Tội phạm ma túy từ Tam giác Vàng đang chuyển hướng vào Bắc miền Trung
Giá ma túy tổng hợp đang giảm xuống 10 lần nhưng sản lượng ma túy lại tăng đột biến và giữ vững độ tinh khiết, chứng tỏ tội phạm ma túy từ Tam giác Vàng đã đạt được trình độ công nghệ rất cao. Các đường dây vận chuyển cũng đang chuyển hướng vào các tỉnh Bắc miền Trung và biên giới Việt Nam – Campuchia.
Tại cuộc họp báo chuyên đề “Thông tin kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020: Triển khai nhiệm vụ năm 2021”, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 cho biết, thời gian gần đây, khi Việt Nam cơ bản khống chế được dịch COVID-19, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng nóng trở lại. Các mặt hàng chủ yếu là hàng điện tử, điện lạnh cũ, pháo nổ, thuốc lá, rượu ngoại... Tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép không còn qua đường mòn, lối mở mà qua cả các cửa khẩu chính ngạch. Đặc biệt, trong năm 2020, nở rộ tình trạng vận chuyển ma túy với quy mô lớn.
Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng CụcPhòng chống Ma túy và Tội phạm (Bộ đội Biên phòng) cho biết, tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới đang diễn biến rất phức tạp và có sự chuyển hướng.
Theo Đại tá Hiệp, trước đây, các đối tượng buôn bán ma túy chủ yếu vận chuyển qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào. Đề cập đến ma túy là nhắc đến khu vực Tây Bắc như Mường Nhé, Pha Luông (Điện Biên), Vân Hồ (Sơn La)... Bởi khu vực này gần Tam giác Vàng, nơi đánh giá là thủ phủ ma túy lớn thứ 2 trên thế giới
Tuy nhiên, theo ông Hiệp, trong 2 năm gần đây, lực lượng chức năng giữa Việt Nam và phía Trung Quốc, Lào đã phối hợp chặt chẽ. Có vụ phối hợp với lực lượng biên phòng Trung Quốc bắt được hàng tấn ma túy tổng hợp nên về cơ bản chặn đứng được đường đi của loại tội phạm này từ biên giới phía Bắc.
Sau khi khống chế được đường đi phía Bắc, ông Hiệp cho biết, các đường dây vận chuyển ma túy từ Tam giác Vàng đang chuyển hướng vào các tỉnh Bắc miền Trung và biên giới Việt Nam – Campuchia. Nguyên nhân do khu vực này cũng có đầy đủ các tuyến giao thông thuận lợi như đường 7, đường 8 và các tuyến đường Đông Tây. Đặc biệt, thông qua tuyến đường mòn Trường Sơn, các đối tượng ném qua biên giới, cho lên xe tải ra phía Bắc, phía Nam hoặc ra biển, lên containet đều được. Còn với biên giới Việt Nam -Campuchia, do địa hình bằng phẳng nên các đối tượng đi rất dễ dàng.
Lãnh đạo Cục Phòng chống Ma túy và Tội phạm Bộ đội biên phòng cho rằng, một vấn đề rất lo ngại là sản xuất ma túy tổng hợp tại khu vực Tam giác Vàng đang tăng đột biến với quy mô lớn hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, trong 6 năm qua, giá ma túy tổng hợp dạng đá giảm xuống 10 lần từ 600 triệu đồng/kg xuống còn 70 triệu đồng/kg, ma túy tổng hợp dạng viên từ 7- 8 USD viên xuống 0,5 USD/ viên.
“Giá giảm xuống sâu, nhưng sản lượng ma túy lại tăng và giữ vững độ tinh khiết, chứng tỏ tội phạm ma túy từ Tam giác Vàng đã đạt được trình độ công nghệ rất cao”, ông Hiệp nhận định và cho biết trong năm 2020, Bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng đã triệt phá 894 vụ vận chuyển ma túy trái phép, bắt giữ 1845 đối tượng và thu giữ 3189 kg ma túy các loại. Nhiều chuyên án lớn đã được xác lập như vụ thu giữ hơn 100kg ma túy các loại tại TP.HCM, hay tại Nghệ An mới đây, tổ công tác của Đồn biên phòng 1389 cũng đã phát hiện, truy bắt 4 đối tượng vận chuyển trái phép ma túy và thu giữ 100 kg ma túy tổng hợp. Cùng thời điểm, phía Campuchia bắt 1 vụ thu được 1,6 tấn ma túy đá và 400 miếng heroin.
“Các đối tượng giờ đây không vận chuyển số lượng ít như miếng, gram mà vận chuyển hàng trăm kg, thậm chí hàng tấn ma túy, đồng thời sẵn sàng chống trả lại bằng vũ khí nóng khi bị bao vây, bắt giữ nên cơ quan chức năng gặp rất nhiều áp lực”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cho biết, năm 2021 nhiệm vụ của lực lượng chức năng ở khu vực biên giới sẽ tập trung phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng mua bán, , tấn công triệt để các đường dây ma túy lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, không để Việt Nam trở thành địa bàn ...