Tội phạm chuyên nghiệp và 'kim bài miễn tử'

Hoạt động quản lý nhà nước liên quan đến công tác giám định tư pháp cần các giải pháp cứng rắn để chấn chỉnh, ngay cả khi mới có dư luận về tính minh bạch của hoạt động này.

Ngày 16-6-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục bắt giữ hai bác sĩ là viện trưởng và phó viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (đóng tại phường Tân Phong, TP Biên Hòa, Đồng Nai) vì những sai phạm liên quan đến kết quả giám định, điều trị bệnh nhân tâm thần.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã bắt giữ 9 người là bác sĩ, điều dưỡng, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.

Thực trạng trên dẫn đến một câu chuyện hy hữu là Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa không còn cán bộ làm việc nên phải báo cáo hỏa tốc và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế để có phương án ổn định nhân lực công tác.

Thoát án tử nhờ có chứng nhận tâm thần

Từ lâu nay, dư luận luôn râm ran rằng tội phạm chuyên nghiệp luôn có "kim bài miễn tử", "kim bài miễn tội" là giấy chứng nhận tâm thần. Trên thực tế, nếu bị can, bị cáo có giấy chứng nhận tâm thần là có thể được thoát án tử.

Năm 2016, đối tượng Lê Văn Phúc đã gây ra một vụ án giết người dã man tại tỉnh Quảng Nam. Vụ án khiến dư luận phẫn nộ vì tính chất man rợ của hành vi. Tuy nhiên, với kết luận của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần Đà Nẵng (là Phúc bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi), Phúc chỉ bị tuyên chung thân thay vì phải gánh chịu hình phạt tử hình.

 Nhiều bác sĩ, điều dưỡng của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa vừa bị bắt.

Nhiều bác sĩ, điều dưỡng của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa vừa bị bắt.

Một vụ án khác, bà Đào Thị Thu Thảo thực hiện với hành vi cố ý lây truyền HIV cho người khác nhưng do có kết luận giám định của Viện Pháp y tâm thần Trung ương 2 kết luận trước, trong và sau khi gây án bà Thảo bị bệnh trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần nên VKSND tỉnh đã quyết định đình chỉ điều tra bị can và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Hai ví dụ trên đây cho thấy giấy chứng nhận tâm thần của bị can, bị cáo có tầm quan trọng như thế nào trong việc xử lý vụ án hình sự của cơ quan tố tụng. Vì vậy, nếu những giấy chứng nhận tâm thần mà làm giả thì kết quả điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án cũng sẽ bị sai lệch theo.

Trong thực tế đã có rất nhiều y, bác sĩ rơi vào vòng lao lý vì làm giả bệnh án tâm thần. Tháng 8-2018, Công an TP Hà Nội khởi tố bác sĩ chuyên khoa 2 Thân Thái Phong (phó trưởng khoa tâm thần người cao tuổi) và ông Nguyễn Tuấn Sơn (kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng) vì làm hồ sơ bệnh án giả nhằm giúp một đối tượng phạm tội thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật. Tháng 5-2024, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên phạt ông Phạm Ngọc Phượng (cựu giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ngãi) về tội nhận hối lộ để làm bản kết luận giám định pháp y về bệnh tật giả.

Dưới góc độ pháp lý, Điều 21 BLHS 2015 quy định tình trạng một người không có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi đó, vụ án sẽ được đình chỉ và đối tượng sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Điều 49 BLHS 2015 cũng quy định: “Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”. Khi bệnh tâm thần ổn định, đối tượng tiếp tục được Cơ quan Điều tra phục hồi điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Thời gian chữa bệnh sẽ được trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù sau này khi Tòa tuyên án. Bên cạnh đó, điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS cũng quy định về tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.

Dưới góc độ triển khai thi hành pháp luật thì trong trường hợp người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất đến tử hình, nhưng nếu có căn cứ xác định người phạm tội mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, thì thông thường tòa án không áp dụng hình phạt tử hình.

Khi kẻ thủ ác không phải gánh chịu vòng kim cô của pháp luật thì cái mất nhiều nhất đó là niềm tin vào công lý. Theo một hệ lụy của tự nhiên thì nhiều kẻ thủ ác khác sẵn sàng “chạy” giấy tâm thần để thoát khỏi vòng cương tỏa của pháp luật. Lúc đó, pháp luật mất uy và nhà nước pháp quyền chỉ còn là mộng tưởng.

TS CAO VŨ MINH

Coi chừng người dân mất niềm tin vào công lý

Vi phạm pháp luật luôn luôn tồn tại yếu tố lỗi. Lỗi là thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra. Do đó, khi thực hiện hành vi mà chủ thể nhận thức được hành vi cũng như hậu quả do hành vi của mình gây ra thì xem như tồn tại yếu tố lỗi.

Khi một người bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình (như bị bệnh tâm thần) thì xem như không có yếu tố lỗi. Do đó, về nguyên tắc nhân đạo, pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng không trừng trị hành vi trái pháp luật thực hiện trong trạng thái một người bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Lợi dụng các quy định này, nhiều người đã tìm mọi cách để có trong tay bệnh án tâm thần giả nhằm đối phó với các cơ quan pháp luật.

Khi thực hiện hành vi trái pháp luật hình sự, với kim bài miễn tử là bệnh án tâm thần, kẻ thủ ác hoàn toàn không lo ngại về sự trừng phạt của pháp luật. Gọi là kim bài miễn tử là không có gì quá đáng bởi kẻ thủ ác hoàn toàn có thể thoát án tử hình. Trường hợp bị phạt tù thì người phạm tội được rút ngắn hoặc thậm chí có thể không phải chấp hành hình phạt tù bởi vụ án có thể được tạm đình chỉ để bị can áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Khi kẻ thủ ác không phải gánh chịu vòng kim cô của pháp luật thì cái mất nhiều nhất đó là niềm tin vào công lý. Sau đó, theo một hệ lụy của tự nhiên, nhiều kẻ thủ ác khác sẵn sàng “chạy” giấy tâm thần để thoát khỏi vòng cương tỏa của pháp luật. Lúc đó, pháp luật mất uy và nhà nước pháp quyền chỉ còn là mộng tưởng.

Tất nhiên, bệnh án tâm thần sẽ không thể được ngụy tạo nếu thiếu bàn tay hắc ám của các y, bác sĩ biến chất - những người mà lẽ ra phải thật trong sạch để giúp các cơ quan tiến hành tố tụng bảo vệ công lý. Tiếp tay để làm giả bệnh án tâm thần không đơn thuần là sai phạm nghề nghiệp, vi phạm đạo đức mà chính là hành vi dung túng, bao che cho cái xấu, cái ác.

Sự bao che cho cái xấu, cái ác không chỉ tiếp tay cho kẻ giả điên tác oai tác quái mà còn gây ra sự tổn thương rất lớn cho nạn nhân hay thân nhân của nạn nhân trên hành trình kiện đòi công lý.

Hy vọng, với việc khởi tố, bắt giam, xét xử những y, bác sĩ với bàn tay nhúng chàm sẽ là lời cảnh tỉnh cho việc thực hiện các hoạt động nghề nghiệp một cách liêm chính, đạo đức trong hiện tại cũng như tương lại. Hãy luôn ghi nhớ lời thềHippocrates để ra sức độ thế, cứu người.

Điều này cũng gióng lên một hồi chuông cảnh báo về hoạt động quản lý nhà nước liên quan đến công tác giám định tư pháp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần được thiết lập một cách quy củ, nghiêm ngặt, sẵn sàng áp dụng các giải pháp cứng rắn để chấn chỉnh ngay cả khi mới có dư luận về tính minh bạch của hoạt động này.

TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/toi-pham-chuyen-nghiep-va-kim-bai-mien-tu-post796232.html