Tội phạm có động cơ chính trị ở Đức đạt mức cao nhất trong 22 năm
Năm 2023, Đức ghi nhận số tội phạm có động cơ chính trị đạt mức cao nhất kể từ năm 2001, với mối đe dọa lớn nhất xuất phát từ những người có động cơ cực hữu.
Đức xác nhận 60.028 tội phạm liên quan động cơ chính trị năm 2023, bao gồm các hành vi như cản trở nền dân chủ và tội ác nhằm vào các thành viên của một số sắc tộc, tôn giáo hoặc các nhóm khác.
Năm 2023, tội phạm có động cơ chính trị cánh hữu tăng 23%, lên 28.945 vụ, trong đó có 1.270 vụ bạo lực. Tội phạm cánh tả tăng 11%, lên 7.777 vụ, bao gồm 916 vụ bạo lực.
Chủ tịch Văn phòng Cảnh sát hình sự liên bang Holger Munch cho biết, tội phạm mang động cơ chính trị đã tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm qua và vẫn tiếp tục gia tăng với một bộ phận đang có xu hướng cực đoan hóa.
Đầu tháng 5, một ứng cử viên thuộc Đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bị tấn công khi đang vận động tranh cử một ghế trong Nghị viện châu Âu. Nhà chức trách tin rằng, 4 người đàn ông bị bắt giữ trong vụ việc đều theo đuổi chủ nghĩa cánh hữu. Không lâu sau đó, một người đàn ông 74 tuổi cũng có hành vi hành hung bà Franziska Giffey, một quan chức kinh tế hàng đầu, tại một sự kiện ở thành phố Berlin.
Theo AP, mối đe dọa bạo lực chính trị ở Liên minh châu Âu đã trở nên rõ ràng hơn sau vụ ám sát Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Nhiều chính trị gia Slovakia đã đổ lỗi cho sự chia rẽ chính trị gay gắt dẫn đến vụ việc khiến Thủ tướng nước này bị thương nghiêm trọng.
Cảnh sát Đức cũng ghi nhận dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ của tội phạm chống Do Thái với số vụ đã tăng gần gấp đôi ở năm 2023, lên 5.164 vụ. Ông Holger Munch nhận định, tình trạng này liên quan đến xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza.
Ngoài ra, tội phạm mang yếu tố thù ghét của năm 2023 là 17.000 vụ, tương đương mức tăng khoảng 48%, trong khi số vụ liên quan hành vi chống người xin tị nạn cũng tăng 75%.