'Tôi nhận hơn 16.000 email lăng mạ sau trận đấu của tuyển Anh'

Cựu trọng tài Urs Meier chia sẻ với tạp chí FourFourTwo về giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình. Tất cả bắt đầu từ một quyết định ở Euro 2004.

Tại Euro 2004, tôi bị gọi là kẻ gian lận. Tuyển Anh thất bại trước Bồ Đào Nha trên chấm phạt đền ở tứ kết và tôi trở thành kẻ thù số một của họ.

Tuy nhiên, trước hết, chúng ta cần phải làm rõ một điều. Bất chấp việc truyền thông Anh luôn phủ nhận, tôi khẳng định rằng mình đưa ra quyết định chính xác ở Lisbon (Bồ Đào Nha).

 Cựu trọng tài Urs Meier thời còn làm việc ở Euro 2004. Ảnh: FourFourTwo.

Cựu trọng tài Urs Meier thời còn làm việc ở Euro 2004. Ảnh: FourFourTwo.

Nguồn cơn dẫn đến thảm họa

Sol Campbell không phạm lỗi với thủ môn Ricardo, tôi vẫn cho phép cậu ấy thực hiện pha đánh đầu ở những phút cuối của thời gian thi đấu chính thức. Người phạm lỗi với thủ môn của tuyển Bồ Đào Nha là trung vệ John Terry.

Tình huống tương tự có trong giáo trình dành cho các trọng tài ở Đức, như một ví dụ điển hình về việc đưa ra quyết định trong trường hợp bạn không có góc quan sát tốt hoặc mọi chuyện nằm ngoài tầm mắt của bạn.

Thành thật mà nói tôi không nhìn thấy bất kỳ pha va chạm nào trong tình huống đó nhưng biết chắc chắn rằng có điều gì đó không ổn. Trái tim của tôi mách bảo như vậy và tôi luôn tin vào cảm giác của mình trong suốt sự nghiệp kéo dài 20 năm.

Tất cả quá dễ dàng để phán đoán. Ricardo chưa chạm tay vào bóng. Song, tại sao cậu ấy không thể đứng dậy sau khi ngã xuống?

Tôi nhanh chóng đưa ra quyết định thổi phạt vì cho rằng cầu thủ bên phía tuyển Anh phạm lỗi. Bàn thắng không được công nhận. Các cầu thủ tuyển Anh rất tức giận, đặc biệt là Campbell.

Mọi chuyện càng tệ hơn khi ngay sau đó, tuyển Bồ Đào Nha thực hiện một quả đá phạt trực tiếp rất nhanh, toàn đội hình dồn lên tấn công. Tình huống này kết thúc bằng một cú sút ra ngoài. Tạ ơn Chúa, nếu họ ghi bàn, mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn.

Khi bóng vừa đi ra ngoài sân, các cầu thủ tuyển Anh tiếp tục vây xung quanh tôi. Campbell chạy một mạch về phần sân nhà chỉ để hét vào mặt tôi, khẳng định với tôi rằng bản thân không va chạm với bất kỳ ai. Cậu ấy yêu cầu được biết lý do bàn thắng của tuyển Anh không được công nhận.

Tôi lấy lại sự bình tĩnh, giải thích với Campbell rằng cậu ấy không phạm lỗi và bản thân tôi cũng không biết ai khiến Ricardo ngã xuống. Điều đó khiến cậu ấy choáng váng, không thể tin nổi.

Tuy nhiên, tôi phải khẳng định rằng cả 2 đội đều hành xử rất đúng mực. Các cầu thủ tuyển Anh dường như không có ý chống lại tôi. Song, đáng buồn thay, truyền thông của họ lại làm điều này.

 Tình huống gây tranh cãi trong trận đấu giữa tuyển Anh và tuyển Bồ Đào Nha ở Euro 2004. Ảnh: FourFourTwo.

Tình huống gây tranh cãi trong trận đấu giữa tuyển Anh và tuyển Bồ Đào Nha ở Euro 2004. Ảnh: FourFourTwo.

Ngày hôm sau, tôi thức dậy và thấy hơn 16.000 email trong hộp thư của mình. Tất cả đều bằng tiếng Anh, với nội dung đe dọa tính mạng hoặc lăng mạ tôi. Càng kéo xuống và mở từng email, tôi càng cảm thấy rất ngạc nhiên.

Tôi đi ngủ vào buổi tối và hy vọng mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp. Nhưng không, cảnh sát Thụy Sĩ gọi cho tôi, nói rằng tôi đang gặp nguy hiểm và phải ở lại Bồ Đào Nha. Họ không thể đảm bảo sự an toàn cho tôi nếu tôi cố gắng về nhà.

Gương mặt của tôi xuất hiện trên trang bìa của mọi tờ báo ở Anh. Họ cũng tìm ra địa chỉ email của tôi và công bố trên mặt báo. Đó là lý do những bức thư chứa đựng sự thù hằn được gửi đến hòm thư của tôi. Tôi phải xóa toàn bộ email được gửi đến và khóa tài khoản. Nếu không, tôi có thể nhận được hơn 500.000 email trong thời gian ngắn.

Những ngày tiếp theo, các nhà báo tìm đến tôi. Áp lực quá lớn khiến tôi không thể rời khỏi khách sạn của mình. Không ai từ Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) liên lạc với tôi. Tôi cảm thấy rất đơn độc.

Cuối cùng, tôi cảm thấy mình không thể tiếp tục ở lại Bồ Đào Nha lâu hơn nữa. Tôi nói với cảnh sát địa phương rằng hãy để tôi đến sân bay và trở về Thụy Sĩ vài ngày sau đó.

Khi máy bay của tôi hạ cánh ở Zurich, 2 sĩ quan cảnh sát trong trang phục dân sự đang chờ tôi ở đường băng, đưa tôi ra xe và chở đến một thị trấn nhỏ gọi là Baden, cách Zurich khoảng 32 km.

Tôi được ở trong một căn hộ tương đối an toàn và biết cách phòng thân ở đó cho đến khi có thể về đến nhà. Tôi thậm chí còn không thể báo cho gia đình hoặc bạn bè biết mình đang ở đâu.

Sau khoảng một tuần, tôi có mặt ở nhà của mình. 6 tháng sau trận đấu giữa tuyển Anh và tuyển Bồ Đào Nha đó, mỗi khi đi làm nhiệm vụ xa nhà, tôi đều hoảng sợ khi có ai đó nói tiếng Anh ở gần mình. Thật kinh khủng.

 Tuyển Bồ Đào Nha giành chiến thắng trước tuyển Anh sau loạt penalty cân não với "Bàn tay nhựa" Ricardo. Ảnh: FourFourTwo.

Tuyển Bồ Đào Nha giành chiến thắng trước tuyển Anh sau loạt penalty cân não với "Bàn tay nhựa" Ricardo. Ảnh: FourFourTwo.

Những ngày bình yên

Nửa năm sau, tôi quyết định giã từ sự nghiệp. Ở tuổi 45, tôi muốn nghỉ ngơi để dành thời gian đi mọi nơi. Tuy nhiên, mọi người luôn nghĩ rằng chính nỗi sợ ở Bồ Đào Nha khiến tôi từ bỏ nghiệp cầm còi.

Tôi không thể để điều đó tiếp tục ám ảnh mình và đề nghị UEFA cho phép điều khiển một trận đấu ở Anh. Thực sự, tôi là người hâm mộ bóng đá Anh. Các CĐV Anh, Ireland và Scotland là những người công tâm nhất trên thế giới.

Thế nhưng, UEFA khước từ lời đề nghị này. Họ lo lắng khi nghĩ đến việc tôi bước vào sân vận động ở Anh.

Tất nhiên, không phải lúc nào tôi cũng bị căng thẳng trong công việc. Tôi từng được điều khiển một số trận đấu tuyệt vời trong sự nghiệp như chung kết Champions League 2001/02 giữa Real Madrid và Bayer Leverkusen tại Hampden Park.

Zinedine Zidane là cầu thủ tôi yêu thích nhất trong trận đấu đó và thật vui khi được gặp cậu ấy. Zidane là thiên tài bẩm sinh. Bạn luôn có cảm giác rằng cậu ấy có thể tỏa sáng dù không cần cố gắng nhiều.

Tôi đứng cách Zidane khoảng 10 m khi cậu ấy thực hiện cú vô lê mang về bàn thắng ấn định tỷ số cho Real Madrid. Khả năng điều khiển trái bóng của cậu ấy khiến nhiều đồng nghiệp phải ao ước có được.

Vào thời điểm đó, các trọng tài phải thổi còi báo hiệu bàn thắng được ghi. Sau bàn thắng của Zidane, tôi được thổi hồi còi hạnh phúc nhất sự nghiệp. Ngay cả người hâm mộ Leverkusen cũng đứng dậy để vỗ tay tán thưởng.

Những khoảnh khắc đẹp như vậy sẽ không xuất hiện nếu không có các trọng tài dày dặn kinh nghiệm, đảm bảo trận đấu diễn ra công bằng, tốt đẹp.

Nhìn lại những rắc rối từng xảy đến với tôi và gia đình, tôi thầm cảm ơn truyền thông Anh. Chiến dịch lăng mạ họ tạo ra giống như một chiêu trò để PR cho tôi. Ở Thụy Sĩ, Đức và mọi nơi, quyết định không công nhận bàn thắng của Campbell vẫn được đánh giá là chính xác.

Điều đó giúp tôi được làm việc ở một đài truyền hình Đức tại World Cup 2006 và Euro 2008 với vai trò là một chuyên gia. Tôi cũng được làm việc ở The Sun và một số tờ báo khác. Điều đó thật tốt. Cuối cùng, tôi xin cảm ơn tất cả các bạn.

Urs Meier từng là một trọng tài nổi tiếng người Thụy Sĩ. Ông được công nhận là trọng tài FIFA từ năm 1994 cho đến khi giải nghệ vào năm 2004.

Thông qua FourFourTwo, cựu trọng tài Meier chia sẻ về quãng thời gian đen tối nhất trong sự nghiệp của mình. Zing lược dịch bài viết của ông.

Ngày Beckham bị cười nhạo vì cú sút penalty dở tệ Tại EURO 2004, David Beckham sút hỏng cú luân lưu khi tuyển Anh đối đầu Bồ Đào Nha trong loạt 11 m. Becks bị CĐV Bồ Đào Nha chế nhạo sau cú sút đưa bóng lên trời.

Thường Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-nhan-hon-16000-email-lang-ma-sau-tran-dau-cua-tuyen-anh-post1230919.html