Tội phạm đến vùng biển quốc tế giáp ranh Việt Nam để mua bán ma túy
Gần đây phát hiện hàng tấn ma túy tổng hợp được một số đối tượng mở xưởng điều chế, sản xuất ngay sát biên giới Việt Nam, sau đó vận chuyển vào Việt Nam rồi vận chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ.
Tội phạm lợi dụng tuyến đường biển, sử dụng tàu, thuyền đi đến vùng biển quốc tế giáp ranh Việt Nam để mua bán, giao nhận ma túy - Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cảnh báo lo ngại này tại họp báo cung cấp thông tin về kết quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy năm 2024, diễn ra ngày 20/12, tại Hà Nội.
Thông tin tại họp báo cho thấy, tình hình tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm vẫn diễn biến phức tạp với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Trong đó, tại tuyến Bắc miền Trung-Tây Nguyên, thời gian gần đây phát hiện lượng lớn (hàng tấn) ma túy tổng hợp được một số đối tượng người Trung Quốc mở xưởng điều chế, sản xuất ngay sát biên giới Việt Nam, sau đó vận chuyển vào Việt Nam rồi vận chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ.
Trên tuyến Tây Nam, ma túy từ Campuchia vận chuyển qua tuyến này gần đây đang có xu hướng dịch chuyển sang tỉnh Bình Phước, An Giang và từ Lào qua các tỉnh Bắc miền Trung rồi tập kết tại các kho ở các tỉnh giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó trung chuyển về các kho ở các quận, huyện như: Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè… để ngụy trang trong các loại hàng hóa rồi dùng các công ty do các đối tượng thành lập để xuất đi nước thứ ba như Australia, Trung Quốc, Nhật Bản… tiêu thụ.
Tình hình tội phạm ma túy trên các tuyến đường biển, hàng không, bưu điện cũng đang diễn biến ngày càng phức tạp, trong đó tuyến đường biển tiềm ẩn nhiều nguy cơ vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng đặc biệt lớn. Năm 2024, tái diễn tình trạng ma túy trôi dạt ven biển nhiều tỉnh, thành phố như: Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An…
Theo Cục C04, hiện nay các đối tượng tội phạm ma túy có xu hướng hoạt động chuyển dịch từ “đời thực” sang “đời ảo”, lợi dụng không gian mạng để hoạt động. Do đó, số lượng điểm, tụ điểm truyền thống có xu hướng giảm và điểm, tụ điểm trên không gian mạng có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, việc xác định, đấu tranh triệt phá với các điểm, tụ điểm trên không gian mạng còn rất thấp, chủ yếu là do khả năng tiếp cận với tội phạm trên không gian mạng còn nhiều hạn chế, đội ngũ vai ảo nghiệp vụ và vai ảo công tác viên bí mật còn thiếu và yếu.
Trước tình hình phức tạp trên, với tinh thần quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ, 11 tháng năm 2024, lực lượng Cảnh sát điều tra toàn quốc đã đấu tranh, khám phá 28.713 vụ, bắt giữ 48.699 đối tượng phạm tội về ma túy. Thu giữ 645kg heroin, 1,5 tấn cần sa, 3,1 tấn và 3,6 triệu viên ma túy tổng hợp, 56 kg thuốc phiện, 115 khẩu súng cùng nhiều đạn. Riêng Cục C04 đấu tranh 84 vụ, bắt giữ 358 đối tượng; thu giữ 190kg heroin, 850kg và 642.000 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vũ khí quân dụng và tài sản.
Tại họp báo, Trung tướng Nguyễn Văn Viện dự báo tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, các tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung-Tây Nguyên và Tây Nam vẫn là tuyến trọng điểm, phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy. Phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, liều lĩnh.
Tiếp tục xuất hiện tình trạng các đối tượng phạm tội lợi dụng tuyến đường hàng không, bưu điện để vận chuyển trái phép chất ma túy; lợi dụng tuyến đường biển, sử dụng tàu, thuyền đi đến vùng biển quốc tế giáp ranh Việt Nam để mua bán, giao nhận ma túy hoặc thả các bao, phao cứu sinh cất giấu ma túy có gắn định vị theo luồng nước, sau đó thông báo cho các đối tượng trong đường dây theo định vị nhận ma túy; thả ma túy trôi trên biển để tẩu tán khi nghi ngờ bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ.
Theo Trung tướng Nguyễn Văn Viện, thời gian tới lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ tập trung làm tốt 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung đấu tranh mạnh, điều tra, xử lý triệt để với các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia, gắn với việc thực hiện có hiệu quả các phương án nghiệp vụ trên 4 tuyến trọng điểm: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung-Tây Nguyên, Tây Nam, Kế hoạch đấu tranh với các loại ma túy núp bóng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử…, góp phần ngăn chặn có hiệu quả nguồn cung ma túy.
Lực lượng sẽ tập trung đấu tranh mạnh với tội phạm ma túy lợi dụng tuyến đường hàng không để hoạt động, trọng tâm triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch của Cục C04 về phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm về ma túy lợi dụng tuyến hàng không, bưu điện từ châu Âu về Việt Nam. Các lực lượng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển cũng tăng cường phối hợp tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển, trong đó lực lượng Công an là chủ công, nòng cốt trong phòng, chống ma túy. Chủ trì, chủ động trong công tác trao đổi thông tin, xác lập và đấu tranh chuyên án chung, phối hợp ngăn chặn nguồn ma túy thẩm lậu từ nước ngoài qua biên giới vào Việt Nam.
Song hành với đó, thúc đẩy hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, đặc biệt là với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Australia, Hoa Kỳ…/.