Tội phạm mới dưới vỏ bọc xin con nuôi

Nói về đường dây mua bán hơn 30 trẻ sơ sinh, Công an tỉnh Bình Dương đánh giá đây là loại tội phạm mới, hoạt động tinh vi. Công an đang mở rộng điều tra và nỗ lực tìm 24 trẻ mất tích

Chiều 3-11, chúng tôi tìm đến Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội An Sơn tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương - nơi tiếp nhận và nuôi dưỡng một bé trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn mà Công an tỉnh Bình Dương vừa triệt phá.

Đa phần người bán con còn rất trẻ

Trao đổi với phóng viên, bà Đặng Hồng Điệp, Phó trưởng Phòng Chăm sóc khẩn cấp và dài hạn - Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội An Sơn, cho biết tháng 8 vừa qua, các trinh sát hình sự bắt quả tang Nguyễn Thị Ngọc Như chuẩn bị mang bán bé T.A trên địa bàn thị trấn Dầu Tiếng. Sau đó, UBND huyện Dầu Tiếng chuyển giao bé T.A cho trung tâm và chính bà là người tiếp nhận.

"Lúc đó bé mới được 1 tuần tuổi, chúng tôi nuôi dưỡng, chăm sóc như bao trẻ sơ sinh bị bỏ rơi khác. Hiện sức khỏe của bé hoàn toàn bình thường, phát triển đúng với tiêu chuẩn" - bà Điệp nói.

Theo thiếu tá Võ Văn Sơn - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bình Dương, trong số 7 bé mà công an làm rõ thông tin thì 6 bé đang được người nhận nuôi chăm sóc, riêng bé T.A không có người nuôi nên phải chuyển đến đây. Đối với 24 bé còn lại, hiện chưa xác định được nhân thân.

Các trinh sát bắt quả tang tội phạm đang trên đường đi bán trẻ sơ sinh

Các trinh sát bắt quả tang tội phạm đang trên đường đi bán trẻ sơ sinh

Công an tỉnh Bình Dương cho hay yêu cầu cao nhất là không để lộ thông tin, vì đối tượng thấy nghi sẽ thay đổi địa điểm nuôi giấu trẻ em, thay đổi phương thức liên lạc... Nếu không kịp thời ngăn chặn, nhiều trẻ em bị bán đi, hậu quả sẽ rất khó lường.

Những phụ nữ liên quan đường dây này còn rất trẻ. Họ đa phần gặp hoàn cảnh éo le, khó khăn trong cuộc sống nên đã tin tưởng gửi gắm con cho "người nuôi hộ" mà không biết rằng con bị bán đi. Về phía những gia đình nhận con nuôi, một là không biết nguồn gốc thật của trẻ, hai là trở thành tòng phạm, tiếp tay cho các đối tượng xấu kiếm lợi.

Thiếu tá Sơn bày tỏ nếu người mua các bé quan tâm như con thì không sao, chỉ lo họ không nuôi mà bán sang tay hoặc bán ra nước ngoài thì khó có căn cứ để xác định.

"Do tính chất nhạy cảm của sự việc, cả người mua, người bán trẻ em đều không muốn để lại thông tin nên việc xác minh gặp rất nhiều trở ngại. Để xử lý vụ án, bắt buộc cơ quan điều tra phải tìm được trẻ thì mới có căn cứ định tội các đối tượng" - thiếu tá Sơn nói.

Tội phạm mới, hoạt động tinh vi

Thông tin thêm về vụ án, đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, nhìn nhận do các đối tượng đều không cư trú tại địa bàn tỉnh nên công tác trinh sát, điều tra ngoại tỉnh, nắm bắt tình hình gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nắm được lợi thế của công nghệ thông tin, với thủ đoạn xảo quyệt, các đối tượng đều không lộ diện khi giao dịch. Chỉ những thời điểm mấu chốt như giao nhận trẻ em thì chúng mới xuất hiện nên quá trình theo dấu, bắt giữ phải thật chính xác, đúng thời điểm.

Ban Giám đốc Công an tỉnh luôn động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, quyết tâm vì sự thành công của nhiệm vụ, làm sáng tỏ hành vi phạm tội, đặc biệt là không để lọt lưới tội phạm cũng như ngăn chặn các hành vi vi phạm tiếp theo.

Trinh sát làm việc với Nguyễn Thị Ngọc Như

Trinh sát làm việc với Nguyễn Thị Ngọc Như

Đại tá Trịnh Ngọc Quyên nhận định đây là loại tội phạm mới hết sức tinh vi, xảo quyệt và liều lĩnh khi buôn bán trẻ sơ sinh núp bóng hình thức xin con nuôi. Tính vô nhân đạo của loại tội phạm này còn thể hiện ở chỗ một số đối tượng còn từng bán chính con đẻ của mình; nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ để lại hậu quả rất lớn về mặt xã hội.

Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương nhắn gửi các gia đình hiếm muộn nên tìm hiểu rõ pháp luật về việc cho - nhận con nuôi để tránh tình trạng bị lợi dụng, tiếp tay cho hành vi phạm tội...

Đối với những phụ nữ trẻ, nên có lối sống lành mạnh. Trong trường hợp không thể nuôi con, hãy tìm đến các trung tâm bảo trợ có giấy phép hoạt động hoặc tổ chức có uy tín để gửi gắm. "Hơn hết, mọi người nên tìm hiểu pháp luật, lao động chân chính để tránh bản thân rơi vào hoặc bị lôi kéo vào các hoạt động phi pháp" - đại tá Trịnh Ngọc Quyên nhấn mạnh.

Phạm tội liên tỉnh

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố 8 bị can về các tội "Mua bán người dưới 16 tuổi", "Làm giả, sử dụng tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức", đồng thời củng cố hồ sơ để khởi tố đối với 16 đối tượng liên quan.

Hiện mới chỉ có 7 trẻ được xác định lai lịch, còn 24 trẻ thì chưa. Khi lấy lời khai của các đối tượng cũng như mẹ các bé thì họ hoàn toàn không biết người nhận nuôi những trẻ này là ai...

Theo cơ quan công an, để phá vụ án, khó khăn lớn nhất là về quân số vì cán bộ, chiến sĩ tham gia rất mỏng so với địa bàn hoạt động của tội phạm (trải rộng nhiều tỉnh như Long An, Bến Tre, Bình Phước, Gia Lai...).

Kẽ hở trong cấp giấy khai sinh, cho - nhận con nuôi

Theo thiếu tá Võ Văn Sơn, ngay từ việc thai phụ đi đẻ tại bệnh viện, nhân thân của họ đã không được kiểm soát kỹ lưỡng. Điều này dễ tạo điều kiện cho đối tượng xấu đánh tráo tên, tuổi, địa chỉ nếu được thông đồng.

Mặt khác, các giấy chứng sinh chưa được quy định một mẫu cụ thể, nhân thân của người đứng ra làm giấy chứng sinh cho trẻ cũng không được kiểm soát tại cơ quan chức năng. Trong khi đó, cán bộ tư pháp chỉ căn cứ thông tin trên giấy chứng sinh để cấp giấy khai sinh. Đó là kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện hành vi cho - nhận con một cách dễ dàng.

Bài và ảnh: Thảo Nguyễn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/toi-pham-moi-duoi-vo-boc-xin-con-nuoi-20221103213938663.htm