Tôi tận mắt thấy cá voi săn mồi trên biển Gia Lai
Kinh nghiệm chụp ảnh tại nhiều vùng biển trên thế giới giúp tôi 'săn' những bức ảnh cá voi Bryde để đời tại Gia Lai ngày 6/7 vừa qua.

Tôi là Nguyễn Ngọc Thiện (36 tuổi, ngụ TP.HCM) - một kỹ sư, thợ lặn và nhiếp ảnh gia đại dương. Trên con đường theo đuổi nghiệp nhiếp ảnh dưới nước, tôi từng chinh phục nhiều cuộc thi ảnh thế giới với khoảnh khắc hiếm có như cá nhà táng ngủ thẳng đứng ở Đông Phi, cá voi lưng gù di cư qua biển Ấn Độ Dương, cá mập hổ lớn ở Maldives, hay cả cá voi sát thủ Orca ở biển Cortez, Mexico. Sự xuất hiện liên tục của cá voi Bryde (người dân quen gọi là cá Ông) tại Nhơn Lý (Gia Lai, thuộc địa phận tỉnh Bình Định cũ) vào đầu tháng 7 thôi thúc tôi trở lại quê nhà. Lần tìm gặp cá voi Bryde hôm 6/7 không chỉ là một chuyến "săn" ảnh, mà là một hành trình ghi lại khoảnh khắc kỳ diệu của thiên nhiên ngay trên chính quê hương mình.

Hành trình "săn" cá Ông của tôi bắt đầu vào rạng sáng 6/7. Tôi cùng anh em nhiếp ảnh gia khác theo thuyền ngư dân rời bờ, hướng ra vùng biển Nhơn Lý, nơi những ngày gần đây rộ tin về sự xuất hiện của một cá thể cá voi Bryde. Được người dân mách bảo, thuyền chúng tôi túc trực tại vùng biển trước Lăng Ông Nam Hải và tượng Phật Bà chùa Phước Sa, khu vực cá Ông thường xuyên trồi lên săn mồi. 5h30, từng đàn chim nhạn bay rợp một góc trời, lượn quanh không trung như phát tín hiệu đầu tiên, báo hiệu điều kỳ diệu nào đó sắp diễn ra. Một ngư dân cho tôi biết chim nhạn xuất hiện nhiều thường là có luồng cá bên dưới và cá Ông sẽ không ở xa.

Đúng như dự đoán, đằng xa, chợt phụt lên cột nước trắng xóa giữa mặt biển phẳng lặng cùng một âm thanh phì phì đặc trưng. Cá Ông đã xuất hiện. Trong vài khoảnh khắc ngắn ngủi, cá voi Bryde trồi lên, lượn vòng, đớp đàn cá nhỏ đang tụ lại gần bờ. Tuy nhiên, có vẻ như vẫn còn dè chừng với sự hiện diện của thuyền bè, chỉ khoảng 15-20 phút sau, nó lặn sâu và mất hút trong làn nước xanh.

Tưởng như chuyến đi đã khép lại, nhưng bất ngờ vào khoảng tầm 15h cùng ngày, cá thể cá voi này lại xuất hiện trở lại, vẫn ngay trước khu vực Lăng Ông Nam Hải. Lần này, nó trồi lên nhiều hơn, bơi lượn săn mồi trong nhiều giờ liền, không còn e dè như buổi sáng. Những cú đớp mồi đầy uy lực giữa ánh chiều vàng khiến khung cảnh biển Nhơn Lý trở nên huy hoàng và sống động hơn bao giờ hết.


Trong ảnh là cảnh cá Ông phô diễn kỹ thuật săn mồi đặc trưng nhìn từ trên cao. Để có được những khoảnh khắc ngoạn mục này, tôi chia làm 2 chuyến ra khơi để canh cá voi. Buổi sáng khởi hành ra khơi lúc 4h30. Khoảng 10-11h, tôi về lại đất liền để ăn uống nghỉ ngơi. Khoảng 2h chiều, tôi lại tiếp tục ra khơi đến hoàng hôn tầm 18h về lại đất liền.




Cận cảnh tấm sừng hàm ngắn trong miệng cá voi Bryde.

Kỳ vọng lớn nhất của tôi trong chuyến đi lần này không chỉ là ghi hình hay chụp được những bức ảnh đẹp, mà là được chứng kiến và ghi lại khoảnh khắc tự nhiên, hoang dã của một loài cá voi lớn giữa lòng biển Việt Nam. Đây vừa là trải nghiệm cá nhân, vừa là một câu chuyện để kể, để chia sẻ với cộng đồng rằng thiên nhiên hoang dã Việt Nam vẫn còn rất đa dạng và nhiều loài sinh vật thật kỳ diệu, nếu ta biết quan sát và giữ gìn.

Nhờ những lần ra khơi tác nghiệp trong và ngoài nước cũng như trên các loại tàu thuyền khác nhau, tôi thích ứng tương đối tốt ở lần sản xuất ảnh này và cho ra bức ảnh như ý.

Lần ra khơi này tôi mang theo 2 máy ảnh full-frame Sony A7r5, ống kính FE 12-24 mm f2.8 GM và ống tele FE 100-400 GM và thêm thiết bị Flycam Mavic 4 Pro để ghi hình cá voi trên không.