Có một căn hộ, có đồng lương hưu, tháng nào cũng có chút đỉnh nhuận bút, nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhìn xuống cũng không nhiều người bằng mình, trời còn cho trúng số thì trời thiên vị không có lý do. Nhưng mà, không ai cấm ai ao ước, kể cả ông trời.
Trước tiên sẽ cho bà chị cả dưới quê nếu còn nợ vì con cái nó mang mình ra nó vay nợ. Nợ đã từng tầm hai trăm triệu, nay có thể nợ là bao nhiêu? Rất nhiều năm nay, nông dân chung thân với nạn cầm cố đất đai và sổ đỏ, ban đầu nhà này xì xào cười cợt nhà kia, nay cả xóm đều là “con tin” của đám hụi hè, đám cho vay nặng lãi, chẳng ai chê trách ai nữa. Vì sao nên nỗi? Vì được mùa rớt giá, vì vay nóng cho con đi bán sức ở nước người, có khi chỉ vì đua nhau cho con tấm bằng đại học trên thành phố trong tâm lý con gà tức nhau tiếng gáy, vậy thôi.
Rồi sẽ giúp ai nữa? Đứa em út cũng phận nông dân. Cũng chán lúa hì hục đào ao nuôi cá. Thời cá tra còn thịnh, vụ đầu lời kha khá, hai vợ chồng hí hửng, phen này chắc thoát bài ca lúa-mía-khóm nghèo. Bỗng dưng cá rớt giá, vay ngân hàng cầm cự chờ thương lái, chờ mãi cá vượt cỡ, bị chê, đành thu hoạch làm cá khô. Treo ao nhưng nợ ngân hàng vẫn phải đáo hạn dài dài. Vợ chồng dắt díu nhau lên chân núi Đà Lạt mướn đất trồng rau, mỗi năm xoay được vài chục triệu trả nợ dần.
Thung thổ lạ, một nắng hai sương đúng nghĩa, vừa rét mướt vừa u sầu làm bao nhiêu tiền thuê đất và thuê nhân công, hòa là may. Hòa cái vốn vay ngân hàng, nhưng muốn mùa mới làm sao? Cô em ngoài lục tuần, hai hàm răng rụng gần hết, rẫy rau ở ngay chân Langbiang mà mấy năm nay không dám mua vé ngồi xe lên tham quan đỉnh. Chị thương em ăn cũng nhớ, ngủ cũng nhớ, giật mình nước mắt vòng quanh.
Còn những ai để cứu người như cứu hỏa nữa? Còn một bà chị họ. Chồng nông dân mốc mác thâm căn cố đế. Vợ bị tiểu đường nếu không có tiền mua thuốc và khám định kỳ thì sẽ biến chứng. Cô con gái đầu lấy chồng về chốn diệu vợi đom đóm lá dừa nước, cắn đắn nhau mãi cái chữ nghèo, đành chia tay. Nó thề không lấy chồng nữa, chỉ lo báo hiếu.
“Đi làm ở Hà Nội” là cái từ để chỉ đám con gái trẻ không báo hiếu bằng lấy chồng Đài Loan, lấy chồng Hàn Quốc hay đi cho mướn bụng ở Thái Lan. Nhớ mãi những cái tết nhà họ ngóng con, nhưng con về thì tóc nâu, móng tay đỏ chót, không dám hỏi ngoài đó con làm mát-xa hay là… Con gái chỉ nói riêng với dì “Con chán đi làm ở Hà Nội quá rồi dì ơi”.
Còn biết bao nhiêu người phải trợ giúp. Những đứa con bơi trong thương trường để chuẩn bị cho con của chúng nó đi “tị nạn giáo dục”. Và những người bạn đang tự nguyện ôm một đống trẻ của những người đã lìa đời vì căn bệnh thế kỷ. Hay những bữa ăn hai ngàn đồng cho những người cần có một bữa trưa ấm cúng, đàng hoàng?
Ao ước được làm tỷ phú một ngày để phân phát cho đã. Đợi khi tối mới thỏ thẻ với chồng dò kết quả trên Internet. Không dám khoe đã ước những gì, nín thở nha, “nói trước bước không qua”. Lần nào chồng cũng sốt sắng và cười ngất: “Không dính được số nào em ơi. Chả lẽ mình mà còn trúng số sao?”
Trong một buổi tối ở quê, bỗng dưng mấy chị mấy em nhà nông cũng nói chuyện trúng số. Họ cũng ao ước độc đắc để gỡ cho người này người kia và gỡ cho chính mình. Hỏi ra mới biết họ còn chưa từng mua tờ vé số nào, chẳng là ở nơi khỉ ho cò gáy ấy thì có vé số dạo đâu mà mua.
Ôi trời - những người thật đáng để cho mình phải tiếp tục mua vé số và âm thầm hy vọng.
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/toi-nghiep-uoc-mo-39909.html