Tội phạm buôn người rình rập phụ nữ và trẻ em Ukraine
Theo Cơ quan Tị nạn của Liên hợp quốc (LHQ), kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hôm 24/2 đến nay, đã có hơn 2,5 triệu người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em rời Ukraine sang các nước khác. Làn sóng di cư ồ ạt kéo theo sự gia tăng về nạn buôn người, trong đó, nhiều nạn nhân bị buộc phải hành nghề mại dâm, hoạt động tội phạm, nô lệ tình dục hoặc bị lao động cưỡng bức...
Chiếc bẫy giăng sẵn bên kia biên giới
Hàng triệu phụ nữ, trẻ em Ukraine đổ xô qua Ba Lan lánh nạn, mang trong mình nhiều chấn thương tâm lý và nỗi đau ly tán do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo LHQ, số người tị nạn Ukraine đã vượt mốc 2,5 triệu người, trong đó có hơn một triệu trẻ em, đã chạy trốn khỏi Ukraine bị chiến tranh tàn phá trong cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có ở châu Âu và cuộc di cư nhanh nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Phát ngôn viên Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) James Elder gọi cuộc khủng hoảng di cư này là "lịch sử đen tối".
Trong khi nam giới trong độ tuổi từ 18-60 được yêu cầu ở lại chiến đấu thì phụ nữ, trẻ em và người già lại di chuyển trong đói lạnh, đau buồn hướng đến châu Âu như một nơi ẩn náu. Vòng tay của châu Âu đang rộng mở đối với họ nhưng không phải ai ở bên biên giới Liên minh châu Âu (EU) cũng có ý định cao cả như vậy. Nhiều băng nhóm tội phạm ở châu Âu hiện đang nhắm mục tiêu vào phụ nữ và trẻ em nhập cảnh từ Ukraine, lợi dụng nhu cầu cấp thiết cần được giúp đỡ của họ để dụ họ đến Đức và các nước châu Âu khác để thực hiện hoạt động buôn bán tình dục. Cảnh sát cho biết, bọn tội phạm tỏ ra khôn ngoan bằng cách hứa hẹn với phụ nữ và trẻ em Ukraine về "chỗ ở an toàn và đưa đón miễn phí" để dụ họ ra khỏi khu vực an ninh nơi có trạm kiểm soát và sau đó đưa họ đi.
Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, một phụ nữ Ukraine 27 tuổi nhập cảnh vào Ba Lan đã kêu gọi những người Ukraine nhập cảnh vào quốc gia láng giềng nên cảnh giác. Cô kể: "Một phụ nữ Ukraine nhập cảnh vào Ba Lan như tôi đã bỏ đi khỏi trạm kiểm soát biên giới với một người lạ vì người đó nói rằng có thể đưa cô ấy đến Warsaw miễn phí. Nhưng sau khi đến Warsaw, người đó bất ngờ yêu cầu cô ấy đưa tiền. Cô ấy không có tiền để trả nên bị đe dọa phải thực hiện hành vi bán dâm để trả nợ. Cô ấy sau đó phải hét lên thật to để thu hút sự chú ý của mọi người mới có thể trốn thoát".
Cảnh sát Ba Lan cũng cho biết họ đã bắt giữ một nghi phạm 49 tuổi với các cáo buộc hiếp dâm và hành hung một người tị nạn Ukraine 19 tuổi mà anh ta dụ dỗ nhờ những lời đề nghị giúp đỡ qua internet. Nhà chức trách cho biết, nghi phạm có thể phải đối mặt với án tù 12 năm vì "tội ác tàn bạo".
Tom Bell - một tình nguyện viên người Anh hiện đang phục vụ tại trạm kiểm soát Medika ở biên giới Ba Lan - cho biết, hiện sở cảnh sát địa phương đã yêu cầu các tình nguyện viên kiểm tra kỹ thông tin nhận dạng của các cá nhân hoặc nhóm đón người Ukraine, đặc biệt là những người đón phụ nữ và trẻ em. Cảnh sát Ba Lan cho biết, họ đã bắt giữ một số nghi phạm bắt cóc phụ nữ và trẻ em và sẽ tiếp tục truy quét các băng nhóm buôn người qua biên giới.
Các nước châu Âu tăng cường bảo vệ nạn nhân
Theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế, kể từ năm 1991 đến nay, ít nhất 120.000 người Ukraine đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Và khi số người chạy trốn khỏi cuộc chiến của Nga ở Ukraine vượt qua con số 2 triệu, các tổ chức phi chính phủ ở các vùng biên giới Hungary, Ba Lan, Slovakia, Romania và Moldova tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về những người tị nạn, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, bị buôn bán và bóc lột bởi tội phạm.
Tại các quốc gia trên khắp châu Âu, bao gồm các quốc gia có biên giới với Ukraine như Romania, Ba Lan, Hungary, Moldova và Slovakia, nhiều tình nguyện viên tư nhân đã chào đón và giúp đỡ những người có cuộc sống bị tàn phá bởi chiến tranh. Họ được giúp từ nơi ở, phương tiện đi lại miễn phí đến các cơ hội việc làm và các hình thức hỗ trợ khác. Rafal Wlodek - nhân viên cứu trợ tại một trung tâm tiếp nhận bên kia biên giới Ba Lan - cho biết: "Chúng tôi đã có báo cáo về những người đón người tị nạn và đề nghị đưa họ đi nơi khác nhưng thay vào đó, họ lại đưa đến những nơi vắng vẻ để trấn lột. Do đó, chúng tôi đã lập và cung cấp một danh sách đáng tin cậy những người có thể hỗ trợ vận chuyển phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi muốn giúp họ tránh tình trạng bị lợi dụng".
Joanna Garnier - Phát ngôn của Tổ chức Tư vấn và Can thiệp quốc gia về nạn nhân buôn người có trụ sở tại Warsaw (Ba Lan) - cho biết, những phụ nữ vượt biên sang Ba Lan từ Ukraine đã được phát tờ rơi cảnh báo về sự nguy hiểm. "Chúng tôi đưa ra những lời khuyên an toàn cho phụ nữ như không lên xe của người lạ và hãy đi theo nhóm. Nếu có điều gì đó khả nghi hãy thông báo ngay cho cảnh sát", Joanna nói.
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cảnh báo rằng ít nhất 400.000 trẻ em Ukraine đang di chuyển khắp Đông Âu, khiến các em có nguy cơ bị lạm dụng. Tổ chức này ước tính rằng hơn 40% người tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh đến Ba Lan, Romania, Moldova, Hungary, Slovakia và Litva là trẻ em.
Còn bà Lauren Agnew - Chuyên gia về chính sách buôn người của tổ chức từ thiện CARE - cho biết cuộc xung đột ở Ukraine là "cực kỳ đáng báo động" đối với nạn buôn người. Theo bà Lauren, các băng đảng sẽ coi cuộc xung đột này là một cơ hội cực kỳ có lợi cho hoạt động kinh doanh xấu xa của chúng và đáng buồn thay, phụ nữ và trẻ em sẽ là nạn nhân. Những người tị nạn dễ bị tổn thương có nguy cơ bị bóc lột cao nhất. Cuối cùng sẽ có nhiều tội phạm, nhiều người bị cưỡng bức lao động hơn và nguy cơ lớn nhất là nhiều phụ nữ bị bóc lột tình dục. "Các quốc gia mà người tị nạn đang chạy đến vốn là điểm nóng của các băng nhóm tội phạm. Chúng săn mồi trước sự bấp bênh của người tị nạn để kiếm lợi nhuận", bà Lauren Agnew nói.
Một trong những trở ngại chính mà người tị nạn, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ phải đối mặt là thiếu sự phối hợp tại các cửa khẩu và các cơ sở tiếp nhận. Tổ chức CARE cam kết sẽ vận động để bảo vệ nhiều hơn nữa những người Ukraine và tăng cường nỗ lực để phát hiện và ngăn chặn tội phạm. Trong khi đó, chính phủ nhiều nước châu Âu cũng cam kết giải quyết tội phạm buôn người. Đại diện Bộ Nội vụ Anh cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục trấn áp những kẻ bóc lột người dễ bị tổn thương, cung cấp hỗ trợ phù hợp cho các nạn nhân để giúp họ hồi phục".