'Tôi thương nhớ New York và mong được trở về'

Vivian Yee, phóng viên thường trú đang sống và làm việc tại Beirut (thủ đô của Lebanon), cho biết những ngày qua đầu óc cô chỉ hướng về một nơi - New York.

Đèn vẫn sáng ở Quảng trường Thời Đại. Các tấm biển quảng cáo vẫn nhấp nháy ánh đèn neon. Nhưng giờ đây, không còn dòng người đi lại tấp nập khắp các nẻo đường trung tâm.

Vivian từng di chuyển đến nhiều nơi để thực hiện nhiệm kỳ công tác, thế nhưng, New York vẫn là nơi cô gắn bó lâu và dành nhiều tình cảm nhất. Cô đã ở thành phố này khoảng 6 năm rưỡi trước khi phải dời đến Trung Đông vào cuối năm 2018 để đưa tin hiện trường cho Times.

“Khi làm việc với tư cách là một phóng viên địa phương, tôi khám phá được nhiều câu chuyện. Thế nhưng, những ngày qua, tiêu đề thu hút trên các mặt báo đều liên quan đến dịch Covid-19 ở New York, nơi tôi thương nhớ nhất vào lúc này”, cô nói với New York Times.

 Nhịp sống sôi động của thành phố New York nhộn nhịp dần bị thế chỗ bởi vẻ im ắng, ảm đạm. Ảnh: NYT.

Nhịp sống sôi động của thành phố New York nhộn nhịp dần bị thế chỗ bởi vẻ im ắng, ảm đạm. Ảnh: NYT.

Tự trấn an bản thân ở nơi đất khách

“Mỗi góc cạnh của New York đều mang một dáng vẻ riêng, nhưng chúng đều có cùng một điểm là luôn sôi động và rôm rả không ngừng”, Vivian miêu tả.

Tuy nhiên, những con phố, kiến trúc đầy tính biểu tượng, như Quảng trường Thời đại, Quảng trường Union, Quảng trường Madison, Phố Wall, Nhà ga Trung tâm hay các cây cầu hoành tráng của thành phố, giờ đây đều vắng vẻ.

“Kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ, tôi đã nhắn tin cho tất cả họ hàng và gia đình ở New York. Tôi lo lắng cho bố mẹ, những người nhiễm bệnh, những nhân viên tuyến đầu chống dịch và cả những lao động thất nghiệp tại đây”.

Đôi lúc, khi nhớ về gia đình, nữ phóng viên thường tự trấn an rằng mình vẫn còn may mắn khi đang ở Lebanon, thay vì phải trải qua những thảm cảnh đó hay cô lập trong bốn bức tường.

 Lệnh trú ẩn tại nhà được yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt ở New York, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 ở Mỹ. Ảnh: Desiree Rios.

Lệnh trú ẩn tại nhà được yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt ở New York, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 ở Mỹ. Ảnh: Desiree Rios.

Nỗi nhớ về “thành phố trong mơ”

Có không ít điều nhỏ nhặt về New York từng khiến Vivian khó chịu: công viên Sheep Meadow đông nghịt khách vào mỗi cuối tuần, nhà hàng Thái ở phố Smith - nơi khách hàng luôn phải đợi khoảng nửa tiếng để có thể gọi món, và cả những quán rượu ồn ào, không một người bạn thân quen.

Bây giờ, đó lại chính là những điều mà Vivian nhớ về thành phố trong mơ của mình.

“Tôi nhớ những bộ trang phục ấn tượng mà người New York thường mặc ra đường, nhớ nhịp sống hối hả hiện lên rõ rệt ở ga tàu điện ngầm, nhớ những hôm xem phim hay ăn tối một mình, thậm chí, nhớ cả cách mọi người xếp hàng mà không cần đứng cách xa nhau 2 m để mua thứ đồ tiêu khiển vừa xuất hiện trong video clip của một influencer nào đó”, cô chia sẻ.

Giờ đây, từ Beirut, Vivian chỉ có thể cập nhật tình hình dịch bệnh ở Mỹ thông qua tin tức và Instagram của những lao động tại đây.

Tất cả những gì nữ phóng viên mong muốn ở hiện tại là trận đại dịch sẽ qua nhanh, các cửa hiệu sẽ mở cửa trở lại và cô có thể về nhà, gặp lại gia đình, họ hàng của mình, thậm chí là những người lạ thường xuyên bắt gặp trên phố nhưng chưa bao giờ nói chuyện.

“Tôi hy vọng New York sẽ sớm vượt qua cơn khủng hoảng này và tiếp tục phát triển cho đến khi tôi trở về”, cô nói.

 Tại nơi luôn đông đúc khách du lịch, cảnh tượng ảm đạm trong thời gian qua là thứ khu Manhattan (New York) chưa từng trải qua. Ảnh: NYT.

Tại nơi luôn đông đúc khách du lịch, cảnh tượng ảm đạm trong thời gian qua là thứ khu Manhattan (New York) chưa từng trải qua. Ảnh: NYT.

Mẫn Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-thuong-nho-new-york-va-mong-duoc-tro-ve-post1080759.html