Trừ 5 tội danh, hình phạt cao nhất của người chưa thành niên phạm tội giảm đến 3 năm tù
Luật Tư pháp người chưa thành niên dù cơ bản giữ nguyên hệ thống hình phạt cũ nhưng vẫn có nhiều thay đổi rất nhân văn so với BLHS hiện hành.
Chiều 20-12, Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục tổ chức họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới được thông qua. Trong đó, Luật Tư pháp người chưa thành niên là một trong những luật đáng chú ý.
Đề cao tính nhân văn và nghiêm minh của chính sách hình phạt
Trình bày về luật này, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến nói luật bổ sung nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng mới, phù hợp với người chưa thành niên. Mục đích, nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phải phù hợp với hoàn cảnh, độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên.
Đồng thời, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, khả năng giáo dục, phục hồi của người chưa thành niên phạm tội và sự an toàn của bị hại, cộng đồng; giúp người chưa thành niên thay đổi nhận thức, nhận biết, sửa chữa sai lầm gây ra, tự rèn luyện khắc phục, ngăn ngừa nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội và giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật Tư pháp người chưa thành niên giữ nguyên hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội như Bộ luật Hình sự hiện hành gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn; không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên.
Luật này cũng giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 9 năm tù, trừ trường hợp phạm 5 loại tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe và ma túy thì mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành để đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của chính sách hình phạt đối với người chưa thành niên.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định 2 thủ tục tố tụng riêng biệt đối với người chưa thành niên: Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội; Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng.
Luật cũng quy định người chưa thành niên thi hành án phạt tù tại trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân để có môi trường giáo dục, phục hồi tốt nhất. Đồng thời, luật nghiêm cấm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chưa thành niên chấp hành xong biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, chấp hành xong án phạt tù.
Thủ tục tố tụng thân thiện
Về sự khác nhau giữa các biện pháp xử lý chuyển hướng và các biện pháp xử lý hành chính quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, ông Lê Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND Tối cao, nói tên gọi "có trùng nhau". Tuy nhiên, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của 2 luật này "rất khác nhau". Các biện pháp này, trong Luật Tư pháp người chưa thành niên áp dụng với người chưa thành niên bị buộc tội. Còn với Luật Xử lý vi phạm hành chính áp dụng với các chủ thể vi phạm hành chính.
Theo ông Phúc thủ tục tố tụng thân thiện cho người chưa thành niên được quy định tại hai chương của luật này.
Có hai nhóm đối tượng được áp dụng thủ tục tố tụng thân thiện. Đó là người chưa thành niên là người bị tố giác; kiến nghị khởi tố; giữ người trong trường hợp khẩn cấp và người bị buộc tội. Đó là người chưa thành niên là người bị hại và người làm chứng. Các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; ngăn chặn, cưỡng chế người chưa thành niên bị buộc tội đều được áp dụng thủ tục tố tụng thân thiện.
Đặc biệt, theo ông Phúc, thủ tục xét xử thân thiện được áp dụng trong quá trình Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử vụ án có người chưa thành niên tham gia.
“Khi Luật Tư pháp người chưa thành niên có hiệu lực thi hành nhiều quy định thân thiện, nhân văn, tiến bộ được thế giới và thông lệ quốc tế áp dụng sẽ được áp dụng xét xử ở Tòa án này với người chưa thành niên phạm tội và đối tượng người chưa thành niên khác tham dự phiên tòa" - ông Phúc nói.
12 biện pháp xử lý chuyển hướng
1. Khiển trách.
2. Xin lỗi bị hại.
3. Bồi thường thiệt hại.
4. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
5. Quản thúc tại gia đình.
6. Hạn chế khung giờ đi lại.
7. Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới.
8. Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới.
9. Tham gia chương trình học tập, dạy nghề.
10. Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý.
11. Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
12. Giáo dục tại trường giáo dưỡng.