'Tôi thấy mình may mắn'

Đi chụp ảnh, ảnh đẹp hay chưa đẹp không thành vấn đề. Miễn là được đi và còn đi được. Đi để biết quê hương đất nước mình giàu đẹp. Đi để săn tìm vẻ đẹp của đất nước quê hương, đó là quan điểm của nhà nhiếp ảnh Lê Thanh Sinh.

“Ngày hội chinh phục đỉnh Olympia” (Lê Thanh Sinh), tác phẩm đoạt Huy chương Đồng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ năm 2024.

Ngắm nhìn bức ảnh “Ngày hội chinh phục đỉnh Olympia” vừa được Huy chương Đồng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ, vào những ngày này khi tiếng trống khai trường vừa cất lên, cảm xúc của người xem vừa có chút bồi hồi vừa có sự tự hào.

Sau khi nghỉ “hưu”, thôi chức Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh, anh Lê Thanh Sinh dành thời gian lớn ở Thừa Thiên Huế để chăm sóc mẹ. Cũng từ đó mà tình yêu nhiếp ảnh lại được thổi bùng lên. Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết: “Trước đây tôi cũng thích chụp ảnh, nhưng mà chụp chủ yếu để đăng facebook. Sau này, có thời gian, lại đúng quãng ở Huế, phong cảnh, con người nơi đây khiến tôi muốn ghi lại từng khoảnh khắc”.

Bởi, theo anh chia sẻ: “Tôi có may mắn được 2 lần đi Trường Sa. Trước khi đi tôi cũng đã sắm bộ máy ảnh hơn 70 triệu với mong muốn sẽ có được những bộ ảnh đẹp. Trước không gian của biển đảo quê hương, tôi xúc động về vẻ đẹp của Trường Sa, tự hào về những người lính canh giữ biển trời... Không biết bao lần bấm máy nhưng kết quả tôi thu được là những bức ảnh chỉ chứa đựng thông tin đơn thuần. Cái cơ bản nhất là tôi chưa có kỹ thuật chụp. Ảnh chủ yếu mang tính chất tư liệu về chuyến đi. Tiếc thật, nếu như giờ đây, có lẽ tôi sẽ có vài bức ảnh đáng giá”.

Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Sinh.

Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Sinh.

Để nhận ra sự nuối tiếc ấy là hành trình của 3 - 4 năm, anh miệt mài đi khắp nơi, chụp không biết bao nhiêu bức ảnh. “Nhiều người nói tôi sướng, được đi du lịch suốt. Không nhiều người biết cái đi của người chụp ảnh là đi du lịch hành xác đấy. Có điều tôi vẫn nghĩ, với một người ngoài 60 như tôi, đi là để vận động cơ thể và vui nhất là khi đêm về, mở những bức ảnh ra làm hậu kỳ thấy vài ba chiếc ưng ý là thấy thêm ngày có ý nghĩa”. Tất nhiên tôi nghĩ đó là một phần trong những cơn cớ mà Lê Thanh Sinh đưa ra, bởi có niềm đam mê nào mà không trả giá về mặt thời gian, sức lực, tinh thần và cả tiền bạc. Anh kể về những chuyến đi từ 3 giờ sáng để săn tìm những khoảnh khắc, đến những vùng đất chưa mấy người đặt chân, thậm chí đi mòn những địa điểm quen thuộc để tìm một góc ảnh mới...

Năm 2021 là lần đầu tiên anh tham gia Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 11 - VN21. Trong 16.000 tác phẩm gửi đến, bức ảnh “Tìm về cội nguồn” của anh là 1 trong 950 tác phẩm được ban tổ chức lựa chọn để trưng bày triển lãm. “Chừng ấy thôi mà tôi vui lắm. Kể niềm vui đó có khi nhiều người cười chê, nhưng lần đầu tiên mà, không vui sao được”.

Lại nói về bức ảnh “Ngày hội chinh phục đỉnh Olympia”, anh Lê Thanh Sinh cho biết đó là sự may mắn. Chứng kiến cái không khí rộn ràng của ngày hội lịch sử ấy, anh lựa chọn rất nhiều góc để ghi lại hình ảnh sự kiện, chân dung con người. Bức ảnh với đủ màu sắc, quy tụ lại trong hình tròn Olympia, thực sự là một ngày hội của không chỉ học sinh, đó hơn hết là niềm tự hào về đất xứ Thanh - đất học.

“Với giới nhiếp ảnh, xứ Thanh còn là kho tư liệu quý, có rừng, có biển, làng nghề, di tích, danh thắng... Chính vì thế mà chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng nhiệm vụ của nhiếp ảnh là quảng bá được nét đẹp, truyền thống văn hóa, sự đổi thay của miền đất “địa linh nhân kiệt”. Tiếc là lực lượng nhiếp ảnh của Thanh Hóa “chưa bền vững” và khá khiêm tốn”.

“Tìm về cội nguồn” tác phẩm tham gia Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 11 - VN21.

Mỗi câu nói của Lê Thanh Sinh khiến tôi phần nào trả lời được thắc mắc tại sao những tỉnh như Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Hà Giang... phát triển du lịch nhanh chóng. Ngoài cảnh sắc thiên nhiên ban tặng, nhiếp ảnh là một “kênh” truyền thông quý giá quảng bá hình ảnh rất nhanh chóng và có hiệu quả đến với du khách. Đồng thời, Lê Thanh Sinh cũng cho tôi cảm giác, sự học không bao giờ dừng, cho dù ở độ tuổi nào. Giống như cách anh đang học hỏi những nghệ sĩ gạo cội, những người có kinh nghiệm hơn anh. “Cái khó của nhiếp ảnh là không được để mình dẫm vào lối mòn của người đi trước. Song lại rất linh hoạt trong quan niệm giữa cái cũ và cái mới. Cũng cảnh vật đó, con người đó, không gian đó nhưng mỗi người chụp một góc khác nhau, thời điểm khác nhau thì sẽ ra những tác phẩm khác nhau. Vì thế, vấn đề chính vẫn là trình độ mình chưa cao để chụp được những bức ảnh đẹp thôi”.

Nhiếp ảnh cần sự hội tụ năng khiếu, thời gian, điều kiện và lòng đam mê..., Lê Thanh Sinh biết mình biết người, “tôi có thừa thời gian nhưng thiếu nhiều thứ. Ngoài 60 tuổi, điều kiện đi lại khó khăn hơn, trình độ công nghệ thua xa các bạn trẻ, xử lý hậu kỳ ảnh chưa đạt hiệu quả như mong muốn... Nhưng thôi, bù lại tôi đáp ứng được nhiệm vụ chính là chơi, đưa đón các cháu đi học; và giữ gìn sức khỏe cho bản thân thông qua việc đi chụp ảnh”.

Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ năm 2024, Thanh Hóa có 13 tác phẩm trưng bày của 9 tác giả trong đó có 1 bộ ảnh và 12 ảnh đơn. Chưa phải là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nên niềm vui khi “Ngày hội chinh phục đỉnh Olympia” đoạt giải càng cao hơn với Lê Thanh Sinh. “Đây sẽ là động lực để tôi tiếp tục chinh phục chính mình và nhiếp ảnh”.

Vẫn biết dù chính thức đến với nhiếp ảnh nghệ thuật khá muộn, song “Ngày hội chinh phục đỉnh Olympia” là 1 trong 11 giải chính thức của liên hoan cho thấy sự tinh tế của Lê Thanh Sinh khi lựa chọn được chủ đề, góc ảnh để chạm đến cảm xúc của người xem.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/toi-thay-minh-may-man-32786.htm