Tôi ngồi đếm tết

Tôi là người có thói quen kỳ lạ, thường hay đếm ngày tháng của những sự kiện đặc biệt diễn ra trong cuộc đời mình. Tết Giáp Thìn đến, lại thêm một năm căn nhà thiếu vắng bóng dáng quen thuộc của ba.

Nhiều lúc tôi vẫn chưa tin được ba đã rời đi rồi. Đó là vào chiều cạn Chạp, đặt chân về trước ngõ sau một năm chới với giữa phố thị xa xôi, cứ ngỡ ba sẽ chậm rãi bước ra từ trong căn nhà cũ, trầm giọng hỏi han: “Con gái út của ba về rồi đó à!”.

 Tết này tôi cùng má và các cháu về quê nội thắp nhang cho ba và ông bà

Tết này tôi cùng má và các cháu về quê nội thắp nhang cho ba và ông bà

Đó là đêm Ba mươi Tết, dù bạn bè nồng nhiệt rủ rê thế nào, dù pháo hoa rực rỡ mời gọi ra sao, tôi vẫn ngoan ngoãn ở nhà xem Táo quân và đốt lửa đón Giao thừa cùng ba. Hồi xưa ba thường dặn bên đốm lửa ấm giữa sân, đi chơi đâu bao giờ cũng được, nhưng giờ phút thiêng liêng chuyển giao năm mới thì phải ở bên gia đình.

Đó là sớm Mùng Một, khi choàng tỉnh từ cơn say ngủ trong chiếc mền ấm sực, chui ra khỏi phòng đón hơi lạnh se se của tiết trời miền Trung đầu Xuân phả vào mặt, tưởng đâu ba vẫn ngồi trên chiếc ghế đẩu tựa cửa chính, quay lại nhìn tôi cười hiền: “Tết nhứt cứ ngủ thêm chớ dậy chi sớm rứa con”.

Nhiều năm về trước, khi Chạp vừa lưng lửng, con bé tôi thường bắt ghế đứng nơi vườn nhà, với tay lặt lá mai cùng ba. Đợi ngày đầu năm mới, khi mặt trời rải tia nắng vàng óng xuống cánh mai mỏng manh, tôi hớn hở khoác chiếc áo cũ mà chị mặc hồi tết năm ngoái, leo lên gác ba ga chiếc xe đạp của ba, đếm từng vòng xe ba chở băng qua con đường cát trắng để về quê nội.

Ba dẫn hai chị em lên nổng cát thăm mộ ông, bà nội và dòng họ. Đi ngang khe nước nhỏ, ba xắn ống quần tới đầu gối, cõng tôi trên vai để khỏi ướt lạnh chân. Nén nhang thơm thắp giữa quê hương nghe ba hàn huyên cùng nội vài câu tha thiết. Sợi dây gắn kết nguồn cội, nỗi nhớ quê nhà da diết đã nhen nhóm trong lòng chị em tôi một cách giản đơn như thế. Rồi ba dắt chị em tôi ghé thăm từng nhà bà con chúc tết, chào chú chào bác. Khoái nhất là vòng tay nhận mấy phong bao lì xì đỏ chót.

Mãi về sau, mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn thương quặn lòng những ngày tháng đó. Tết nhà người ta bánh trái đủ đầy, mâm cơm đầu năm nhà tôi có khi là con cá cơm muối mắm vớt ra cuốn rau sống. Khổ thịt heo cúng bàn thờ gia tiên phải để dành ăn suốt một tuần. Nhà nghèo, số tiền mừng tuổi ít ỏi của tụi tôi trở thành động lực, là cứu cánh cho bữa cơm ra Giêng thêm chút thịt cá, cho buổi học ở trường đủ bút viết, sách vở. Chị em tôi chưa từng được tiêu xài tiền lì xì theo ý thích, nhưng chẳng đứa nào trách hờn chi ba má. Bởi ba dạy hoài, “khéo ăn thì no khéo co thì ấm”.

Tết tới tết đi nhanh như cành mai tàn phai trước ngõ. Tết dệt tuổi đời tôi dày thêm, tết nhuộm mái đầu ba bạc trắng. Dần dà ba không còn đủ sức đạp chiếc xe cọc cạch chở tôi về nội mỗi sáng Mùng Một nữa. Tết là khi ba bày quyển Truyện Kiều trước bàn thờ gia tiên, bói cho chị em tôi một quẻ đầu năm. Bên tách trà má pha từ sớm, ba nhâm nhi miếng bánh đậu xanh, luận giải điều hay lẽ ngay ở đời, gieo chút hy vọng niềm tin về năm mới an lành. Hồi đó trẻ con, tôi nào hiểu hết những lời ba dạy, nhưng cảm giác háo hức chờ nghe ba ngẫm câu Kiều vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ.

Có một mùa tết đặc biệt, khi tôi ở cùng ba trong bệnh viện từ 25 tháng Chạp. Ba đau nặng, nằm co ro trên giường trong cái lạnh run xứ Quảng. Thế mà, tôi vẫn chưa ý thức được rằng, thời gian của ba sắp hết. Tôi quên đếm số ngày ba còn trên đời, quên luôn cần ôm ba thật chặt. Con người ta có ai đoán được ngày phải nói lời tạm biệt, có ai lường trước được nỗi đau.

Bây chừ, chị em tôi đã trưởng thành, đủ điều kiện kinh tế để khỏi phải đi quanh “xin lì xì”, đủ khả năng để chăm lo cái tết sung túc cho ba, thì người đã về miền mây khói ngàn năm. Nhắm mắt lại, mở mắt ra, nhìn quanh quất chẳng thấy ba ở đâu nữa. Tôi đành mò mẫm lần theo những chỉ dấu mơ hồ ba để lại mà tìm tết, cũng ở nhà nhóm bếp lửa trong đêm Giao thừa, cũng về nội thăm mộ ông bà tổ tiên vào sáng Mùng Một, cũng bánh cũng trà chúc tết và trao những phong bao mừng tuổi cho người thân yêu.

Đã tám cái tết ba không còn ở bên cạnh chúng tôi. Là tám mùa Xuân tôi lau nước mắt nghẹn ngào. Đếm tới đếm lui, chợt nhận ra phước lành làm sao tết này mình còn có má. Thì vẫn còn những dấu yêu ấm áp để chị em tôi tìm về. Điều gì chúng tôi chưa kịp làm cho ba thì sẽ ráng dành trọn về phía má. Bây chừ, giữa thụng thịnh nhớ thương năm tháng cũ, tôi lại ngồi đếm tết. Phải chi đếm hoài đếm mãi, tết nào má cũng ở đó thay ba…

NY AN

Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/toi-ngoi-dem-tet-post726820.html